Vietnamese English
Cây lim cổ - Cây Di sản Việt Nam có bướu mặt hổ

4/13/2022 7:14:00 AM

(VACNE) - Năm 2011 Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận 54 cây lim cổ thụ tại núi Thiên Bồng, Đền Cao, Chí Linh, Hải Dương là Cây Di sản Việt Nam. Trong 54 cây lim này, có một một cây lim có chiếc bướu hình đầu hổ.

Sự linh thiêng của rừng lim được người dân nơi đây truyền tai nhau bằng những câu chuyện thần kỳ. Ông Chu Vĩnh Toàn, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Hải Dương cho biết, rừng lim đã tránh được bao nhiêu hòn tên mũi đạn trong các cuộc chiến chống ngoại xâm. Thời chiến tranh chống Pháp, đất An Lạc cũng từng chịu nhiều trận càn của giặc, hàng trăm quả đại bác phá tan hoang làng xóm nhưng không quả nào rơi trung rừng lim. Rồi đến thời chống Mỹ, có 8 quả bom trút xuống khu vực đền nhưng đều rơi ra đồng bãi. Người ta không thể hiểu tại sao rừng lim vẫn vẹn nguyên sau bao biến cố của thời cuộc.
 


Cây lim cổ bướu mặt hổ

 
Cụ Dương Văn Luyện kể: Thời cải cách ruộng đất, khoảng ấy mươi năm về trước khi người ta có ý định phá đền, đốn rừng lim, hàng trăm cụ ông cụ bà thôn Đại kéo lên, cứ 3 cụ ôm một gốc cây để ngăn cản. Các cụ tuyên bố: “Nếu cưa được các cụ thì cưa được lim, phá được đền”. Cuộc tàn sát rừng lim được chặn đứng. Thế nhưng đã có 16 cây lim cổ thụ bị đẵn ngã. Nhựa lim đặc quánh, ứa ra như máu. Nghe dân làng nói, gỗ những cây lim ấy sau đó được người ta xẻ ra làm bàn, làm ghế... Nhưng tất cả những người dùng nó đều gặp rủi ro nên cứ một dạo lại có người mang tới đền trả. Rồi trước đây có mấy trường hợp đến cưa cành lim về làm đồ dùng, nhưng sau đó cả nhà gặp tai họa, người chết, người ốm đau liên miên. Ngay lập tức họ lại phải đem trả, làm lễ lên đền rồi mới thoát khỏi tai họa. Sự linh thiêng của rừng lim này cũng đã hình thành trong mỗi người dân ý thức bảo vệ rừng.
 
Huyền bí bướu mặt hổ

Điểm gây tò mò nhất trong 54 cây lim của đền Cao là một cây lim có một chiếc bướu hình đầu hổ. Nhìn trực diện, cái bướu này giống hệt một chiếc đầu hổ. Nhìn từ trên xuống, cái bướu lại giống một chú khỉ lông vàng. Người dân nơi đây đã thêu dệt nên câu chuyện linh thiêng về thần lim hiện hình trong chiếc bướu này. Bởi thế quanh năm, chỗ này được coi là nơi linh thiêng để thờ cúng, ước nguyện sự bình an và may mắn. Cây lim có bướu đầu hổ này nằm ngay cạnh ngôi mộ tổ của 12 dòng họ ở đây. Bởi thế quanh năm có người đến thắp hương khấn vái, lúc nào không gian nơi đây cũng thoang thoảng mùi hương trầm lắng. Cây lim có bướu đầu hổ đã trở thành điểm linh thiêng không được “động vào” của người dân nơi đây.

 
 
 Cây lim cổ bướu mặt hổ

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Chủ nhiệm bộ môn Quản lý môi trường, khoa Môi trường, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội giải thích, chiếc bướu này có thể là do nấm hoặc một số loại nấm đặc hữu như linh chi phát triển thành. Qua thời gian, chúng phát triển nhiều lên và ngẫu nhiên có hình dáng đó, được dân gian gắn cho trí tưởng tượng của mình. Về lý thuyết thì bất kỳ cây sống lâu năm nào cũng có thể xuất hiện những chiếc bướu sần sùi trên thân cây. Tuy nhiên, đây cũng là một niềm tin, một mong ước được phù hộ độ trì, đồng thời cây lim trở thành nơi thần thánh để người dân tìm về, thì đó cũng là điều đáng trân trọng.

(Theo Báo KH & ĐS)

Lượt xem : 1922