Vietnamese English
Cây đa lá tròn cũng dùng làm thuốc

10/17/2022 8:48:00 AM

(VACNE) - Cây Đa là biểu tượng từ ngàn năm nay của làng quê Việt Nam. Hình ảnh “Cây đa, giếng nước, sân đình” đã đi sâu vào đời sống văn hóa của người dân Việt Nam. Cây Đa có thể mọc ở nhiều nơi, nhưng đình làng, đền, chùa thường không thể vắng bóng cây này. Nó tạo cho đình, chùa một không gian linh thiêng và để lấy bóng mát.


Làng quê Việt Nam có trồng nhiều loài Đa thuộc chi Ficus, họ Dâu tằm (Moraceae). Ficus là một chi lớn, ở nước ta có 98 loài, trong đó, họ hàng ‘nhà Đa’ có nhiều loài là cây cổ thụ, cao to, tuổi đời hàng trăm năm hoặc hơn như Đa búp đỏ (Ficus elastica Roxb. ex Horn), Đa lông (Ficus drupacea Thunb.), Đa tía (Ficus altissima Bl.), Đa lá tròn hay Đa Bengan (Ficus benghalensis L.) ... đều là nguồn gen quý. Từ xa xưa, y học dân gian đã biết dùng làm thuốc.

Ngày 5/10/2022 (10 tháng 9 âm lịch) vừa qua, nhân ngày lễ hội truyền thống Tiệc Tịch Lệ Xướng ca ở xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc), các cấp chính quyền và cộng đồng người dân ở đây đã long trọng tổ chức Lễ công nhận và gắn bia Cây Di Sản Việt Nam cho cây Đa cổ thụ đầu tiên của huyện Tam Dương gần 200 năm tuổi, trong khuôn viên đình Hội Thịnh. Theo các nhà khoa học Lâm nghiệp, tên khoa học của cây Đa này là Ficus benghalensis L.

Đặc điểm:  Đa lá tròn là cây gỗ to lớn, cao 20-30m, cành non có lông ngắn, nhiều rễ phụ khí sinh. Lá mọc so le, cứng, hơi dai, nhẵn, dài 10-20cm, gốc lá tròn hay hình tim, có 5-7 đôi gân bên; cuống lá khá to, dài 2,5-5cm. Quả loại sung, không cuống, trên những cành có lá, tròn hay hình trái xoan, kích thước khoảng 1,5cm, màu đỏ sẫm. Mùa hoa quả tháng 2-5.

Image


 

Hình 1: Cây Đa lá tròn trong khuôn viên đình Hội Thịnh, xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương (nguồn: L.Q. Tuệ)

Hình 2: Cành mang quả của cây Đa lá tròn (nguồn: Internet)

Hình 3: Rễ khí sinh (rễ phụ) của cây Đa (nguồn: Internet)

Loài Đa phân bố ở nhiều quốc gia như Ấn Độ (cây Đa lớn nhất còn sống tại Pune, đường kính tán tới 800m), Myanmar, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Cây Đa lá tròn mọc khắp nơi ở nước ta, từ miền Bắc đến miền Nam, từ vùng thấp tới vùng cao (đến độ cao 1500m).

Thành phần hoá học:  Cây Đa chứa nhiều nhựa Mủ. Theo tài liệu Ấn Độ, loài F. benghalensis có chứa các chất bengalenosid, flavonoid, ceton, triterpenoid pentacyclic, coumarin, sterol, este acit tiglic, alpha-D-glucose và meso-inositol.

Công dụng: Theo Y học cổ truyền, rễ Đa có tác dụng lợi tiểu, chữa thủy thũng, bệnh lậu. Lá Đa giã đắp chữa apxe. Nhựa mủ đắp chữa tê thấp, đau lưng. Vỏ cây Đa sắc nước uống chữa lỵ, tiêu chảy và tiểu đường.

Cây Đa được Y học cổ truyền Ấn Độ sử dụng làm thuốc lợi tiểu, chữa tiêu chảy, kiết lỵ, tiểu đường, hạ cholesterol máu, hạ natri máu, chống viêm, kháng khuẩn, chống dị ứng và chống khối u.

Ở Trung Quốc, rễ khí sinh của cây Đa được dùng làm thuốc thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết, giảm đau.

Đa có nhiều loài, mọc khắp nơi ở nước ta, cây dễ trồng. Đó là một nguồn nguyên liệu dễ tìm kiếm. Các nhà khoa học nên kiểm chứng lại các tác dụng của cây Đa để làm thuốc. Trong đó, chú ý tác dụng chữa bệnh tiểu đường, một bệnh khá phổ biến hiện nay.

TSKH. Trần Công Khánh

Lượt xem : 2762