Cây Cỏ nến - loài thực vật quan trọng của vùng đất ngập nước Hạ Nam Bộ
8/26/2009 5:05:00 PM
Cỏ nến Typha, có hoa trông giống như cây nhang hay cây nến, là một chi gồm nhiều loài thực vật thân thảo, thuộc cùng họ Cỏ nến (Typhaceae) như Typha orientalis, Typha auhustata, Typha augustifolia, Typha latifolia, Typha daviana hoặc Typha minima…Chúng đều được gọi chung là cây Cỏ nến hoặc cây Hương bồ, phân bố rộng rãi trên thế giới ở bán cầu Bắc.
Cây Cỏ nến - loài thực vật quan trọng của vùng đất ngập nước Hạ Nam Bộ
Nguyễn Đình Hòe-Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt nam
Cỏ nến Typha, có hoa trông giống như cây nhang hay cây nến, là một chi gồm nhiều loài thực vật thân thảo, thuộc cùng họ Cỏ nến (Typhaceae) như Typha orientalis, Typha auhustata, Typha augustifolia, Typha latifolia, Typha daviana hoặc Typha minima…Chúng đều được gọi chung là cây Cỏ nến hoặc cây Hương bồ, phân bố rộng rãi trên thế giới ở bán cầu Bắc. Các nước nói tiếng Anh gọi Cỏ nến là cây Đuôi mèo (cattails) cũng do hoa của nó giống đuôi con mèo.
Cỏ nến ven rìa đầm lầy nước ngọt hoặc lợ, ít phèn, chủ yếu tập trung ở 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau (thuộc miền Hạ Nam Bộ), tuy cũng gặp rải rác ở các vùng đất ngập nước khác của miền Hạ Nam Bộ. Miền Thượng Nam Bộ như Đồng Tháp, An Giang,… vì nước nhiều phèn nên Cỏ nến không phát triển. Nhìn thoáng qua cỏ nến gần giống như cây lác (cói) dệt chiếu, cao từ 1 – 2 mét. Cỏ nến ở các nước ôn đới có thể cao đến 7m.Lá dài và hẹp. Hoa đơn tính, nằm trên cùng một trục trông giống như một cây nến, hoa đực ở trên có lông ngắn màu vàng nâu, hoa cái ở dưới có lông màu nâu nhạt. Quả nhỏ hình thoi. Phấn hoa của các loài cỏ nến được sử dụng trong y học cổ truyền phương Đông với tên là bồ hoàng. Vào tháng 4 – 8 dương lịch, cắt lấy phần trên của bông hoa (phần hoa đực), giã hay rũ lấy phấn hoa, rây loại bỏ tạp chất, phơi hoặc sấy khô, cất trong lọ kín dùng dần. Thứ phấn hoa hạt nhỏ, màu vàng óng, tốt hơn thứ màu nâu. Bồ hoàng có thể dùng sống, sao vàng hoặc sao đen - tuỳ thuộc vào loại bênh được chữa, và công dụng làm thuốc của bồ hoàng cũng rất đa dạng vì chữa được rất nhiều bệnh.
Người Nam Bộ bóc lấy phần gốc non cây Cỏ nến làm rau hay muối dưa để ăn và gọi là rau Bồn bồn. Ở miền Hạ Nam Bộ, Bồn bồn là một loại rau sạch, có giá trị kinh tế cao, được nhiều nông dân trồng để phát triển kinh tế gia đình. Nông dân vùng U Minh Hạ trồng Bồn bồn xen với lúa, kết hợp với nuôi cá. Những năm qua đã có hàng ngàn hộ dân trồng Bồn bồn cho thu nhập mỗi năm từ 50 triệu đồng trở lên cho tới khi cung vượt cầu làm Bồn bồn rớt giá.. Đến vùng Hạ Nam Bộ, ai cũng thích món dưa Bồn bồn ăn với cá rô đồng kho tộ, Bồn bồn làm rau trong các món lẩu, Bồn bồn xào tôm, xào thịt các loại… Bồn bồn được các nhà hàng, khách sạn trong miền chế các món dân dã nhưng rất được thực khách ưa chuộng. Giá Bồn bồn tươi ở thị trường Cà Mau có lúc lên đến 30.000 đ/kg, giá dưa Bồn bồn 40.000 đ/kg.
|
Trồng bồn bồn ở Cà Mau (ảnh của báo Cà Mau)
|
Không chỉ làm rau hay làm thuốc, Cỏ nến còn những vai trò quan trọng khác trong sinh cảnh đất ngập nước. Cỏ nến thường mọc thành quần xã dày đặc ở ven bờ hồ hay đầm. Các bụi Cỏ nến là nơi làm tổ của nhiều loài côn trùng, lưỡng cư và chim. Một số loài động vật như chuột xạ chuyên ăn Cỏ nến. Nhiều loài chim lại có thói quen thu nhặt lá Cỏ nến khô về làm tổ. Tập đoàn Cỏ nến có tác dụng lọc nước, làm giảm các chất thải nhất là chất hữu cơ đổ vào hồ, đầm, từ đó làm giảm khả năng hồ, đầm bị phú dưỡng. Cỏ nến còn có thể dùng để sản xuất ethanol. Rễ Cỏ nến có khả năng chống xói mòn rất tốt. Thời gian dài qua đi, cỏ nến có vai trò tích cực trong việc làm khô đầm lầy. Ở Cà Mau, vùng ruộng trũng ngập sâu đang canh tác lúa - tôm hoặc trồng lúa có diện tích lên đến hơn 230.000 ha, đều có thể trồng Cỏ nến kết hợp với nuôi tôm hay nuôi cá đồng, cho hiệu quả kinh tế cao hơn độc canh tôm hay lúa. Vai trò điều hòa sinh thái của cây Cỏ nến khiến cho hóa chất bảo vệ thực vật hay thuốc chữa bệnh cho tôm, cá hầu như không cần sử dụng.
Về nhiều phương diện, Cỏ nến là loài thực vật quý của vùng đất ngập nước Miền Hạ Nam Bộ./.
Lượt xem : 18654