Vietnamese English
Cần phân biệt dư luận xã hội với phản biện xã hội về Môi trường

8/26/2009 5:00:00 PM

Thông tin đại chúng hiện nay còn chưa phân biệt rõ dư luận xã hội và phản biện xã hội, nhiều trường hợp còn đánh đồng cả cụm. Thực ra đấy là hai khái niệm khác nhau và có tầm ảnh hưởng cũng như giá trị xã hội khác hẳn nhau.

Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
 
 Hội thảo về bauxit ngày 9/4/2009 tại Hà Nội
Dư luận xã hội (DLXH) là “những ý kiến có tính chất đánh giá về các vấn đề xã hội mà nhóm công chúng cảm thấy có ý nghĩa với họ hoặc động chạm đến lợi ích chung, các giá trị chung”. DLXH là thái độ của các nhóm xã hội đưa ra các đánh giá về vấn đề xã hội nào đó dựa trên các chuẩn mực xã hội mà nhóm này thừa nhận. Ý kiến cá nhân sẽ tạo thành một phần của DLXH nếu nó phản ánh cách đánh giá của một nhóm công chúng. Nếu ý kiến cá nhân không đại diện cho ai trừ tác giả thì ý kiến đó không được coi là DLXH mà chỉ được gọi là ý kiến cá nhân. Nếu không đại diện cho nhóm, nhiều ý kiến cá nhân vẫn chỉ là ý kiến cá nhân mà không tạo hành DLXH. Vì DLXH không phải là kết quả cộng cơ học các ý kiến cá nhân.
 
 Cả các ý kiến cá nhân và dư luận xã hội có thể được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.  Chuẩn mực xã hội là cơ sở đánh giá và bình luận các vấn đề được phân tích. Các chuẩn mực xã hội không phải bất biến: chúng thay đổi theo thời gian, theo địa phương và theo nhãn quan của các tác giả, chúng có thể đúng hay đã lạc hậu rồi, thậm chí có thể đã sai lầm. Dư luận xã hội nhiều trường hợp được phân tích thiếu cơ sở khoa học chắc chắn mà chỉ phản ảnh hiểu biết riêng của một nhóm xã hội. Dư luận xã hội là phương tiện cho các nhà quản lý thấy được dân chúng đang nghĩ gì và đánh giá như thế nào về một vấn đề mà xã hội đang quan tâm. Đó là tốt cho công tác quản lý, và nhà quản lý giỏi là người biết cách lắng nghe những ý kiến đa chiều, thậm chí ngược với những cái mình muốn nghe.
 
Phản biện xã hội khác hẳn dư luân xã hội ở chỗ không phải do cá nhân hay nhóm tác giả phát biểu. Phản biện xã hội được thực hiện bởi các tổ chức xã hội dân sự (nghĩa là các tổ chức không phải chính quyền, doanh nghiệp hay gia đình) theo một quy trình chặt chẽ. Thành phần quan trọng của XHDS ở nước ta là các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội- nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ (NGOs), các tổ chức Tôn giáo,… Mặt trận Tổ quốc là tổ chức XHDS lớn nhất, bao gồm các tổ chức thành viên như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân…Ngoài ra XHDS còn có các tổ chức xã hội-nghề nghiệp như Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (trong đó có Hội Bảo vệ TN và MT Việt Nam là thành viên), Liên hiệp Văn học và Nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hiệp hội Hoà bình, Hữu nghị và Đoàn kết Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ Việt Nam,… Hoạt động phản biện xã hội phải dựa trên trên cơ sở quy định của luật pháp, có cọ xát trao đổi nhiều vòng giữa nhóm chuyên gia làm phản biện mà hội thảo chỉ là công đoạn cuối nhằm góp ý cho văn kiện chính thức của một dự án phản biện, và đặc biệt phản biện xã hội phải có cơ sở khoa học chắc chắn. Phản biện xã hội là một trong những chức năng chính của các tổ chức xã hội dân sự, nhằm góp ý cho các Bộ Luật, Chính sách, Chủ trương của Chính phủ, các chương trình, quy hoạch, kế hoạch dự án phát triển kinh tế xã hội (các đối tượng được phản biện xã hội) nhằm làm cho các đối tượng được phản biện nói trên được xây dựng đúng luật pháp, hoàn thiện hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu Quốc kế Dân sinh.
Nhiều ý kiến trong dư luận xã hội có trình độ cao, có tâm huyết và có ý thức công dân đã cung cấp những ý tưởng tốt cho phản biện xã hội. Tuy nhiên cũng có không ít dư luận xã hội và các ý kiến cá nhân dựa trên các chuẩn mực cũ, chuẩn mực lạc hậu, tư duy cục bộ,…đã tạo ra nhiều trường hợp lẫn lộn trắng đen trên thông tin đại chúng
Chuẩn mực xã hội của phản biện xã hội về môi trường chính là Nghị quyết số 41-NQ/T.Ư về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (2004), Luật Bảo vệ Môi trường 2005 và Định hướng Chiến lược Phát triển bền vững (Chương trình Nghị sự 21 Việt Nam) do Chính phủ ban hành năm 2006. Không dựa chắc trên những chuẩn mực đó thì phản biện xã hội về môi trường không đáp ứng được yêu cầu./.

Lượt xem : 4334