Vietnamese English
Cây Hồi

9/12/2020 5:09:00 PM

(VACNE) - Cây Hồi còn có tên là Mắc hồi (tiếng Tày), hay Pit cóc (tiếng Dao), tên khoa học là Illicium verum Hook. f., thuộc họ Hồi (Illiciaceae). Quả của cây này được dùng làm thuốc gọi là Đại hồi, hay Bát giác hồi hương.

Cây Hồi được trồng từ lâu đời ở nước ta, riêng tỉnh Lạng Sơn đã trồng trên diện tích khoảng 32.000 ha, cho sản lượng khoảng 5.000 tấn quả/năm. Nó cũng được trồng ở các tỉnh Quảng Ninh (6.250 ha), Cao Bằng (4.470 ha), Bắc Kạn (4.700 ha) (số liệu năm 2005). Ngoài ra, cây Hồi còn phân bố ở các tỉnh miền nam Trung Quốc (chủ yếu ở Quảng Đông, Quảng Tây) và cũng được trồng ở một số nước Đông Nam Á như Lào, Indonesia, Philippin, với diện tích nhỏ và sản lượng không đáng kể.

Trên thế giới, chi Hồi (Illicium) có khoảg 40 loài, ở Việt Nam có 17 loài. Ngoài cây Hồi làm thuốc nói trên (I. verum), còn có nhiều loài Hồi dại mọc hoang dã, không dùng làm thuốc. Trong đó, có loài cho quả độc là Hồi đá vôi, hoặc Cẳng tó, tiếng H’Mông gọi là Mubu, tên khoa học là Illicium difengpii B.N. Chang (tên đồng nghĩa là I. griffithii), phân bố ở Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hoà Bình, Ninh Bình.

          Hồi là cây gỗ nhỡ, cao 6-10m, thân mọc thẳng đứng, cành non nhẵn, màu lục nhạt, sau chuyển sang màu nâu xám. Lá nguyên, mọc so le, phiến lá dày và cứng, hình trái xoan hẹp, dài 8-12cm, rộng 3-4cm, đầu lá nhọn. Hoa mọc đơn độc (hoặc 2-3 hoa) ở kẽ lá, cuống to và ngắn; 8 lá đài màu hồng ở mép, hơi xanh ở phía lưng, rụng ngay khi hoa nở. Tràng gồm 5-6 cánh hoa hình bầu dục, nhỏ hơn lá đài, màu hồng thẫm. Nhị 10-12, ngắn hơn cánh hoa, chỉ nhị rộng. Lá noãn rời. Quả thường có 8 đại rời nhau (nên có tên là ‘Bát giác hồi hương’) xếp toả tròn hình sao, đường kính 2,5-3cm, màu xanh lục; khi khô, mỗi đại tự mở theo mép lá noãn thành một khe nứt dọc, để lộ 1 hạt hình trứng nhẵn bóng, màu nâu đỏ. Mùa hoa: tháng 3-5, mùa quả: tháng 6-9. 

Description: Qua Hoi

Hình 1: Cây Hồi (Nguồn: L.Đ. Cư)

Hình 2: Quả Hồi (Nguồn: T.C. Khánh)

Do các đại của quả Hồi rời nhau và xếp toả tròn như một bông hoa nên nhiều người gọi nhầm là “hoa hồi”. Thực ra, không ai sử dụng hoa cây Hồi, nhưng cụm từ “hoa hồi” vẫn xuất hiện cả trong văn thơ và biển hiệu cửa hàng như “Hoa Hồi Lạng Sơn”, nơi kinh doanh thuốc Đông dược.

Về hóa học: Cây Hồi chứa tinh dầu (tỷ lệ 8-10% trong quả khô). Thành phần chính của tinh dầu Hồi là trans-anethol (85-90%). Ngoài ra, còn có khoảng 25 hợp chất khác như limonen, α-pinen, β-phellandren, linalool, vv. Từ quả Hồi người ta đã chiết xuất được acid shikimic (7-10%),  để làm  nguyên  liệu tổng hợp  thuốc Tamiflu (Oseltamivir phosphat), một loại thuốc để phòng và chữa bệnh cúm gia cầm do virus H5N1 gây ra.

Về công dụng:  Theo Y học cổ truyền ở Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ thì Đại hồi có vị cay, ngọt, mùi thơm, tính ấm, vào kinh can, thận, tỳ, vị; có tác dụng trừ hàn, khai vị, kiện tỳ (kích thích tiêu hoá), tiêu thực, giảm co bóp dạ dày và ruột, lợi sữa, trừ phong, giảm đau, sát trùng. Thường dùng trị nôn mửa và tiêu chảy, bụng đầy trướng, trị chứng đái nhiều, đái dầm, tay chân nhức mỏi và ngộ độc thịt cá. Ngày dùng 4-8g dưới dạng thuốc hãm, thuốc sắc, hoặc thuốc bột. Quả Hồi cũng dùng để chế rượu khai vị, làm thơm thuốc đánh răng và gia vị, hoặc ngâm rượu làm thuốc xoa bóp. Tinh dầu Hồi có tác dụng kích thích tiêu hoá, chữa đau bụng, chống co giật, ức chế sự lên men ruột, gây trung tiện, long đờm và lợi tiểu nhẹ. Tinh dầu Hồi cũng là thành phần của thuốc ngậm chữa ho và thuốc xoa bóp chữa thấp khớp, chữa đau tai, sát khuẩn, trị bệnh nấm da và ghẻ. Lá Hồi dùng trị rắn cắn (nhai nuốt nước, lấy bã đắp). Hồi còn được dùng làm thuốc diệt rận, rệp cho gia súc.

Trên thị trường, quả Hồi của nước ta được xuất khẩu sang Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và Đông Âu. Tinh dầu Hồi cũng được xuất khẩu với số lượng khoảng 150-250 tấn/năm. Qua đó, cho thấy số lượng quả Hồi và tinh dầu Hồi Việt Nam bán ra thị trường quốc tế không nhỏ, nhưng tiếc rằng trên thị trường thế giới chỉ có thương hiệu “Hồi Trung Quốc” (Chinese star anise) mà không thấy thương hiệu “Hồi Việt Nam”.

Chú ý: Tránh nhầm lẫn với các loài Hồi dại không dùng làm thuốc, vì quả có chất độc; trong đó có loài Hồi đá vôi (Illicium difengpii N.B. Chang), quả nhỏ hơn, có 11-13 đại; đầu mỗi đại có mũi nhọn dài 3-4mm, cong hình lưỡi liềm vào phía trong, không có mùi thơm của Hồi. Khi bị ngộ độc bởi Hồi đá vôi thì có hiện tượng nôn mửa, chảy nước dãi, rát họng, đau bụng và lạnh chân tay. Cần cấp cứu kịp thời.

Trên thị trường, quả Đại hồi có thể bị lẫn (hoặc bị pha trộn) với quả của các loại Hồi dại. Khi mua Đại hồi làm thuốc hoặc gia vị cần chú ý loại bỏ những quả có trên 10 đại để tránh bị ngộ độc

Hình 3:  Hồi đá vôi (nguồn:Internet)

TSKH. Trần Công Khánh

Lượt xem : 3919