Cây me cổ thụ cao 24m, đường kính thân 1,2m, tán lá che phủ hơn 600 m2. Tương truyền, cây me này do thân phụ của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, và Nguyễn Lữ là ông Hồ Phi Phúc trồng cách đây hơn 200 năm.
Đến nay, trải qua bao lửa đạn chiến tranh, những thăng trầm của lịch sử dựng nước, giữ nước, cây me cổ thụ vẫn mạnh mẽ sống, hiên ngang vươn cao giữa đất trời, chứng kiến bao đổi thay của đất nước. Người dân đất võ Bình Định luôn tự hào bởi những “giá trị đặc biệt” mang khí phách hùng thiêng của người anh hùng áo vải Quang Trung của phong trào Tây Sơn.
Đặc biệt, từ lâu Bảo tàng Quang Trung đã cho nhân giống me từ cây me cổ thụ này. Đã có rất nhiều người dân và du khách mua về làm quà cho bạn bè người thân mỗi khi có dịp thăm quan Bảo tang Quang Trung.
Mỗi năm một lần, Bảo tàng Quang Trung cho phun thuốc diệt trừ sinh vật gây hại để bảo vệ thân cây chứ không cần chăm sóc gì nhiều, vậy nhưng, cây me vẫn xum xuê cành lá và ra trái đều quanh năm.
Bảo tàng Quang Trung nằm ở khúc đầu sông Kôn, được xây dựng ngay trên nền vườn nhà cũ của ba thủ lĩnh phong trào Tây Sơn. Cây me cùng với giếng nước gần đó là hai di tích còn sót lại trong ngôi nhà của 3 anh em nhà Tây Sơn sau khi bị quân của chúa Nguyễn Ánh tàn phá.
Để tưởng nhớ Tây Sơn Tam kiệt và qua mắt quân Nguyễn Ánh, người dân trong vùng đã dựng lên một đền thờ cạnh cây me và giếng nước, bề ngoài thờ thành hoàng làng, nhưng thực chất bên trong là thờ ba anh em họ Nguyễn.
Ngoài ra bảo tàng còn trưng bày khoảng trên 11.000 hiện vật có liên quan đến phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và vị anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nơi đây còn có điện thờ Tây Sơn Tam kiệt thờ Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và các văn thần võ tướng của nhà Tây Sơn.
Hàng ngày bảo tàng luôn có du khách trong và ngoài nước đến thăm, nhưng đông nhất là vào ngày Mùng 5 tháng Giêng hàng năm - ngày kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi (Đống Đa, Hà Nội) thì bảo tàng vui như hội. Du khách đến thăm, dâng hương hoàng đế Quang Trung các văn thần võ tướng của nhà Tây Sơn.
Đến đây du khách như được trở về quá khứ với hiện vật, kỷ niệm có từ thời ba anh em nhà Tây Sơn, đó là cây me 200 tuổi rồi du khách chờ nhau để được uống một ngụm nước mát từ giếng nước đá ong, rồi thưởng thức tiếng trống trận và các bài võ hào hùng làm cho du khách không khỏi bồi hồi nhớ về nghĩa quân Tây Sơn thần tốc và người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ:
“Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
(Chiếu xuất quân)
Nếu ai đã từng ngồi dưới cây me ở Bảo tàng Quang Trung, ít nhiều sẽ có cảm xúc trong mối giao cảm tâm linh giữa “cây và người”. Nhà thơ Thanh Thảo từng viết: “Năm 1983, đi cùng nhà thơ Xuân Diệu, lần đầu tiên tôi được về Tây Sơn, viếng Bảo tàng Quang Trung.…
Tôi không nhớ là mình có chợp mắt dưới gốc me ấy không, nhưng có cảm giác như mình đang mơ trong khi tỉnh. Nhà thơ Xuân Diệu cũng đang đắm mình dưới gốc me lão, không biết ông đang nghĩ gì hay mơ thấy gì, nhưng nhìn gương mặt ông thấy chập chờn những quầng sáng. Đó là gương mặt của người đang giác ngộ…
Có thể trước đây Nguyễn Huệ cũng từng ngồi lặng lẽ dưới gốc me này để suy nghĩ những điều lớn lao cho đất nước. Một cái cây cổ thụ là một điều lớn lao, nhưng cây me này không chỉ cổ thụ, nó còn là một cây me vĩ đại…”.