Vietnamese English
Cây đa gần ngàn năm tuổi đang bị… “tổn thọ”

1/11/2018 8:44:00 AM

Cây đa cổ thụ trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) được giới chuyên môn ước tính khoảng 800 năm tuổi, đã và đang bị xâm hại khá nghiêm trọng bởi sự thiếu ý thức của du khách. Nếu không có giải pháp ngăn chặn một cách triệt để, cây đa này sẽ bị… “tổn thọ”.

 


Cây đa đại thụ luôn thu hút khách quốc tế bởi vẻ đẹp hùng vĩ nguyên sơ

Trong những năm gần đây, cây đa đã trở thành điểm thu hút của rất nhiều du khách trong nước và quốc tế, nhất là các bạn trẻ yêu thích khám phá, muốn tìm về với thiên nhiên. Từ đầu năm 2017 đến nay có khoảng gần 2 triệu lượt khách đến với Sơn Trà, trong đó 90.425 lượt khách tới tham quan, chiêm ngưỡng cây đa gần ngàn năm tuổi. Thu hút đông đảo người dân và du khách là vậy nhưng cây đa đang phải đối mặt với sự xâm hại từ sự kém ý thức của một bộ phận khách tham quan, nhất là giới trẻ. Không khó để bắt gặp những người leo hẳn lên cây để chụp hình, ăn uống và xả rác ngay tại gốc cây. Đáng sợ hơn là họ còn dùng dao, vật sắc nhọn để khắc tên tuổi, tâm tư tình cảm... của mình lên thân cây, rễ cây. Nhiều vị trí trên thân cây bị chạm, khắc chữ và vẽ bậy, chữ mới chồng lên chữ cũ.
 

Chị Lê Thu Hạnh, một du khách đến từ Hà Giang tỏ ra bất bình khi nhìn thấy những vết tích xấu xí trên thân cây đa. “Cây cối cũng như con người, rạch chằng chịt thế này thì làm sao nó chịu nổi? Quanh gốc cây có những thùng rác nhưng nhiều bạn trẻ vẫn hồn nhiên xả rác lung tung. Không hiểu ý thức lớp trẻ bây giờ để ở đâu?”, chị Hạnh nói. “Việc lưu giữ tên tuổi, tình cảm cá nhân lên bất kỳ một vật công cộng nào cũng là vô ý thức. Thật đáng buồn khi đến bây giờ vẫn còn có những người như vậy”, bạn Lưu Hoài Thanh, một người dân địa phương bày tỏ quan điểm.

 


Những vết rạch xấu xí trên thân cây

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Vũ, Phó trưởng BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết: “Không riêng gì cây đa mà thực trạng khắc, đục lên cây cối tại các điểm du lịch còn tồn tại ở nhiều nơi. Dù Ban quản lý đã tổ chức ca trực bảo vệ nhưng do cây đa nằm giữa rừng nên nhiều người kém ý thức vẫn “tranh thủ” những lúc không có người bảo vệ để rạch chữ lên cây”. Để giảm thiểu sự tác động bên ngoài tới cây đa, Ban quản lý đã xây các bậc tam cấp để đi lên tới chỗ gốc của cây đa. Nhưng để chiêm ngưỡng cây rõ hơn, nhiều người vẫn giẫm lên những rễ cây nổi lên mặt đất... “Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu phương án, thay vì để người dân và du khách đi trực tiếp trên nền đất, nơi có các bộ rễ như hiện nay thì có thể làm một sàn gỗ bên trên các bộ rễ. Theo đó, du khách có thể tham quan vòng quanh cây đa rồi xuống, không ảnh hướng đến bộ rễ cũng như sự phát triển của cây. Ban quản lý cũng vừa có văn bản gửi UBND TP để xin ý kiến về các phương án bảo vệ cây đa di sản”, ông Vũ nói thêm.
 

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VHTT thành phố Đà Nẵng nhận định, việc bảo tồn tối ưu đối với cây gần ngàn năm tuổi trên bán đảo Sơn Trà cần phải thực hiện sớm. Đồng thời lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để người dân và du khách hiểu biết hơn giá trị của cây đa. Từ đó có biện pháp ngăn chặn tình trạng xâm hại. Việc khắc chữ lên cây đa có niên đại lâu năm như vậy là phản cảm, gây ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây.
 

 ​Không riêng gì cây đa mà thực trạng khắc, đục lên cây cối tại các điểm du lịch còn tồn tại ở nhiều nơi. Dù Ban quản lý đã tổ chức ca trực bảo vệ nhưng do cây đa nằm giữa rừng nên một số người kém ý thức vẫn “tranh thủ” những lúc không có bảo vệ để rạch chữ lên cây.

(Ông Nguyễn Đức Vũ, Phó trưởng BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng)

Ngọc Hà

 

Nguồn: Báo Văn hóa

Lượt xem : 4302