Sáng ngày 23/4, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) đã trao bằng công nhận cây di sản Việt Nam cho Cây đa Đá Bạc ở thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Cây đa có tuổi đời khoảng 300 năm, nằm sát Quốc lộ 1A, thuộc khu vực Di tích Lịch sử cấp Quốc gia Ngã ba Ràng Bò - Bến cây đa Đá Bạc. Cây có chiều cao 25m, tán lá rộng khoảng 35m, rễ chính và rễ phụ ôm gọn vào sáu hòn đá hoa cương kết thành khối có chu vi khoảng 27m.
Thả ruy băng công nhận cây đa 300 tuổi ở Đá Bạc, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc là Cây Di sản
Dưới gốc cây đa hiện có miếu thờ Bà Thủy của ngư dân làng Đá Bạc góp công, góp của xây dựng cách đây 120 năm, để cầu cho mưa thuận gió hòa, được mùa tôm cá. Năm 2013, miếu được người dân đóng góp, tu sửa mới, là nơi hương khói tín ngưỡng của người dân địa phương và du khách khi viếng thăm cây đa Đá Bạc.
Hiện nay, cây đa có vị trí đặc biệt quan trọng đối với lịch sử, đời sống văn hóa, tín ngưỡng cộng đồng và người dân địa phương. Cây đa còn là nơi che mát cho nhiều người mỗi khi mùa hè đến.
Cây đa 300 tuổi nằm sát bên Quốc lộ 1A
Ông Đào Duy Thanh,Tổ trưởng Tổ dân phố Đá Bạc chia sẻ: “Đây là niềm vui và vinh dự lớn lao cho chính quyền và người dân ở nơi đây. Chúng tôi sẽ cố gắng gìn giữ cây di sản này cho các thế hệ mai sau”.
Đại biểu Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường trao bằng công nhận Cây đa Di sản cho ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc (bên trái)
Được biết, đây là cây di sản thứ ba tại tỉnh Thừa Thiên Huế được công nhận. Trước đó, vào năm 2015, cây thị 544 tuổi ở làng cổ Phước Tích( xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) và năm 2010, cây thị 312 tuổi trong khuôn viên nhà thờ họ phái Thân Văn ở làng Dương Xuân Hạ, phường Thủy Xuân (TP Huế) cũng đã được VACNE công nhận là cây di sản.