Cây gạo cũng làm thuốc
4/5/2019 10:11:00 PM
(VACNE) - Cây Gạo, Pơ lang (Tây Nguyên), Trung Quốc gọi là Mộc miên (木綿), tên khoa học là Bombax ceiba L., họ Gạo (Bombacaceae). Cây mọc nhiều nơi ở miền Bắc nước ta, thường được trồng ở ven đường, công viên, đình chùa để tạo bóng mát.
Có những cây Gạo cổ thụ, sống lâu năm, tạo thành những biểu tượng được chú ý ở vùng quê Việt Nam. Ngày 30/3/2019 mới đây, cây Gạo bên bờ sông Mã, ở làng Sun, thôn Giang Sơn, xã Cẩm Giang, huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hóa) cao khoảng 25m, chu vi thân 11m, hơn 500 năm tuổi, được cộng đồng địa phương long trọng tổ chức lễ đón Bằng công nhận ‘Cây Di sản Việt Nam’. Đây là một trong 2 cây Gạo khổng lồ nhất nước ta (trong tổng số 3.526 cây cổ thụ của 53 tỉnh, thành phố đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam).
Hình 1: Cây Gạo Di sản ở làng Sun.
Hình 2: Gắn biển “Cây Di sản” cho cây Gạo làng Sun (Ảnh: Danh Trường)
Hình 3: Hoa Gạo (nguồn: Internet)
Gạo là cây gỗ, cao 15-20m hoặc hơn, sống lâu năm, thân non có gai hình nón, gốc thân có bạnh vè to. Cành mọc ngang, không có gai. Lá mọc so le, kép hình chân vịt, gồm 5-7 lá chét hình mác, dài 9-15cm, rộng 4-5cm, cuống chung dài hơn phiến lá. Lá rụng vào mùa đông. Cụm hoa là chùm ở đầu cành. Hoa Gạo có màu đỏ, rất đẹp, nở vào mùa xuân, trước khi cây thay lá mới. Nhạc sĩ Đức Minh đã ca ngợi vẻ đẹp của hoa Gạo trong bài hát của mình có tên ‘Em là hoa Pơ lang’ “… Nhớ cánh hoa Pơ lang, đẹp nhất rừng Tây Nguyên”. Hoa có đài dày, hình chuông, có 5 thuỳ ngắn, 5 cánh hoa rời, mặt ngoài có lông nhung; nhiều nhị, hợp thành 5 bó ngắn hơn cánh hoa; bầu hình nón. Quả nang to, hình thoi, dài 8-15cm, chứa nhiều hạt, khi khô nứt thành 5 mảnh vỏ, vỏ quả trong có lông trắng mềm và dài gọi là bông gạo (thường dùng để nhồi gối). Mùa hoa: tháng 3, mùa quả tháng 5.
Loài này có nguồn gốc ở Ấn Độ (?), nhưng hiện nay nó được trồng rộng rãi ở nhiều nước Châu Á như Malaysia, Indonesia, miền nam Trung Quốc và Việt Nam.
Gạo không chỉ là cây cho bóng mát, mà các bộ phận của cây còn được dùng làm thuốc.
Theo tài liệu nước ngoài, chất chiết xuất trong cồn từ vỏ thân cây Gạo chứa các hợp chất phenolic và flavonoid, có tác dụng chống oxi hoá mạnh, kháng vi khuẩn gam âm (Salmonella typhi) và vi khuẩn gam dương (Staphylococcus aureus).
Nụ hoa Gạo chứa protein, carbohydrat, chất vô cơ, Ca, P, Mg. Gôm Gạo (chẩy ra từ thân) khi thuỷ phân cho L-arabinose, D-galactose, acid D-galacturonic. Hạt cây Gạo có chất béo và các chất D-galactose và L-arabinose.
Công dụng: Theo Y học cổ truyền Việt Nam và nước ngoài, nhiều bộ phận của cây Gạo được dùng làm thuốc:
- Vỏ thân cây Gạo: Có vị cay, tính bình; có tác dụng khư phong, trừ hấp, hoạt huyết, tiêu thũng, viêm khớp (vỏ Gạo tươi 50g, rửa sạch, giã nát đắp vào khớp bị đau nhức; hoặc kết hợp với Nghệ, Ngải cứu, giã nhuyễn để bó gẫy xương, sai khớp, làm vết thương mau lành). Nước sắc vỏ Gạo có thể ngậm hoặc súc miệng để chữa đau răng. Người Mường ở Cúc Phương (Ninh Bình) dùng vỏ thân cây Gạo, sắc uống, để chữa đau dạ dày và bệnh quai bị. Theo tài liệu Ấn Độ, nước sắc vỏ cây Gạo có tác dụng làm dịu viêm, cầm máu.
- Rễ non cây Gạo: Có vị ngọt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, thu liễm, chỉ huyết, tán kết, chỉ thống. Chúng được dùng điều trị bệnh tả, kiết lỵ. Ở Indonesia, dùng nước ép từ rễ Gạo để hạ sốt.
- Hoa Gạo (Mộc miên hoa): Có vị ngọt, tính lương, vào hai kinh tâm và vị; có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu viêm, giải độc, cầm máu. Chữa các bệnh tiêu chảy, kiết lỵ, băng huyết. Hoa Gạo tươi rửa sạch, giã nát, đắp mụn nhọt, chỗ sưng tấy do va đập, vết thương chảy máu. Hoa Gạo khô làm trà giải nhiệt, giúp tiêu hoá.
- Hạt cây Gạo: Kinh nghiệm ở Việt Nam dùng hạt cây Gạo làm thuốc lợi sữa cho sản phụ. Dầu hạt có thể dùng để ăn hoặc làm xà phòng.
- Gôm Gạo: Có tác dụng bổ, làm săn da, giảm viêm. Ở Ấn Độ, dùng gôm Gạo để tăng cường sinh dục. Ở Campuchia, dùng gôm Gạo hoà với nước để cầm máu và chữa bệnh lậu.
Cây Gạo mọc khắp nơi ở nước ta, dễ trồng, mọc nhanh, khi cần thì đây là một nguồn nguyên liệu khá phong phú. Ở nước ngoài đã có nhiều công trình nghiên cứu cây Gạo. Các nhà khoa học nước ta cũng nên quan tâm nghiên cứu cây này để dùng làm thuốc.
TSKH. Trần Công Khánh
Lượt xem : 3133