Cao Bằng: Thêm quần thể Chò Chỉ (Mạy Rào) và Cây Đa cổ thụ được công nhận Cây Di Sản Việt Nam
7/5/2020 6:39:00 AM
Tiếp tục chuỗi sự kiện đánh dấu 10 năm Cây Di Sản Việt Nam tại Cao Bằng, quần thể cây Chò Chỉ (tại xã Quang Trung, huyện Trùng Khánh) được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Đoàn chuyên gia của VACNE cùng chính quyền địa phương đến thăm quần thể cây Chò Chỉ sau khi được vinh danh Cây Di Sản Việt Nam.
Tại xã Quang Trung, sau khi được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Cao Bằng gửi hồ sơ lý lịch giới thiệu về quần thể cây Chò Chỉ đến Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Hội đã xem xét các yếu tố phù hợp với tiêu chuẩn, kèm theo các thông tin, cũng như khảo sát thực tế tại quần thể cây Chò Chỉ, để có đánh giá thực tế về tầm quan trọng của quần thể Chò Chỉ tại nơi đây, từng bước đi đến xét duyệt, công nhận là Cây Di Sản Việt Nam.
Quần thể cây lâu năm này có đường kính gốc từ 1 mét đến gần 2 mét; chiều cao của mỗi cây trung bình trên 40 mét; tuổi của cây to nhất được xác định từ 400 đến 600 năm tuổi.
Quang Trung là xã vùng cao thuộc huyện Trùng Khánh, cách trung tâm huyện lỵ gần 20 km. Đây là xã miền núi có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đời sống của bà con các dân tộc thiểu số còn ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Tuy nhiên, xã Quang Trung lại có một hệ thực vật rừng rất phong phú và đang dạng, ngoài các loài thực vật thông thường còn có một số loài cây gỗ quý hiếm khác.
Văn bia quần thể cây Chò Chỉ tại xã Quang Trung, huyện Trùng Khánh
Việc công nhận cây di sản Việt Nam cho quần thể cây Chò Chỉ ở xã Quang Trung, huyện Trùng Khánh có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và bảo tồn nguồn Gen quý hiếm của loài cây Chò Chỉ.
Ngoài quần thể cây Chò Chỉ, tại thị trấn Thông Nông, cây Đa cổ thụ vẫn đang vươn mình xanh tốt ngay giữa trung tâm thị trấn, trải qua bao thế hệ, mặc dù ngay giữa ngã tư đường trung tâm Thị trấn nhưng vẫn được bà con nơi đây bảo vệ và chăm sóc hàng ngày.
Cây Đa cổ thụ được nhân dân địa phương chuẩn bị cho lễ vinh danh công nhận Cây Di Sản VIệt Nam
Theo bà con nhân dân, các cụ cao niên cho biết, khi các cụ sinh ra và lớn lên thì cây Đa cổ thụ đã sừng sững xum xuê như hiện nay.
Dưới gốc Đa cổ thụ vẫn còn lưu giữ dấu tích lịch sử dân tộc cần được nghiên cứu.
Tại dưới gốc Đa cổ thụ hiện vẫn còn lưu lại một số di tích lịch sử gồm những khối đá lớn được khắc, chạm tinh sảo, với các hoa văn cầu kỳ, được cho là đá tảng của một ngôi đền lớn thời kỳ Nùng Chí Cao, một nhân vật gắn liền với lịch sử hào hùng dựng Nước, giữ Nước của các dân tộc nơi đây thời kỳ Phong Kiến.
Việc công nhận Cây Di Sản Việt Nam cho cây Đa cổ thụ tại Thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ nguồn gen, Bên cạnh đó tại gốc Đa cổ thụ còn là chứng tích, dấu ấn lịch sử hào hùng của các dân tộc tại địa phương, giúp nhân dân hiểu được và ngày càng được bảo vệ tốt hơn, nơi đây là dấu ấn lịch sử của cộng đồng dân tộc tại địa phương đã qua các thời kỳ khác nhau, theo chiều dài lịch sử Việt Nam./..
Nhân dịp 10 năm sự kiện Cây Di sản Việt Nam, Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức chuỗi các hoạt động chào mừng tại tỉnh Cao Bằng. Bên cạnh buổi lễ mít tinh, nhiều hoạt động ý nghĩa cũng được tổ chức vào thời điểm này như (trao bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam; thăm khám những cây Di sản được công nhận trước đó, các cây cổ thụ khác trên địa bàn.... các hoạt động diễn ra từ ngày 22 đến 30/06/2020).
|
Vân Mộc (Moitruong24h.vn)
Lượt xem : 2497