Vietnamese English
Cần quy hoạch dài hạn và khung chính sách ổn định cho phát triển điện gió ngoài khơi

7/25/2022 7:03:00 AM

Theo các chuyên gia, phát triển điện gió cần có cơ chế chính sách đặc thù về tài chính, khoa học công nghệ và thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành công nghiệp này.

 Dự kiến phát triển khoảng 7 GW điện gió ngoài khơi đến năm 2030 

Nhu cầu chuyển đổi năng lượng và công suất dự kiến ghi nhận trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII là nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển điện gió như một ngành công nghiệp mới, nhưng vẫn cần có quy hoạch phát triển dài hạn và cơ chế chính sách phù hợp.

Trữ lượng các nguồn tài nguyên hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt chỉ còn vài thập niên nữa sẽ cạn kiệt, loài người sẽ lâm vào nguy cơ khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới đã tận dụng và phát triển tài nguyên năng lượng gió – một nguồn tài nguyên vô tận và dồi dào.

Mới đây, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức cuộc họp tham vấn (trực tiếp và trực tuyến) kinh nghiệm các bên nhằm khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Trương Đức Trí, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" đến năm 2050. Theo đó, nhằm thực hiện kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia triển khai cam kết của Việt Nam tại COP26 về việc chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch, trong đó, phát triển điện gió ngoài khơi là một trong những bước đi quan trọng nhằm thực hiện việc chuyển đổi này, đồng thời phát huy tiềm năng, thế mạnh về điện gió ngoài khơi của nước ta.

Phát biểu tại cuộc họp, Bà Sirpa Jarvenpaa, Giám đốc Quỹ Chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á, Việt Nam dự kiến phát triển khoảng 7 GW điện gió ngoài khơi đến năm 2030 và 54 GW nữa tới năm 2045.

Cần quy hoạch dài hạn và khung chính sách ổn định cho phát triển điện gió ngoài khơi - Ảnh 1
Phát triển điện gió cần có cơ chế chính sách đặc thù về tài chính, khoa học công nghệ và thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành công nghiệp này.

Ưu điểm chính của năng lượng gió ngoài khơi là khả năng tạo ra điện cao hơn vì tốc độ gió trên đại dương thường ổn định hơn mạnh hơn so với trên đất liền. Ngoài ra, một ưu khác của điện gió ngoài khơi là thực tế triển khai điện gió ngoài khơi có nhiều không gian hơn, ít hoặc không ảnh hưởng đến xung đột dân cư so với các nguồn năng lượng khác, đồng thời các dự án điện gió ngoài khơi sử dụng diện tích đất ít hơn hẳn.

Tại Việt Nam, tiềm năng khu vực biển được đánh giá là có thể phát triển năng lượng gió biển tới hàng ngàn GW. Hiện nay, điện gió trên biển ở Việt Nam đang phát triển mạnh với số lượng dự án đã khai thác và có đăng ký đang ở mức khoảng 15GW, nhất là khi các dự án kịp vận hành thương mại áp dụng giá FIT được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua với giá 9,8 cent/kWh trong 20 năm.

Cụ thể, năm 2015 mới có dự án điện gió ven bờ Bạc Liêu công suất 99,6MW hoạt động. Năm 2017, có các dự án như điện gió Khai Long, ven biển các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tới năm 2019, dự án điện gió Kê Gà (Thanglong Wind) công suất 3,4GW, tổng vốn 12 tỷ USD đã được Chính phủ phê duyệt nghiên cứu khả thi.

Năm 2020, tổng công suất Nhóm “Lộ trình điện gió ngoài khơi đến năm 2050” của Ngân hàng thế giới đề xuất tổng 70GW cho 1 quốc gia thành công có giá điện gió biển sẽ đạt 5 cent/KWh. Nếu đạt được 70GW vào 2050 thì Việt Nam sẽ đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản và đứng trước Hàn Quốc, Philippinne, Indonesia…

Hoàn thiện khung chính sách dài hạn

Dự thảo Quy hoạch Điện VIII phiên bản tháng 4/2022, Bộ Công Thương đưa ra công suất 16GW điện gió trên bờ và gần bờ, 7GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030; đến năm 2045 sẽ có 122GW tổng công suất điện gió. Trong đó, điện gió ngoài khơi là 66GW.

Theo các chuyên gia, đây là những mục tiêu khá thách thức và tham vọng, bởi để đạt được các mục tiêu đó, rất cần kịp thời có quy hoạch không gian biển và khung pháp lý về môi trường. Từ nay đến năm 2030 chỉ còn 7 năm. Trong khi đó, một dự án điện gió ngoài khơi cần 7-10 năm để hoàn thành các khâu khảo sát, đo gió, nghiên cứu địa chất, đánh giá khả thi, đánh giá tác động môi trường, thiết kế, sản xuất các cấu phần, xây dựng, lắp đặt...

Để đạt được các mục tiêu trên, Việt Nam cần thực hiện khảo sát các khu vực xa bờ nhằm xác định các vị trí khả thi có thể phát triển điện gió ngoài khơi. Cách tiếp cận của Việt Nam đối với vấn đề này là cấp giấy phép cho các đơn vị phát triển dự án thực hiện các khảo sát trên một vùng biển đủ rộng để giúp chính phủ đưa ra quyết định có cơ sở về các khu vực phù hợp nhất cho điện gió ngoài khơi.

Một cách tiếp cận ít phổ biến hơn là chính phủ cấp giấy phép cho nhà phát triển tư nhân tự thực hiện các khảo sát và cung cấp dữ liệu và kết quả khảo sát cho chính phủ theo định dạng được quy định trước. Sau đó, chính phủ có thể đánh giá kết quả khảo sát và quyết định những khu vực nào là phù hợp nhất để phát triển dự án.

Bên cạnh đó, phát triển chuỗi cung ứng địa phương sẽ làm tăng hàm lượng nội địa hóa trong các dự án, do đó giảm nhập khẩu và thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì vậy, phát triển điện gió cần có cơ chế chính sách đặc thù về tài chính, khoa học công nghệ và thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành công nghiệp này.

Từng đề xuất về các giải pháp phát triển điện gió ngoài khơi, TS Dư Văn Toán, Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, các cơ quan Nhà nước quản lý về biển và năng lượng sớm phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể và dài hạn, tạo điều kiện về thị trường cho điện gió ngoài khơi cũng như các hoạt động liên quan như ngành hàng hải, an ninh quốc phòng, các khu bảo tồn biển, ngư trường, kết hợp các ngành kinh tế hướng biển khác.

Các vùng, địa phương ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi cũng cần sớm công bố quy hoạch để có định hướng đầu tư khảo sát, nghiên cứu khả thi, báo cáo tác động môi trường. Cộng đồng các doanh nghiệp, nhà đầu tư điện gió nếu có thể hợp tác, lập ra quy tắc chung về chia sẻ thông tin cũng sẽ giúp giảm bớt thời gian, nguồn lực tài chính cho giai đoạn khảo sát. Bởi khi tham gia đấu thầu, bất cứ hồ sơ thầu nào cũng cần có đầy đủ số liệu đo đạc kỹ thuật.

Ông Sebastian Hald Buhl, đại diện liên danh T&T và Orsted (Đan Mạch) nêu 3 nguyên tắc cơ bản trong công tác giao biển được áp dụng thành công trên thế giới. Theo đó, nguyên tắc đầu tiên là cần "cấp giấy phép khảo sát sớm", bởi công tác khảo sát khu vực dự án thường mất đến 3 năm trong khi các hạng mục như thiết kế chi tiết và mua sắm chỉ có thể được tiến hành sau khi hoàn thành việc khảo sát.

Nguyên tắc thứ hai là "tránh chồng lấn" do chi phí phát triển một dự án điện gió ngoài khơi công suất 1 GW tiêu tốn khoảng 150 triệu USD, các nhà đầu tư thường do dự không muốn đầu tư khoản tiền lớn nếu như không được trao quyền khảo sát độc quyền với khu vực dự án.

Việc cho phép nhiều bên cùng triển khai khảo sát tại cùng một khu vực sẽ dẫn đến rủi ro "nhân đôi" chi phí vốn đã đắt đỏ của công tác khảo sát. Nguyên tắc thứ ba là "tách biệt giấy phép khảo sát với việc chấp thuận phát triển dự án". 

Việc tách biệt sẽ cho phép các nhà đầu tư học hỏi và hoàn thiện dần các dự án của mình theo giai đoạn và chuẩn bị tốt hơn cho các vòng tuyển chọn dự án trong tương lai, từ đó xây dựng được một danh mục dự án tốt và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Lan Anh

(KInh tế môi trường)

Lượt xem : 1573