Container vô chủ xếp thành núi tại cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng). Ảnh: V.H
Kỳ 1: Liên tục nhập rác, bất chấp cảnh báo
Trong số 5.400 container vô chủ tồn đọng tại các cảng biển VN có hơn 4.800 chiếc nằm tại Hải Phòng. Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ phương án xử lý, nhưng chắc chắn sẽ tốn nhiều tiền thuế của dân. “Đống rác” này không phải mới được phát hiện, và việc xử lý chúng cũng sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề nếu vẫn còn lỏng lẻo trong quản lý nhập khẩu rác về VN như hiện nay.
Hải Phòng oằn lưng vì “rác”
Cảng Chùa Vẽ - một trong những cảng lớn thuộc hệ thống cảng Hải Phòng từ lâu tồn tại 2 khu vực chuyên lưu giữ những container tồn đọng quá 90 ngày. Theo ông Vũ Nam Thắng - GĐ cảng Chùa Vẽ - sở dĩ phải quy hoạch riêng khu vực lưu hàng tồn đọng vì có những container đã có mặt ở cảng này gần 10 năm mà không có chủ hàng đến nhận.
Trước đây các container này nằm xen kẽ với các container mới nhập, nhưng việc này ảnh hưởng lớn đến hoạt động bốc xếp nên cảng đã phải quy hoạch riêng 2 khu để chứa riêng biệt. Theo báo cáo của cảng Chùa Vẽ, hiện tại có 780 container tồn đọng quá 90 ngày, trong đó có những chiếc đã ở đây từ năm 2006.
Tại cảng, khu vực chứa các container tồn đọng xếp chồng lớp cao như tòa nhà 3 tầng dài hàng trăm mét. Nhiều container đã hoen gỉ, thủng lỗ chỗ. Kỷ lục về thời gian nằm chờ phải kể tới 2 container chứa thuốc lá của một doanh nghiệp hiện diện ở đây từ năm 2006. Một cán bộ quản lý cảng chia sẻ: “Sau mỗi trận mưa, nước ngấm vào các container này, rỉ nước ra khiến chúng tôi phải chịu đựng đủ các loại mùi từ axít của ắc quy chì đến săm lốp ôtô cũ, giấy vụn mủn…”.
Ông Cao Trung Ngoan - PTGĐ Cty TNHH MTV cảng Hải Phòng cho biết, đối chiếu với quy định hàng hóa lưu tại cảng quá 90 ngày được xếp vào loại hàng tồn đọng, thì tại các đơn vị thành viên thuộc Cty còn tồn 1.068 container. (Toàn hệ thống các cảng biển khu vực Hải Phòng còn tồn đọng hơn 4.800 container). Cảng Chùa Vẽ tồn đọng nhiều container nhất, trong đó có hàng chục chiếc tồn lưu từ năm 2007.
Những container tồn đọng này chủ yếu chứa những hàng phế thải giá trị thấp như săm lốp ôtô, nhựa phế thải, ắc quy, máy tính cũ, giấy vụn, chai nhựa… Nhiều chiếc container bị chủ hàng bỏ lại hoặc vô chủ (không xác định được chủ hàng vì là hàng tạm nhập tái xuất, nơi tiếp nhận hàng từ chối nhận còn nơi xuất hàng đi theo giấy tờ hải quan thì khi xác minh lại là địa chỉ “ma”).
Biết mà không ngăn chặn được
Gần đây dư luận giật mình vì con số thống kê hơn 5.400 container tồn đọng tại các cảng trong đó riêng khu vực cảng Hải Phòng có tới gần 5.000 chiếc, chủ yếu là hàng tạm nhập tái xuất, giá trị kinh tế thấp đã bị chủ hàng bỏ lại. Thực tế này giờ mới được phát hiện? Xin thưa, nó đã được các cơ quan chức năng phát hiện, đem ra mổ xẻ từ lâu, nhưng không có biện pháp xử lý dứt điểm nên số container tồn đọng mới tăng lên tới con số “khủng” 5.400 như hiện nay.
Năm 2010, người viết bài này từng tham dự một hội thảo mang tên “Phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu” do Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) tổ chức tại Hải Phòng. Tại hội thảo này, đại diện các cơ quan chức năng Hải Phòng và T.Ư từng đưa ra những bằng chứng đầy thuyết phục về tình trạng nhập lậu rác thải về VN. Theo thống kê, từ 2003-2006, gần 2.300 container chứa khoảng 37.000 tấn ắcquy chì phế thải được nhập vào khu vực cảng Hải Phòng.
Trong hai năm 2008-2009, cơ quan chức năng ở Hải Phòng tiếp tục phát hiện 340 container và hàng chục container ắcquy chì phế thải, vi mạch điện tử được nhập khẩu. 6 tháng đầu năm 2010, lực lượng chức năng Hải Phòng phát hiện hơn 300 container có dấu hiệu vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, quá thời hạn làm thủ tục đang lưu bãi nhập khẩu vào các cảng biển Hải Phòng.
Tạm thời lấy mốc năm 2010 là thời điểm lực lượng chức năng phát hiện ra thực trạng ùn ứ container rác thải công nghiệp về VN. Khi đó, nhiều chuyên gia đã đưa ra những khuyến nghị đanh thép: Cần có biện pháp quyết liệt, không để cảng biển VN trở thành “bãi thải công nghiệp” của thế giới. Thế nhưng, sau 5 năm, từ con số vài trăm container tồn đọng tại các cảng, tới nay đã là con số hơn 5.400.
(Còn tiếp)
Theo Việt Hòa (Báo Lao Động)