Cây cổ thụ là nguồn sống, là sự gắn kết sắc tộc ở Tây Nguyên
4/8/2015 8:57:00 AM
(VACNE) - Tham luận tại Hội nghị Tổng kết 5 năm Chương trình Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam
CÂY CỔ THỤ LÀ NGUỒN SỐNG, LÀ SỰ GẮN KẾT SẮC TỘC Ở TÂY NGUYÊN
Đoàn Ngọc Khuê
Tổng thư ký Hội BVTN&MT Tây Nguyên, Chủ tịch Hội BVTN&MT Đắc Lắc
Như một cơ duyên, cụm cây cổ thụ đầu tiên ở Tây Nguyên được vinh danh Cây Di sản Việt Nam vào giưa tháng 10 năm 2013, lại là 3 cây ôm chặt lấy nhau, mà người dân gọi là Cây đoàn kết. Thực ra, bà con các buôn làng ở đây cũng không biết cây Đa, cây Bằng lăng và cây Ktứng đứng ở đầu nguồn suối Ea M’kang, huyện Cư M’gar của tỉnh Đắc Lắc từ bao giờ; chỉ nghe các nhà lâm học nói: cụm cây có tuổi ít nhất cũng hơn 200 năm.
Cụm cây này, sở dĩ được bà con các dân tộc nơi đây cùng bảo vệ và gìn giữ qua nhiều thế hệ, bởi họ biết rất rõ: cánh rừng này, đặc biệt mảnh đất dưới chân những cây cổ thụ xanh tốt này, chính là nơi có nguồn nước - nguồn sống của cả vùng. Cũng nhờ những cây cối của rừng, mà đất của vùng này giữ được nước mưa dành cho mùa khô hạn. Nguồn nước này cung cấp cho dòng suối Ea M’kang, để duy trì đều đặn nguồn nước sinh hoạt quanh năm cho cộng đồng, giúp cho mùa màng của bà con được bội thu.
Hôm đón các vị lãnh đạo Hội Bảo vệ Thiên nhiên& Môi trường, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, Hội Bảo vệ TN&MT khu vực Tây Nguyên và tỉnh Đắc Lắc; cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Cư M’gar và xã Cuor Đăng về làm lễ công nhận cây của mình là Cây Di sản Việt Nam, bà con trong buôn làng mừng lắm. Mọi người đều tự hào về cụm cây cổ thụ – cây Đoàn kết của mình không chỉ là cây của đại ngàn Tây Nguyên, mà đã trở thành cây Di sản Quôc gia, có cơ hội được cả thế giới biết đến.
TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam, cùng đông đảo các nhà báo Trung ương và địa phương cũng tới chứng kiến sự kiện trọng đại này
Phát biểu tại buổi lễ, ông Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT và Chủ tịch Hội BVTN và MT tỉnh Đăc Lăc đều bày tỏ niềm tự hào của địa phương có cây Di sản; đồng thời coi đây là một sự kiện phù hợp với truyền thống biết giữ rừng của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên. Sự kiện vinh danh cây cổ thụ trở thành Cây Di sản cần phải bảo vệ, cũng góp phần tiếp thêm sức mạnh và khuyến khịch cộng đồng, cùng bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sống cho chính mình.
Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng từng bước coi đây như một hoạt động văn hóa truyền thống, thiết thực bảo vệ nguồn nước của mình.
Tròn một năm sau, ngày 17/12/2014, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và Hội BVTN và MT tỉnh Đăc Lăc lại phối hợp tổ chức Lễ công nhận và gắn biển Cây di sản Việt Nam cho hai cây long não trong khuôn viên Biệt điện Bảo Đại, ở giữa thành phố Buôn Ma Thuột,
Phát biểu tại buổi lễ, ông Y Dhăm Ênuôl,Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc khẳng định: đây là niềm tự hào cho địa phương. Hai cây long não không chỉ là loài cây mới, được di thực từ nơi khác đến, sống thích nghi và phát triển tốt ở Đắc Lắc (thân to, đường kính 2,5m, nhiều cành to, dài, tán lá rộng hàng ngàn mét vuông), mà nó còn là nhân chứng lịch sử của vùng đất Tây Nguyên; là di sản của vị vua cuối cùng ở Việt Nam. Vì vậy, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng ở địa phương bảo vệ di sản văn hóa có tính chất tâm linh và lịch sử này./..
Lượt xem : 1625