Vietnamese English
Cây khế cổ và lớn nhất Việt Nam ?

3/15/2013 10:17:00 AM

Gìn giữ những cây cổ thụ lâu năm là việc làm thiết thực, ở làng Long Thái xã Thái Sơn - Đô Lương- Nghệ An hiện có cây khế hàng trăm năm tuổi đang được dòng họ Hoàng và nhân dân gìn giữ bảo vệ. Ngoài sự cổ lão, cây khế còn là nơi trú ẩn của các chiến sĩ cách mạng, nơi cất giữ tài liệu mật của Đảng.

 

          


Toàn cảnh cây khế với tán lá sum sê
 

Cây khế đứng hiên ngang trong khu mộ tổ của dòng họ Hoàng Văn thuộc làng Long Thái xã Thái Sơn huện Đô Lương. Cổ mộc này đã chứng kiến biết bao sự đổi thay, thăng trầm của đất nước. Trải qua hàng trăm năm, cây khế vẫn đâm chồi nảy lộc. Hàng chục thế hệ đến hàng chục thế hệ, con cháu trong dòng họ Hoàng và bà con nơi đây đã luôn luôn coi cây khế như là một bảo vật của Làng. Cây khế này có đặc điểm khác biệt với các cây khế khác đó là thường xuyên ra quả, chỉ trừ tháng 12 và tháng giêng. Ông  Hoàng Văn Hồng - người dân làng Long Thái cho biết: “ cây khế này thường ra qủa quanh năm, nấu canh rất ngon. Cả làng chúng tôi thường hái qủa từ cây khế này. Chỉ có quả cây khế này nấu với cua đồng là nước trong veo, không bị đen nước như qủa của các cây khế khác”.

Cây khế có từ lúc nào, cả làng Long Thái cũng không ai biết được, hiện nay tuổi của cây khế đang có nhiều tranh luận, người thì cho rằng trên 300 năm , có người lại nói trên 400 năm, nhưng chắc chắn cây khế phải đạt độ tuổi trên 200 năm. Toàn thân cây khế mốc mác, hang hốc. Thân cây khế đã rỗng ruột, có thể chữa được vài người ở bên trong thân cây khế. Ngoài thân cây bị rỗng, các cành chính của cây cũng đã rỗng ruột. Tuy nhiên ở gốc cây khế và các cành cây đều có mầm mới mọc lên. Chính những mầm mới này đã nuôi sống cây và giúp cho vỏ cây không tiếp tục bị mục. Ông Hoàng Văn Đa – một người dân trong làng nói: “Tôi năm nay gần 80 tuổi, cha tôi sinh năm 1005, lúc cha tôi còn sống có kể lại ngày nhỏ thường chơi trốn tìm trong gốc cây khế này. Do vậy tôi khẳng định chắc chắn rằng cây khế này phải trên 200 năm tuổi”.

Theo các bậc cao niên trong Làng kể lại, vào những năm chiến tranh, chính gốc cây khế này là nơi cất giữ các loại tài liệu mật của Đảng. Bà Tôn Thị Quế - nguyên Chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã từng trú ẩn trong gốc cây khế này để che mắt địch.

Ngoài sự cổ lão và tính lịch sử, có lẽ hiếm có cây khế nào ở Việt Nam lại có độ lớn như cây khế này, phải 4 vòng rưỡi tay người lớn kết liền mới ôm được cây khế. Cây khế có 4 nhánh chính vươn lên, tuy nhiên có một nhánh bị gãy ngang, đây là sự trùng lặp ngẫu nhiên khi trong dòng họ Hoàng Văn có 4 chi nhưng một chi bị khuyết. Dòng họ Hoàng Văn đến nay đã trải qua 19 đời, có trên 900 đinh. Nhiều người ví, con cháu họ Hoàng nhiều như lá cây khế.

Cây khế cổ ở làng Long Thái - Đô Lương đã bao đời nay sống và gắn bó với nhân dân, từng là nơi để các chiến sĩ cộng sản hoạt động, đấu tranh dành độc lập cho Tổ Quốc. Cây khế cần được vinh danh thành cây Di sản để nhiều người biết đến, thông qua đó giáo dục cho thế hệ trẻ về một thời kỳ chiến đấu gian khổ, hào hùng của dân tộc Việt Nam./.









Thân cây khế già mốc, Cành cây cổ lão theo năm tháng




Vài người có thể chui lọt trong thân cây khế






Qủa và hoa khế vẫn ra từ gốc cây


 Bài và ảnh : Ngọc Phương – Truyền hình Đô Lương – Nghệ An.


Lượt xem : 12012

TIN KHÁC

MÙA YÊU THƯƠNG (01/02/2025 11:48 )
Tết là (31/01/2025 09:54 )
Xuân ấm (31/01/2025 08:32 )
Mùa yêu thương (30/01/2025 14:54 )