Cây Hếp (Bão táp) - cây làm thuốc ở Trường Sa
7/2/2024 11:11:00 AM
GS.TSKH Trần Công Khánh vừa gửi tới Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam bài viết về cây Hếp hay còn gọi là cây Bão táp - cây làm thuốc ở Trường Sa. Xin đăng tải bài viết giới thiệu cùng quý độc giả.
Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc không chỉ có cát trắng, sỏi đá với san hô và vị mặn mòi của biển, mà còn có màu xanh của lá cây. Ngoài những luống rau xanh để cải thiện đời sống cho quân đội trên đảo, những cây Bàng vuông đứng hiên ngang trước sóng gió, mà còn có nhiều loài cây khác đặc trưng của vùng biển đảo, trong đó có cây Hếp, còn gọi là “Bão táp” (Scaevola taccada (Gaertn.) Roxb., họ Hếp - Goodeniaceae).
Do cây có sức sống dẻo dai, chịu được gió mặn, sóng biển và sự khắc nghiệt giữa trời nước mênh mông, nên các nhà khoa học đã đặt một cái tên mới cho cây Hếp, biểu tượng cho sự kiên cường là ‘Bão táp’.
Đặc điểm: “Bão táp” là tên cây Hếp, một loại cây bụi cao 2-3m, cành mập tròn, mang nhiều sẹo lá, có những túm lông tơ trắng ở các nách lá. Lá mọng nước, hình mũi mác, dài 15-20cm, rộng 3,5-8cm, màu xanh bóng trông mát mắt, nhẵn hay có lông mịn, mọc so le sít nhau ở các đầu cành. Cụm hoa là những xim ngắn nhỏ ở nách lá. Hoa Hếp nhỏ, tràng hợp, phía trên có môi với 5 thùy xòe ra một phía như cái quạt nhỏ (tiếng Anh gọi là Fanflower), khi mới nở màu trắng, rồi từ từ chuyển sang màu vàng nhạt và vàng sẫm. Quả hình trứng hay gần hình cầu, đường kính 8-15mm, chứa 2 hạt. Ra hoa gần như quanh năm.
Hình 1: Cây Hếp có hoa (nguồn: Internet)
Hình 2: Quả Hếp (nguồn: T.C. Khánh)
Phân bố: Cây Hếp mọc ở vùng đất cát dựa biển dọc nước ta, trên bờ các đầm lầy nước mặn và các đảo như Ba Mùn (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù lao Chàm (Quảng Nam), Trường Sa (Khánh Hoà), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), đến Thổ Chu, Hòn Thơm (Kiên Giang). Cây này cũng được trồng làm cảnh ở các khu nhà nghỉ dưỡng dọc ven biển Miền Trung. Trồng bằng hạt hoặc giâm cành.
Ngoài ra, cây Hếp cũng phân bố ở phía Nam Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Madagasca và các nước ở Đông Nam Châu Á.
Công dụng: Ở Việt Nam, cây Hếp chưa được dùng làm thuốc, nhưng theo tài liệu nước ngoài thì lá Hếp chứa các chất saponin, coumarin và 2 ancaloid, trong đó có scaevolin. Dịch chiết từ lá có tác dụng chống virus herpes simplex 1 và 2.
Theo Y học cổ truyền của nhiều nước ở Châu Á và Polynesia thì các bộ phận của cây Hếp đã được sử dụng làm thuốc. Nó được coi như “một phương thuốc tuyệt vời chữa đái tháo đường, hạ sốt, chống viêm, chống đông máu và làm giãn cơ xương mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào”. Đó là đánh giá của khoa Dược thuộc Đại học Annamalai (Ấn Độ).
Lá Hếp có vị đắng. Ở Malaysia, người ta dùng để ăn chữa chứng khó tiêu và trị tiêu chảy; nhai lá non để làm dịu ho và có thể phơi khô để hút như thuốc lá. Lá tươi đắp chữa đau đầu và các bệnh ngoài da. Ở Philippin và Indonesia, người ta dùng nước sắc lá và rễ Hếp để chữa bệnh phù thũng. Nước ép thân non và quả chín dùng để bôi trực tiếp lên các vết thương ngoài da do côn trùng. Đặc biệt, rễ Hếp còn được dùng như một thứ thuốc giải độc khi ăn phải cá độc.
Ngoài tác dụng làm thuốc, người dân ở Maldives (một quốc đảo san hô ở Ấn Độ Dương) đã sử dụng lá Hếp như một loại thực phẩm chống đói. Một số đảo ở Thái Bình Dương đã trồng cây Hếp để ngăn chặn xói lở bờ biển và bảo vệ cây trồng không bị nước mặn của sóng biển.
Các công dụng làm thuốc nói trên của cây Hếp khá đa dạng. Các nhà khoa học cũng nên nghiên cứu kiểm chứng lại giá trị chữa bệnh của nó để phổ biến. Đặc biệt, các đơn vị quân dân y ở vùng biển hay ngoài đảo xa có thể sử dụng khi cần thiết.
Chú ý:
Cùng sống trên đảo còn có cây “Phong ba” (Heliotropium foertherianum Diane et Hilger, họ Vòi voi - Boraginaceae). Đó là cây gỗ nhỏ, cao 3-4m; cụm hoa là chùm ở đầu cành; hoa nhỏ màu trắng, đường kính khoảng 5-7mm; quả hạch tròn, đường kính khoảng 5mm. Cây có thể sống ở môi trường khắc nghiệt, nhiều gió bão, nước mặn, nên thường được trồng ở ven biển để chắn gió, giữ cát, giữ đất, chống sạt lở.
“Phong ba” và “Bão táp” (hay Hếp) là tên của 2 loài cây khác nhau, không phải của cùng một loài như nhiều người nhầm lẫn. Có bài trên mạng còn viết “Cây phong ba (bão táp) còn gọi là cây hếp” (https://cayxanhcanhquan.vn/san-pham/cay-phong-ba-bao-tap-cay-hep).
Hình 3: Cây Phong ba (nguồn: Internet)
TSKH. Trần Công Khánh
Lượt xem : 684