Vietnamese English
Cảnh báo sự bùng phát Rắn lục đuôi đỏ tại một số tỉnh thành Nam Bộ

7/4/2014 11:22:00 AM

Trong vài năm qua (2012 – 2014), rắn lục đuôi đỏ bùng phát ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, TP HCM, Bình Dương, ,… với hàng trăm người bị rắn cắn phải nhập viện.

 

Nguyễn Đình Hòe,  VACNE

 


Hầu hết các trường hợp bị rắn cắn thường xảy ra ở ruộng, vườn hoặc các nhà ở vùng ven đô. Trong đó có nhiều trường hợp rắn chui cả vào nhà, chui vào giường ngủ cắn người

Rắn lục đuôi đỏ (Trimeresurus albolabris) thuộc họ Rắn lục (Viperidae) là loài rắn lục đẻ con. Khi đẻ xong rắn mẹ chết ngay. Khi mang "bầu" rắn mẹ có độc lực cực cao. Loài rắn này sống chủ yếu trên khu vực núi cao và trong các khu rừng sâu thuộc dãy Trường Sơn, vùng núi thuộc khu vực Tây bắc Việt Nam,  Cần Thơ cũng có nhưng không nhiều. Rắn lục đuôi đỏ có chiều dài thân khoảng 60 – 100 cm. Thức ăn của chúng là chuột, chim, thằn lằn và ếch. Chúng thường cư ngụ vào ban đêm trên mặt đất và nghỉ ngơi trên cây vào ban ngày.

Mấy năm trước, ở Miền Tây Nam Bộ  thường gặp rắn hổ và các loại rắn khác hay cắn người. Nhưng từ khoảng năm 2012 đến nay rắn lục đuôi đỏ chiếm phần lớn  các vụ rắn cắn người. Trong 100 ca rắn lục cắn được nghiên cứu năm 2013 tại bệnh viện Quân khu 9, có 63 trường hợp là do rắn lục đuôi đỏ[i]. Sự bùng phát các vụ Rắn lục đuôi đỏ cắn người là một hiện tượng cần sớm có lời giải đáp.

Nguyên nhân bùng phát loại rắn này, nhiều người dân cho rằng “do rắn này người ta không bắt ăn như các loại khác, cộng thêm việc trước đây rộ tin đồn rắn này chữa được ung thư nên họ bắt, nuôi để bán, sau đó không có tác dụng nên thả ra, từ đó sinh sôi nảy nở nhiều”.[ii].

Ý kiến đồn đại cho rằng có một số người Trung Quốc điều khiển xe tải thả rắn lục đuôi đỏ xuống các sông trên địa bàn TP. Cần Thơ. Tuy nhiên, sáng 20/1, cơ quan CSĐT công an TP.HCM bác bỏ tin đồn trên và khẳng định thông tin là hoàn toàn không có thật.[iii]

Cũng có thể biến biến động môi trường ở những tỉnh Nam Bộ nói trên khiến loài rắn này thay đổi tập tính cư trú và sinh hoạt cũng là một hướng cần tìm hiểu. Ví dụ việc khai hoang những vùng cây bụi tự nhiên để xây dựng làm mất nơi cư trú truyền thống của loài rắn lục đuôi đỏ. Cũng có thể do sự ấm lên của thời tiết khiến cho loài rắn có khả năng đẻ con trở nên ưu thế và bùng phát. Các cơ quan quản lý Đa dạng Sinh học cần làm rõ nguyên nhân biến động ổ sinh thái và tập tính của loài Rắn lục đuôi đỏ để bảo vệ tính mạng cho người dân cũng như để bào vệ loài rắn này một cách an toàn.



[i] . Lũy.( 30/03/2014) Rắn lục đuôi đỏ cắn người nhiều hơn. http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Song-khoe/600540/ran-luc-duoi-do-can-nguoi-nhieu-hon.html

[ii] T. Lũy.( 30/03/2014) Tài liệu đã dẫn

[iii] Đại Việt (22-01-2014).  Thực hư tin đồn rắn lục đuôi đỏ cực độc cắn nhiều người ở Cần Thơhttp://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/thuc-hu-tin-don-ran-1uc-duoi-do-cuc-doc-can-nhieu-nguoi-o-can-tho-a18997.html#.U7YNZ5R_uyo

Lượt xem : 13902