Vietnamese English
Cảnh báo về An ninh môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long

4/27/2010 10:50:00 AM

Thiên tai cùng với sức ép lên môi trường do sự phát triển kinh tế xã hội quá nhanh ở ĐB SCL và các quốc gia thượng nguồn sông Mekong khác, cộng thêm những đe dọa từ biến đổi khí hậu, đang đẩy những người sống dựa vào tài nguyên thiên nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long vào tình trạng nguy hiểm.

 
 
Nguyễn Đình Hòe, VACNE
 
 
 
Nhà trên cọc ở đồng bằng sông Cửu Long
Trong tương lai, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hàng loạt công trình thủy điện của các nước trong khu vực sông Mekong (Trung Quốc, Lào, Campuchia...) thi nhau mọc lên sẽ khiến cho lưu lượng nước dòng Mekong giảm chỉ còn 2/3 so với những thập kỷ trước.Từ thượng lưu đến hạ lưu sông Mekong đến nay đã có 16 đập thủy điện đã và đang xây dựng. Theo “quy hoạch’ của các nước trong lưu vực thì hàng trăm dự án thủy điện chằng chịt trên các nhánh chính và nhánh rẽ của dòng sông sẽ làm cho dòng sông bị chia cắt  thành nhiều đoạn và  ngăn cách con đường sinh tồn của các loài thủy sản vốn đang nuôi sống hàng triệu người dân. Biến động môi trường liên quan đến biến đổi khí hậu và khai thác vô độ nguồn thủy điện thượng nguồn có rất nhiều khả năng dẫn đến tình trạng tị nạn môi trường ở khu vực nông thôn đồng bằng sông Cửu Long - ĐBSCL.Vùng châu thổ này là nơi sinh sống của 18 triệu người, tương đương với 22% dân số Việt Nam cung cấp tới 40% diện tích đất canh tác và đóng góp hơn một phần tư GDP của cả nước. Một nửa số gạo ở Việt Nam, trong đó khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, 60% tôm cá và 80% trái cây của cả nước được sản xuất từ ĐBSCL.
Lũ lụt và hạn hán có ảnh hưởng quan trọng đến nền kinh tế và văn hóa của khu vực này. Con người nơi đây có kỹ năng sống chung với lũ ở những giới hạn nhất định. Ví dụ, mức độ ngập lụt từ nửa mét đến ba mét như ở khu vực đầu nguồn thuộc tỉnh An Giang được coi là tình trạng bình thường được gọi người dân địa phương gọi là “ngập nông”. Mức ngập cao hơn, ở khoảng giữa ba mét và bốn mét, được gọi là “ngập vừa”. Mức ngập trên bốn mét, được gọi là “ngập sâu”, là mức ngập nguy hiểm. Trong những thập kỷ gần đây, những trận ngập lụt như vậy ở Việt Nam đang tăng lên cả về mức độ và tần suất khiến cho đã có một bộ phận người dân định cư sang Campuchia.Tại Phnom Penh (Campuchia), một người dân từ ĐB SCL di cư đến cho biết: “Ở nơi tôi sống trước đây, lũ lụt xảy ra hàng năm. Tôi không thể trồng trọt và thu hoạch gì. Cuộc sống hồi đó do vậy rất khổ sở. Hơn nữa, gia đình chúng tôi lại không biết phải làm gì khác ngoài trồng lúa và đánh bắt cá. Lũ lụt đôi khi đe dọa đến cuộc sống của chúng tôi. Vì vậy mà chúng tôi đã đến đây để tìm một kế sinh nhai khác.”Một người nhập cư khác cho biết: “Gia đình tôi có nhiều đất canh tác, nhưng những năm gần đây, lũ lụt xảy ra rất thường xuyên khiến mùa màng thất bát. Thêm vào đó, giá phân bón cũng tăng rất nhanh và các bệnh hại lúa thì quá nhiều, do đó chúng tôi chẳng thu hoạch được mấy. Nhiều lúc thu hoạch thậm chí còn không đủ ăn”  (Warner,K.và nnk,2008) .
Thiên tai cùng với sức ép lên môi trường do sự phát triển kinh tế xã hội quá nhanh ở ĐB SCL và các quốc gia thượng nguồn ở Đông Nam Á khác, cộng thêm những đe dọa từ biến đổi khí hậu, đang đẩy những người sống dựa vào chúng vào tình trạng nguy hiểm. Trước nguy cơ này, người dân Nam Bộ thích nghi bằng nhiều cách khác nhau. Một trong những cơ chế thích nghi có thể là di cư. Có hai hướng di cư chính: di cư ra vùng đô thị đang phát triển mạnh và di cư sang Campuchia.Việc thiếu các nguồn sinh kế thay thế, việc khó kiếm sống trên mặt nước ngập, cùng với những món nợ ngày càng tăng có thể góp phần đưa đến các quyết định di cư ở ĐB SCL. Những người sống phụ thuộc trực tiếp vào nông nghiệp (nông dân trồng lúa) đặc biệt dễ bị tổn thương khi những trận lụt, nhiễm mặn và hạn hán liên tiếp phá hoại mùa màng. Trong mùa lụt, người dân di cư theo mùa đến các trung tâm đô thị để tìm việc làm và cải thiện sinh kế. Thông tin bên lề của Warner và cộng sự, 2008, cho biết, như một cơ chế ứng phó cực đoan, nạn buôn người (có vẻ như kể cả phong trào lấy chồng ngoại quốc ồ ạt) cũng là một cách thức di cư mà một số gia đình, trước những sức ép liên quan đến nguồn nước, đã phải chấp nhận. Một người dân di cư được phỏng vấn đã cho biết “những tổn thất xảy ra rất thường xuyên khiến mùa màng thất bát. Chúng tôi đã phải vay mượn tiền để chi tiêu. Hiện nay, gia đình tôi không thể trả được các món nợ và tôi đã phải đến đây tìm việc làm để giúp gia đình trả nợ.”(Warner,K.và nnk,2008).
Chương trình gọi là “sống chung với lũ” của Chính phủ đang thực hiện tái định cư cho người dân sống ở những vùng nguy hiểm dọc bờ sông thuộc tỉnh An Giang, như một phần của chiến lược quản lý lũ lụt.Gần 20.000 gia đình nghèo và mất đất do tác động thiên tai (lũ lụt, lở đất) hoặc xói lở bờ sông ở tỉnh này được đưa vào diện tái định cư cho đến năm 2020. Các chương trình tái định cư này cho các gia đình vay không lãi suất để mua một mảnh đất nhỏ và xây thô một ngôi nhà. Các gia đình sau đó thường cần vay tiếp để hoàn thiện ngôi nhà.Một số dịch vụ hạ tầng như trường học, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thiết bị xử lý nước và nước thải cũng được cung cấp cho người dân. Các mạng lưới xã hội giúp tạo ra các nguồn sinh kế - hầu hết chỉ là các công việc vặt thuê theo ngày. Mặc dù các “cụm tuyến tái định cư” thường chỉ cách nơi ở cũ 1-2 km, việc tách khỏi những mạng lưới xã hội đã có sẽ đe dọa nguồn sinh kế của người tái định cư và tạo ra một sự tách biệt. Chiến lược “sống chung với lũ” của Việt Nam kết hợp tái định cư, chuyển đổi sinh kế (ví dụ từ trồng lúa sang nuôi và đánh bắt cá) và di cư một phần. Trong tương lai, cứ mười người Việt Nam lại có một người phải đối mặt với nguy cơ mất chỗ ở khi mực nước biển dâng tại châu thổ sông Cửu Long.( Warner,K.và nnk.2008) .
Tài liệu dẫn
Warner,K., Ehrhart,Ch., Sherbinin,A., Adamo,S. và Chai-Onn,T.,“Tìm kiếm nơi trú ẩn: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên tình trạng di cư và mất chỗ ở của con người”. Tổ chức CARE,2008.http://www.careclimatechange.orghoặc http://ciesin.columbia.edu/publications.html
 

Lượt xem : 2032