Là một trong những cây cổ thụ đầu tiên của huyện Phú Xuyên (Hà Nội) được công nhận “Cây Di sản Việt Nam”, cây đa có tên gọi “giời ơi” không chỉ khiến du khách bất ngờ bởi vẻ đẹp trường tồn mà xoay quanh nó hiện có không ít câu chuyện bí ẩn.
Cây đa “giời ơi” ôm trọn tỉnh lộ 428
Một ngày nắng đẹp cuối tháng 12, hướng về phía nam của thủ đô, dọc theo quốc lộ 1A, chúng tôi tìm đến thôn Phúc Lâm, xã Phúc Kiến, huyện Phú Xuyên để khám phá những chuyện kỳ lạ quanh “đại lão mộc” này.
Sự tích cây “giời ơi”
Để tìm hiểu xem đằng sau cái tên “giời ơi” kỳ lạ này ẩn chứa những câu chuyện gì, chúng tôi quyết định tìm đến nhà Trưởng thôn Đào Văn Đẽ để hỏi chuyện. Trong ngôi nhà cấp bốn, chúng tôi được ông Đẽ kể về sự tích cây đa di sản cùng nhiều câu chuyện tâm linh kỳ lạ xung quanh nó.
Ông Đẽ kể: “Trước kia cây đa này được trồng ở bể cảnh của một cụ ông trong làng, tên thường gọi là ông cụ Ga. Vì được trồng trong bể nên khi cây lớn lên bể bị vỡ, sau đó cây bị vứt bỏ ở rạch nước gần đó. Thấy vậy, người đàn ông tên Đào Văn Thấn đã nhặt đem trồng, và từ đấy đến nay cây đa được người dân chăm sóc, bảo vệ cẩn thận. Năm 2014, cây đa chính thức được công nhận Cây Di sản của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam”.
Thấy chúng tôi thắc mắc tại sao lại có cái tên “giời ơi” vừa “độc” vừa “lạ” như thế, ông Trưởng thôn mau lời đáp: “Đằng sau tên gọi “ giời ơi” là cả câu chuyện dài. Tôi được ông nội kể lại rằng, trước đây đoạn đường 428 giáp xã Chi Thủy và xã Phúc Tiến ở hai bên đường là đồng ruộng vắng, ở gần có một cây gạo rất to, nơi đây không nhiều người sinh sống và cũng ít người qua lại khu vực này. Hễ ai đi qua, trong người có tiền đều bị cướp hết nên họ than “giời ơi”. Khi cây gạo già, chết đi thì cây đa đành chịu tiếng than vãn của người mất của từ lúc đó”.
Trưởng thôn Đào Văn Đẽ cho rằng những câu chuyện tâm linh, huyền bí xung quanh cây đa chỉ là truyền miệng, rất khó kiểm chứng xem nó có thực hay không
Quanh tên gọi “giời ơi” này, dân bản địa còn lưu truyền không ít dị bản khác. Anh Linh, chủ quán nước gần kề cây đa chia sẻ: “Nghe các cụ kể lại, trước đây có một người đàn ông ở trong làng đi đánh bạc, bị thua nên đã bán hết nhà cửa, ruộng đồng. Khi đi đến cây đa, trời đổ mưa to nên ông vào trú ở gốc cây. Sau trời tạnh mưa, định bước ra ngoài thì ông này đột nhiên đứng lại dưới gốc cây chắp tay cầu khấn rằng, nếu cho được thắng bạc ông sẽ đem tất cả tiền thắng được về xây miếu.
Quả nhiên, đêm đó ông ta thắng hết chiếu bạc, khi trở về nhà bèn thực hiện lời hứa xây miếu của mình. Từ đó “giời ơi” trở thành nơi linh thiêng được mọi người lui tới cầu may trước mùa thi cử, đi làm ăn xa, những điều tốt lành trong cuộc sống”.
Theo những người dân sống trong làng kể lại, nơi đây xưa kia chỉ là khu vực “đồng không mông quạnh”. Ở chùa Phúc Lâm gần đó trước có “bà Tinh”trú ngụ, trẻ con vào chùa leo trèo cây cối thường bị “đẩy” ngã xuống. Khi tu sửa chùa,“bà Tinh” chuyển ra ngụ ở cây đa di sản bây giờ. Cũng chính vì cây đa là nơi trú ngụ của “bà Tinh” nên cách đây ít lâu, lúc thi công xây dựng quốc lộ 1A, nhà thầu “né” cho đoạn đường đi phía trước cây “giời ơi”.
Sau khi hoàn thành và đi vào sử dụng, khu vực này thường xuyên xảy ra tai nạn, dân làng bất an cho rằng nguyên do bởi “bà Tinh”ngụ ở cây đa bắt đi. Để khắc phục, thời gian sau đó đoạn đường được di chuyển, “nắn” lại cho chạy phía sau cây đa. Từ đó quanh khu vực gần như không có tai nạn xảy ra.
Trú cùng thôn Phúc Lâm, ông Đào Văn Tước, một “nhân chứng sống”rưng rưng kể lại câu chuyện của mình xảy ra nhiều năm về trước khi còn làm bảo vệ ruộng đồng. Câu chuyện đã lâu nhưng mỗi lần kể lại, người đàn ông tuổi ngoài 50 vẫn chưa hết hoảng sợ.
Ông Tước thuật lại: “Hôm đó khoảng 4 giờ sáng của ngày rằm, tôi cùng một người đàn ông trong làng ra trông đồng thì thấy 2 chiếc đèn lồng treo ở miếu dưới gốc cây. Đoán là có người từ Hà Nội mang về làm lễ, tôi mới chợt nghĩ trong đầu sắp đến ngày rằm, nhà có trẻ con lại không kịp chuẩn bị đồ chơi cho chúng nên hai chúng tôi bàn nhau mỗi người xin một chiếc.
Cầm đèn lồng về đến nhà, tự nhiên thấy trong người linh cảm chẳng lành. Linh tính mách bảo tôi phải trả chiếc đèn về nơi cũ, không ai bảo ai ra đến ngã ba tôi gặp ông bạn trên tay cũng cầm chiếc đèn lồng. Lạ thật, cũng chẳng biết có phải câu chuyện tâm linh gì không nhưng quả đúng không nên tự ý xâm phạm đến cây đa, vì làm như vậy là “phạm” vào đất thần, đất thánh”.
Cũng theo ông Tước, từ lâu người dân ở đây không ai dám tự ý xâm phạm, làm những chuyện hư hại nơi này. Bởi có câu chuyện kể rằng, vào năm 1996 có một cậu học sinh đi qua cây đa, lôi bát hương ở miếu ra nghịch rồi ném ở khu nghĩa trang. Nghe đâu khi cậu này trở về nhà liền “ứng” ngay điều không lành.
Cận cảnh cây đa “giời ơi”, nơi lưu truyền không ít câu chuyện tâm linh kỳ lạ về “bà Tinh”
Đi tìm lời giải..
Theo người đứng đầu thôn Phúc Lâm khẳng định: “Những ngày rằm, mồng 1 rất nhiều người đến đây để khấn vái, cầu mong những điều tốt lành cho gia đình. Có người hiếm muộn con cũng đến đây để cầu con, còn về gốc tích của cây di sản này là có thật. Tuy nhiên, những câu chuyện tâm linh, huyền bí xung quanh cây là do người đời trước kể lại hoặc đa phần người dân truyền kể cho nhau nghe. Vì là truyền miệng nên cũng khó để khẳng định nó có thật hay không”.
Tạm gác lại những chuyện tâm linh quanh cây đa “giời ơi” mà người dân làng Phúc Lâm đồn thổi, theo ghi nhận của người viết, đây là một trong những cây cổ thụ nhiều tuổi bậc nhất của huyện Phú Xuyên. Cây hiện có bộ rễ khổng lồ đan cài quanh gốc, tán lá xòe ra ôm trọn tỉnh lộ 428.
Làng Phúc Lâm hiện lên vẻ mộc mạc, giản dị qua những hình tượng “cây đa, giếng nước, sân đình”. Cây “giời ơi” không chỉ là biểu tượng tươi đẹp gắn liền với hình ảnh làng quê Việt Nam, nó còn thể hiện sự phồn thịnh, một chứng nhân lịch sử của ngôi làng phía nam của thủ đô.
Theo PLVN