Vietnamese English
Cây Bìm bôi - tác hại và lợi ích

9/7/2018 10:03:00 AM

(VACNE) - Bài của TSKH Trần Công Khánh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây thuốc dân tộc cổ truyền (CREDEP), Ủy viên BCH Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam.

 

Khoảng vài chục năm trước đây, khu vực chân đèo Hải Vân xuất hiện một loài cây dây leo mới xâm nhập vào Việt Nam. Đến nay, nhiều khu bảo tồn, vườn Quốc gia ở miền Trung như Phong Nha-Kẻ Bàng, Bạch Mã, Hải Vân, các đai cao của khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Bà Nà (Quảng Nam), Nam Đông (Thừa Thiên- Huế)… đang phải đối mặt với vấn nạn cây Bìm bôi.

Cây Bìm bôi (có tài liệu viết là Bìm bois), hay Bìm lá to, tên khoa học là Merremia boisiana (Gagnep.) Ooststr., thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae). Vì dạng lá giống lá Khoai lang nên có người còn gọi là cây Lang rừng, hoặc cây Lá bạc. Đây là loài dây leo thân gỗ rất to với đường kính thân có thể đến 8cm, leo cao khoảng 10m. Lá hình tim, to hơn lá Khoai lang, kích thước 10-15 x 7-14cm, màu xanh lục nhạt, 7-8 cặp gân phụ, cuống lá dài 4,5-12cm. Cụm hoa là một ngù xim ở nách lá, mang nhiều hoa màu vàng, hình phễu hay hình chuông. Quả nang hình trứng, cao 1-1,2cm. Hạt hình trứng có 3 góc, dài khoảng 5mm.

Ở Việt Nam, chi Bìm bìm (Merremia) có 17 loài và 3 thứ. Loài Bìm bôi đã phát hiện mọc ở Lào Cai (Sa Pa), Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, đến miền Tây Quảng Nam, vv. Ngoài ra còn có ở Trung Quốc (Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam), Lào, Malaysia, Indonesia và Philippins.

           Hình 1: Cây Bìm bôi (nguồn: Internet)

Loài cây này thích nghi tốt với môi trường sống ở Việt Nam nên phát triển nhanh, xanh tốt quanh năm, hiệu suất quang hợp cao. Theo Chi cục kiểm lâm Đà Nẵng thì đã có khoảng 15.000 ha/55.000 ha rừng ở đây bị loại dây leo này che phủ, làm các cây phía dưới tán của nó bị chết vì thiếu ánh sáng (trong đó, rừng Sơn Trà 5.000 ha và rừng Hải Vân 10.000 ha). Đó là chưa kể các khu rừng ở Hoà Phú, Hoà Ninh, Hoà Bắc (huyện Hoà Vang) cũng đã phát hiện sự có mặt của cây này.

Theo những tài liệu nghiên cứu của Viện Hàn Lâm Khoa học Trung Quốc (2007) thì loài dây leo nguy hiểm này có nguồn gốc ở vùng khí hậu nhiệt đới đảo Hải Nam và khu Tự trị dân tộc Chuang (Quảng Tây), được gọi là Jinzhongteng, hoặc Sát thủ kiều mộc (Pretty Tree Killer), ngụ ý nói loài dây leo có hình dáng đẹp này lại là một loài cực kỳ nguy hiểm. Chúng phát tán rất nhanh bằng hạt, chồi, rễ và thân. Chim và thú gậm nhấm ăn quả rồi thải hạt đi khắp nơi giúp chúng phát tán rộng hơn. Chúng mọc đè lên các cánh rừng thông, rừng keo lá tràm hay bất cứ cây thân gỗ nào khác để "chiếm đoạt" ánh sáng. Do tán lá rộng và dày đặc nên đã che kín không gian, khiến thảm thực vật bên dưới bị chết sau một thời gian thiếu ánh sáng. Những thực vật chết tạo nên lớp lá khô, rất dễ gây cháy rừng. Một số vụ cháy rừng thông ở vùng rừng cấm Hải Vân trong những năm qua có liên quan đến loài Bìm bôi. Nhưng hiện nay chưa có giải pháp nảo kiểm soát sự phát tán nhanh chóng của loài dây leo nguy hiểm này. Các nhà khoa học Trung Quốc đánh giá Sát thủ kiều mộc là loài cây nguy hiểm nhất cho đến nay trong số hàng trăm loài thực vật xâm nhập vào tỉnh Quảng Tây.  

Ngoài cây Bìm bôi, còn có cây Bìm eberhardt (Merremia eberhardtii (Gagnep.) N.T. Nhan) cũng được coi là loài xâm lấn, phát triển mạnh và cũng nguy hiểm như cây Bìm bôi nói trên. Nó mọc ở ven rừng, ven đường, lùm bụi ở các tỉnh miền Trung như Thừa thiên - Huế (Phú Lộc, Hải Vân, Lăng Cô), Quảng Nam (Cù lao Chàm). Dây leo dài tới 15-20m, có lông dày, màu vàng nâu nhạt. Lá hình tim, kích thước 20 x 15cm, chót lá có đuôi dài, 2 thuỳ ở đáy lá tròn, cuống lá ngắn hơn phiến. Cụm hoa dài hơn lá, có lông nhung vàng. Hoa có tràng màu trắng, cao 6-7cm, rộng 4-5cm. 

Cả hai loài Bìm này đều là thực vật xâm lấn nguy hiểm, cần phải loại trừ. Để tiêu diệt loài cây này, tỉnh Đà Nẵng đã chi 100 triệu đồng để Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thử nghiệm các phương pháp diệt Bìm bôi. Từ năm 2016, một đề tài thực nghiệm đại trà ở khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (TP Đà Nẵng) được triển khai bằng cách khoét lỗ trên thân cây, rồi bơm thuốc trừ cỏ gồm glyphosat và metsulfuronmethyl (sử dụng phổ biến ở Việt Nam) vào cây, làm lá cây Bìm bôi chết khô rất nhanh, nhưng chỉ thời gian sau chúng lại xanh tươi trở lại. Trong thiên nhiên, cây Bìm bôi còn là một trong những nguồn thức ăn của loài Khỉ và Vọoc chà vá chân nâu đặc biệt quý hiếm ở đây, liệu tồn dư của hóa chất này có ảnh hưởng đến động vật ăn lá cây này không? Trong khi chưa có câu trả lời, thiết nghĩ không nên tiếp tục áp dụng biện pháp này.

Mặt khác, nếu hoạt chất trong cây Bìm bôi có thể sử dụng làm thuốc để chăm sóc sức khỏe cho con người thì cây Bìm bôi vừa là nguồn nguyên liệu cần thiết, vừa hạn chế mặt tác hại của nó. Đây là một mũi tên trúng hai đích.

Theo các nhà khoa học Trung Quốc: Ko Chun, Wu Ping và cộng sự đã phân lập trong cây Bìm bôi được 8 hợp chất phenolic như scopoletin, sodium lactone, Np- P- tyramin, quercetin, kaempferol-3-β-D-galactosid, vv.  

Ở Việt Nam, cây này chưa được nghiên cứu sử dụng, nhưng theo tài liệu nước ngoài, hạt và thân cây Bìm bôi có thể dùng làm thuốc. Một số loài trong chi Merremia có tác dụng nhuận tràng, chống viêm, chữa ho, kiết lỵ. Loài M. mammosa có tác dụng trị bệnh tiểu đường. Lá non của loài M. umbellata có thể làm rau ăn. Người dân các địa phương có cây Bìm bôi vẫn dùng lá cây này cho heo và thỏ ăn.

Do chưa nhận thức đúng về mức độ nguy hiểm của cây Bìm bôi nên cây này đã được trồng trên các sườn núi dọc tuyến đường Hồ Chí minh trên Trường Sơn để giữ đất, phòng chống sụt lở. Nhiều nơi nó đã bò lan ra cả mặt đường. Thậm chí, có người còn viết những bài phóng sự ca ngợi vẻ đẹp của cây Bìm bôi. Những việc này đang góp sức giúp cho loài cây xâm lấn này phát tán nhanh hơn và rộng hơn.

Thiết nghĩ, các nhà khoa học cũng nên quan tâm nghiên cứu cả mặt lợi ích của cây Bìm bôi để có thể sử dụng và tìm biện pháp diệt trừ phù hợp mục tiêu bảo vệ môi trường.


TSKH. Trần Công Khánh

 

 

Lượt xem : 4490