Một trong hai cây dầu rái là cây di sản ở thôn A Pa 2, xã Thành Sơn bị chết - Ảnh: TRẦN HƯỚNG
Theo UBND xã Thành Sơn (huyện Khánh Sơn), khoảng đầu năm 2022, hai cây di sản trên địa bàn xã có dấu hiệu úa vàng và rụng lá.
Tiếc nuối khi cây di sản chết
"Xã đã dùng các biện pháp để cứu cây như phá bỏ bê tông quanh gốc, dùng thuốc trị nấm, kích rễ, bồi phù sa… tiếc là chỉ cứu được một cây", ông Mấu Anh Tuyên - chủ tịch UBND xã Thành Sơn - cho hay.
Việc cây dầu rái chết không chỉ xã Thành Sơn mà người dân thôn A Pa 2 cũng rất tiếc nuối. Đặc biệt, đối với những già làng có nhiều năm gắn bó với cây đại thụ này.
"Cây chết bà con buồn và tiếc lắm, nó đã gắn bó với người dân từ lúc lập làng tới nay. Đó là nơi nghỉ mát của bà con, chốn vui chơi của trẻ em trong thôn. Giờ còn một cây đơn côi lẻ bóng, bà con cố gắng bảo vệ tốt hơn" - già làng Cao Xa Buôn (69 tuổi, thôn A Pa 2) bộc bạch.
Ngoài hai cây nói trên, cây dầu đôi Diên Khánh (huyện Diên Khánh) rất nổi tiếng, có tuổi đời trên 200 năm. Cây được công nhận là "Cây di sản Việt Nam" vào năm 2016.
Đầu tháng 8 vừa qua, một nhánh to trên cao của cây dầu đôi bị gãy, đổ do mục rỗng bên trong.
Cách đây hơn 20 năm, cây dầu đôi này từng lâm bệnh "thập tử nhất sinh". Được biết, khi ấy các đơn vị lâm nghiệp đã lắp đặt đường ống tưới ngầm quanh gốc cây. Từ đó đến nay, ngoài những nhánh bị mục bên trong, cây vẫn xanh tươi.
Không có phương pháp nào cứu chữa?
Liên quan đến vấn đề trên, ông Trần Giỏi - chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Khánh Hòa - cho biết cây di sản cũng giống như người bệnh già, việc cứu chữa rất khó.
"Cây di sản là cây của cộng đồng, ai cũng có trách nhiệm bảo vệ. Việc cây di sản già đi và chết đó là chuyện bình thường. Chúng ta không làm gì nó cũng chết, mà giữ gìn không khéo cây chết nhanh hơn" - ông Giỏi cho hay.
Theo ông Giỏi, hội đã hướng dẫn người dân về cách chăm sóc như thường xuyên tưới nước mùa khô hạn; bón phân (chủ yếu phân chuồng); không đốt lửa gần gốc cây… đó cũng là cách kéo dài tuổi thọ của cây di sản.
"Ngoài ra, những biểu hiện nghiêm trọng của cây như do sét đánh, mưa lũ, bão tố làm gãy cành thì ngoài tầm tay của chúng ta" - ông Giỏi nói.
Ông Đinh Văn Thiệu - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho biết những cây được công nhận là cây di sản, tỉnh đã giao cho các huyện thị quản lý. Tuy nhiên, các địa phương chưa quan tâm nhiều đến việc chăm sóc cây di sản
"Vừa qua, tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị tham mưu tỉnh về quy định quản lý, chăm sóc cây di sản cho đồng bộ. Hiện nay, một số cây chưa được quản lý chặt chẽ nên xảy ra tình trạng đó" - ông Thiệu nói.
Theo danh sách từ Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh này, trên địa bàn Khánh Hòa có 22 cây di sản Việt Nam.
Những tiêu chí trở thành cây di sản
Đối với cây mọc tự nhiên phải đạt các tiêu chí như: Sống trên 200 năm, cao to hùng vĩ (cao tối thiểu 25m, chu vi thân tối thiểu 6m đối với cây gỗ…). hình dáng đặc sắc, kỳ lạ; khỏe mạnh, ít bị tác động bởi sâu, bệnh hại; đặc biệt ưu tiên các loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm, có giá trị văn hóa, lịch sử.
Đối với cây trồng có các tiêu chí tương tự nhưng yêu cầu thấp hơn như: Sống trên 100 năm, cây cảnh độc đáo có giá trị về thẩm mỹ hoặc văn hóa, lịch sử.