Kinh nghiệm thực tế cho thấy, khi được quản lý tốt, thu nhập ngoại tệ và thuế từ hoạt động khai thác (tài nguyên) sẽ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và là nguồn tài chính hỗ trợ cho nhiều chương trình phúc lợi xã hội. Ngược lại, chính sách quản lý kém sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế, chính trị như tệ nạn tham nhũng, tranh chấp quyền lực và xung đột xã hội. Đó là lý do giải thích vì sao rất nhiều nước giàu tài nguyên như Nigeria, Congo và Venezuela lại rơi vào tình trạng đói nghèo, lạc hậu, trong khi các nước nghèo tài nguyên như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore có thể bứt phá trở thành những nền kinh tế lớn trên thế giới.
Đi tìm lời giải cho nghịch lý trên, Matteo Morgandi (Viện Giám sát Nguồn thu, Mỹ) đã tiến hành phân tích, so sánh quy định phân bổ nguồn thu từ ngành công nghiệp khai thác (chủ yếu là khoáng sản và dầu mỏ) ở các cấp chính quyền khác nhau tại 7 quốc gia giàu tài nguyên, gồm: Bolivia, Brazil, Indonesia, Nigeria, Mexico, Papua New Guinea, Ghana. Đây đều là những quốc gia có nguồn thu nhập thấp và trung bình, thuộc ba khu vực với mức độ phụ thuộc tài chính vào nguồn thu từ ngành công nghiệp khai khoáng khác nhau.