Vietnamese English
Cần trao quyền cho cộng đồng bảo vệ môi trường

8/19/2013 5:47:00 AM

(VACNE)-Là người nay đây mai đó tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường ở các địa phương, chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường khẳng định chắc chắn người dân đóng vai trò quan trọng nhất trong hoạt động bảo vệ môi trường, còn các giải pháp, chính sách chỉ là phụ.

 
 
 
 
“Chính vì thế cần phải trao quyền cho người dân tham gia giám sát, kiến nghị bảo vệ môi trường như vậy sẽ tốt hơn”, ông Cường cho rằng cần đưa nội dung “trao quyền cho dân” vào Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
 
Chia sẻ tại một hội thảo góp ý sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường mới đây ở Hà Nội, TS Dương Thanh An, Vụ trưởng vụ Pháp chế, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên&Môi trường), thừa nhận những người làm môi trường gặp rất nhiều sức ép, nếu không có sự tham gia của cộng đồng, báo chí thì không thể nào làm được.
“Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư là chương được ban soạn thảo tâm đắc nhất, vì làm môi trường có rất nhiều sức ép nên huy động được nhiều thành phần xã hội tham gia thì càng hiệu quả hơn”, TS An nói.
 
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, khoa môi trường thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, trong quản lý môi trường hiện đại, nội hàm “cộng đồng”, “sự tham gia của cộng đồng”, “xã hội hóa” là rất quan trọng”. Cần phải xác định rõ khái niệm cộng đồng và tạo quyền cho cộng đồng, nhưng trong dự thảo số 4 Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi đang được trình Chính phủ xem xét trước khi Quốc hội phê duyệt, khái niệm và quyền hạn vai trò của cộng đồng chưa rõ.
 
“Trách nhiệm đối với cộng đồng của các cơ quan quản lý nhà nước còn mờ nhạt. Ngân sách nhà nước (chương XV về nguồn lực về bảo vệ môi trường) không hề quan tâm đến cộng đồng”, theo TS Hòe, “Rõ ràng trong dự thảo số 4 của Luật, quyền bảo vệ môi trường của cộng đồng chưa được quy định đầy đủ.”
Các nhà khoa học thuộc VACNE thừa nhận rằng nếu cộng đồng không thể bảo vệ môi trường sẽ không có phát triển bền vững. Nhưng để cộng đồng có thể tham gia vào bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, cần những điều kiện rõ ràng về pháp lý về quyền tiếp cận môi trường của cộng đồng.
 
Trải qua hành trình đạp xe kết nối cây di sản xuyên qua 10 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng hồi tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Nguyệt (71 tuổi) nhận xét nhìn chung nhận thức về bảo vệ môi trường của cộng đồng đã được nâng cao lên tầm cao mới mà, ở đây, thể hiện rất rõ môi trường nhiều nơi đã trong sạch hơn, từ đường làng, ngõ xóm đến cảnh quan đình, chùa.
 
“Rõ ràng nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân trong những năm gần đây khác hẳn so với trước cũng nhờ vào các hoạt động thể hiện tính cộng đồng cao như sự kiện vinh danh cây di sản Việt Nam”, ông Nguyệt đánh giá.
 
Theo ThS Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển, các vấn đề môi trường chỉ có thể được giải quyết tốt khi có sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng khu dân cư. Sự tham gia này thể hiện ngay từ khi xác định các vấn đề môi trường, xác định các biện pháp, cách thức cụ thể giải quyết các vấn đề môi trường đó, cũng như việc xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.
 
“Sự tham gia của cộng đồng còn có nghĩa là việc tăng cường làm chủ và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo cho họ quyền được sống trong một môi trương trong lành, sạch, đẹp, đồng thời được hưởng những lợi ích do môi trường đem lại”, ông Tú chia sẻ.
 
Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường
Mục đích của xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường là nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường từ việc ra các quyết định, chính sách tới những hoạt động trực tiếp, cụ thể nhằm giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp, đảm bảo môi trường sinh thái, ngăn chặn, khắc phục hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Trong quá khứ nhiều địa phương đã hình thành những hương ước. Đó là những “bộ luật” do cộng đồng xây dựng và những quy định có tính pháp lý ở mỗi vùng miền và được cộng đồng tự nguyện tuân thủ - ông Tú cho biết.
 
Mô hình xây dựng hương ước bảo vệ môi trường của làng Chiết Bi, xã Thủy Tân, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa-Thiên Huế, là mô hình điển hình của cả nước, đã nâng cao nhận thức của cộng đồng, giúp người dân chuyển đổi hành vi sống có trách nhiệm bảo vệ môi trường.
 
Các hương ước này rất đa dạng, phong phú thường gắn với những truyền thống sử dụng khôn ngoan và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gắn với nếp sống giản dị nhưng sạch sẽ trong cộng đồng, gắn với đạo đức sống thân thiện với môi trường và những hoạt động bảo tồn.
 
Theo đánh giá của TS Hòe, nhiều cá nhân, hộ gia đình, làng bản từ lâu vẫn có ý thức tốt về bảo vệ môi trường. Nhiều sáng kiến, mô hình tốt về sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường đã được phát triển trên khắp nước từ Bắc chí Nam với quy mô, cách tổ chức, mục tiêu rất đa dạng.
 
“Phát hiện, cổ vũ và nhân rộng các sáng kiến địa phương, tạo lập dư luận ủng hộ và đánh giá cao các sáng kiến này, xây dựng cơ chế chính sách thu hút sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động bảo vệ môi trường có tác dụng tốt để hình thành các phong trào quần chúng bảo vệ môi trường”, TS Hòe bày tỏ.
 
Trên tinh thần của tiêu chí 17 trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tổ chức và hình thành các mô hình làng bản, khu dân cư văn hóa trong đó nòng cốt là các vấn đề về bảo vệ môi trường và thực thi pháp luật bảo vệ môi trường. Phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành lồng ghép và đưa những tiêu chí về bảo vệ môi trường nói chung và thực thi pháp luật bảo vệ môi trường nói riêng vào các tiêu chí xét danh hiệu các gia đình văn hóa, các xóm thôn văn hóa, các cá nhân điển hình tiên tiến, v.v…
 
Mai Anh
 
 
 

Lượt xem : 1911