Vietnamese English
Cây di sản hiếm hoi còn lại từ buổi đầu khai phá vùng đất Tây Nam bộ

1/19/2021 11:12:00 AM

Vùng đất Tây Nam bộ được những lưu dân người Việt từ miền Trung vào khai phá từ cách đây hơn 300 năm. Đây là vùng đất sình lầy, ngập nước, nền đất yếu. Vì vậy mà những di sản như các công trình xây dựng buổi đầu đến nay không còn lưu giữ được gì. Ngay cả cây xanh, cây rừng cũng khó trường tồn, hiện nay chỉ còn ghi nhận số cây đếm trên đầu ngón tay còn lại từ buổi đầu khai khẩn.


Thuở đầu khi người Việt vào khai khẩn vùng đất Tây Nam bộ, nơi đây còn là rừng rậm, nhiều thú dữ. Các lưu dân thường sống quây quần quanh cây cổ thụ ở những nơi khô ráo và họ luôn có ý thức bảo vệ cây như bảo vệ chính mình. Nhưng do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, cây cổ thụ ở đây khó trường tồn, đến nay còn lại rất ít.

Năm 2016, cây trôm mõ ở phường Khánh Hậu, TP.Tân An, tỉnh Long An là cây cổ thụ đầu tiên ở Long An được công nhận Cây Di sản Việt nam. Cây trôm trước cổng chùa Diêu Quang gắn liền với lịch sử khẩn hoang đất Nam bộ. Theo sử liệu của tỉnh Long An, vào năm 1731, quan Vệ úy Huỳnh Công Lương được Chúa Nguyễn cử vào đóng quân ở Giồng Cái Én và khai phá vùng này thành làng Khánh Hậu trù phú như ngày nay. Khi đó Giồng Cái Én còn là rừng nguyên sinh, trong đó có cây trôm khoảng 50 năm tuổi.

Cây trôm ở Long An được xem là Cây Di sản có "gia phả" khá rõ ràng còn lại từ buổi đầu khai khẩn vùng đất Tây Nam bộ.

“Lão trôm” hiện có đường kính 32,5m, bộ rễ của cây tỏa đều và nổi lên, có rễ cao hơn mặt đất từ 0,5 - 0,6m và có nhiều u cao to, hình thù cổ quái, ấn tượng.

Cây me cổ thụ ở Chùa Núi có tuổi đời khoảng 300 năm. Ảnh: P.N

Cây me cổ thụ ở Chùa Núi có tuổi đời khoảng 300 năm. Ảnh: P.N

Cũng ở tỉnh Long An, năm 2018, cụm 10 cây me cổ thụ tại chùa Rạch Núi (xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc) được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Theo hồ sơ đăng ký, 10 cây me tuổi đời khoảng 300 năm, đều có vóc dáng gần giống nhau, một thân thẳng đứng, tỏa bộ rễ nổi trên mặt đất. Những cây me này gắn liền với ngôi chùa cổ và tín ngưỡng tâm linh từ nhiều đời nay.

Theo các di chỉ khảo cổ học được thám sát, khai quật, tại chùa Rạch Núi hơn 3.000 năm trước người tiền sử đã ở và sinh sống bằng nghề hái lượm. Cụm cây me cổ thụ chùa Rạch Núi đều mang sắc thái văn hóa tâm linh, được cư dân quý trọng, bảo vệ.

Cây Bạch Mai ở Bến Tre có tuổi khoảng 300 năm. Ảnh: LDO

Cây Bạch Mai ở Bến Tre c
ó tuổi khoảng 300 năm. Ảnh: LDO

Tại tỉnh Bến Tre có cây Bạch Mai được xác định trên 300 tuổi tại đình Phú Tự, xã Phú Hưng, TP.Bến Tre được công nhận Cây Di sản Việt Nam năm 2014. Tại đây hàng năm đều diễn ra các hoạt động văn hóa – nghệ thuật và là điểm tham quan, du lịch nổi tiếng của tỉnh Bến Tre.

Những cây cổ thụ có tuổi trên dưới 300 năm, cùng lúc với thời điểm khai phá vùng đất Tây Nam bộ, là di sản rất quý giá mà người xưa để lại cho các thế hệ mai sau. Ý thức được điều đó, chính quyền các địa phương đang thực hiện các biện phát bảo vệ nghiêm ngặt. Và đó luôn là điểm thu hút khách tham quan, thưởng ngoạn.

KỲ QUAN

(LĐO)

Lượt xem : 1791