Cảnh báo về hoạt động của EHMs (Sát thủ Kinh tế)nhằm đảm bảo an ninh môi trường
3/6/2010 7:48:00 PM
Trên thế giới đã có không ít dự án đầu tư do những chuyên gia tư vấn môi giới đặc biệt có biệt danh là Sát thủ kinh tế (Economical Hit Man)với mục tiêu cuối cùng là tước đoạt tài nguyên – môi trường của những nước được đầu tư để mang lợi nhuận một cách bất bình đẳng về cho chủ đầu tư.
Nguyễn Đình Hòe VACNE
Năm 2004 một cuốn sách được phát hành tại nhà xuất bản Berrett- Koehler Hoa Kỳ và nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy nhất (bestseller) của tác giả John Perkins – vốn đã từng là một Sát thủ Kinh tế. Cuốn sách này năm 2006 được nhà xuất bản Văn hóa Thông tin Việt Nam mua bản quyền và xuất bản bằng tiếng Việt. Nội dung cuốn sách viết về hoạt động của các Sát thủ Kinh tế ( Economic Hit Man=EHMs)(*) vốn xuất phát từ Hoa Kỳ và nay lan rộng trên thế giới. Sát thủ Kinh tế là những chuyên gia được đào tạo bài bản, trả lương rất cao, hoạt động với tư cách các chuyên gia dưới nhiều vỏ bọc bí mật (đại diện cho các công ty tư nhân, các nhà tư vấn, nhà khoa học,…). Nhiệm vụ của EHM là tư vấn, gạ gẫm, mua chuộc, hối lộ,… các nước đang phát triển chấp nhận các dự án đầu tư vào các lĩnh vực thực chất có lợi cho các nước đầu tư hoặc tài trợ. Công cụ của EHM là các báo cáo tài chính gian lận, những vụ bầu cử gian trá, các vụ đảo chính nếu cần, các khoản hối lộ, tống tiền, kể cả tình dục và giết người..
|
Kênh đào Panama |
Một vài ví dụ. Dự án khai thác dầu mỏ ở Ecuador: cứ 100 USD dầu thô khai thác được thì 75 USD vào túi các công ty dầu lửa, 25 USD còn lại dành cho chính phủ trả nợ nước ngoài và các chi tiêu khác, chỉ có 2,5 USD chi cho y tế, giáo dục và xóa đói giảm nghèo. Trong vòng 30 năm, nghèo đói ở Ecuador tăng từ 50% lên 70%, thất nghiệp tăng từ 15% lên 70%, nợ công tăng từ 240 triệu USD tăng lên 16 tỷ USD, nguồn lực Quốc gia cho xóa nghèo đói giảm từ 20% xuống 6%, Ngày nay Ecuador phải giành 50% tổng ngân sách để trả nợ . Năm 1981, chính phủ của tổng thống Ecuador (Roldos) chống lại sự bất bình đẳng do các công ty dầu lửa tạo ra, thì ngày 24/5/1981 Tổng thống bị thiệt mạng trong một tai nạn máy bay, tổng thống mới Hurtardo lên thay lập tức phục hồi lại lợi thế của các công ty dầu lửa nước ngoài tại Ecuador. Panama dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Torrijos đấu tranh đòi quản lý kênh đào Panama, ngày 31/7/1981 ông cũng bỏ mạng trong một vụ tai nạn máy bay .
Những “mưu kế ” sau đây thường được sử dụng trong lộ trình thương thuyết cho các dự án đầu tư với sự môi giới của EHMs:
· Tổ chức xúc tiến đầu tư một số dự án công nghiệp lớn ( ví dụ 1 – 3 triệu USD/ dự án trở lên), hứa hẹn tạo nhiều việc làm cho địa phương, nhưng chuyển giao công nghệ lạc hậu, nhằm chủ yếu dịch chuyển ô nhiễm sang địa bàn tiếp nhận dự án, dùng vốn dự án để mua lại các thiết bị sản xuất đã bị thải loại của nước khác, thu mua sản phẩm của dự án một cách rẻ mạt, khai thác lao động rẻ, lựa chọn các địa điểm “vàng” có nhiều lợi thế mặt bằng, giao thông và nguồn nước, xả thải ,.. để đầu tư. Tổ chức các dự án liên doanh khai thác khoáng sản, thuê đất hoặc mua nguyên liệu khoáng sản thô với giá rẻ, đồng thời tìm khe hở để tránh trách nhiệm xử lý môi trường vùng khai khoáng nhằm giảm chi phí.
· Dự án có thể “tự nguyện” đóng góp ngân sách cho địa phương, mời nhiều đoàn cán bộ địa phương sang tham quan học tập kèm tặng quà cáp hậu hĩnh để tìm sự ủng hộ từ địa phương. Cấp học bổng cho học sinh, sinh viên người địa phương để marketing và dọn đường cho các ý tưởng đầu tư (thực ra những việc này là rất tốt nếu dự án đầu tư là dự án minh bạch và có trách nhiệm).
· Xúc tiến thành lập công ty X tại một nước nào đó, chuyển tiền cho công ty này tiến hành kế hoạch hối lộ quan chức địa phương nơi sẽ được đầu tư, tìm cách hối lộ cơ quan thẩm định báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM), thậm chí cấp trên của cơ quan thẩm định ĐTM nhằm nhanh chóng thẩm định báo cáo ĐTM dù báo cáo lẩn tránh nhiều vấn đề môi trường liên quan đến địa phương, và nhằm cho dự án đầu tư được cấp phép nhanh chóng, thậm chí vận động cấp thẩm quyền bỏ qua thủ tục lập và thẩm định báo cáo ĐTM mà luật pháp nước sở tại quy định
· “Tài trợ” cho một số phóng viên và nhà khoa học để họ tiến hành các “đề tài nghiên cứu” theo định hướng của EHMs, viết bài ca ngợi quá mức hoặc thiên lệch về dự án sẽ đầu tư nhằm đánh lạc hướng dư luận và thu hút sự ủng hộ của cộng đồng địa phương.
· Tài trợ kinh phí cho một số công ty công nghệ sinh học, một số nhà khoa học thuộc một số viện công nghệ sinh học ở một nước nghèo nào đó của thế giới thứ ba (cho có vẻ khách quan) tổ chức hội thảo tập huấn để chuyển giao “công nghệ” và “phương pháp giám sát sinh vật biến đổi gen - GMO” theo kịch bản có sẵn đã bỏ bớt phần giám sát tác động của GMO đến sức khỏe người sử dụng và các tác động môi trường nhạy cảm khác, tài trợ cho các đối tác địa phương nhập nội giống cây trồng và vật nuôi biến đổi gen sang “thử nghiệm”, thúc dục canh tác đại trà với mục tiêu ban đầu là gia tăng sản lượng, “góp phần xóa đói giảm nghèo” cho địa phương được đầu tư, nhưng lâu dài nhằm biến địa phương thực hiện dự án thành bàn đạp cho việc mở rộng và do đó ngày càng phụ thuộc vào nguồn giống GMO và hóa chất diệt cỏ dại của các công ty công nghệ sinh học nước ngoài.
Có thể nhận thấy khi suy tính thận trọng, bản chất của “mưu kế” trên đây chủ yếu nhằm vào tước đoạt sinh thái để gom lợi nhuận cho nhà đầu tư và có thể còn những mục tiêu chính trị và an ninh dài hạn khác.Thiếu các kỹ năng quản lý cần thiết hoặc sẵn lòng nhận hối lộ là khe hở cho các EHMs thành công ở không ít nước trên thế giới.
(*)Chú thích: John Perkins. Lời thú tội của Một sát thủ Kinh tế (Confessions of an Economic Hit Man) NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2006
Lượt xem : 3327