Cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân
5/27/2025 3:36:00 PM
(VACNE) - Sáng ngày 20/5/2025, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Tiến sĩ- Nhà văn Trần Văn Miều, Phó chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam đã có bài phát biểu, đóng góp ý kiến. Website VACNE xin đăng lại toàn văn bài phát biểu.

1. Cần làm rõ phạm trù mối quan hệ giữa các bộ phận trong Hệ thống chính trị của Việt Nam
Cương lĩnh chính trị: “Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã dành một mục lớn để nói rõ hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng, trong đó bao gồm 5 bộ phận: Dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Các đoàn thể nhân dân và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa Cương lĩnh chính trị của Đảng thành những quy định cụ thể. Chương I quy định về chế độ chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm: Điều 4 quy định về Đảng Cộng sản Việt Nam, Điều 8 quy định về Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 9 quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mục 2, Điều 9 quy định về các tổ chức chính trị - xã hội.
Như vậy, hệ thống chính trị của Việt Nam là một hệ thống hoàn chỉnh, hợp hiến, hợp pháp, bao gồm: (i) Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị, vừa là bộ phận, vừa là tổ chức lãnh đạo hệ thống chính trị và lãnh đạo các thành viên trong hệ thống chính trị; (ii) Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bộ phận trong hệ thống chính trị, là nhà nước của dân, do dân và vì dân (gồm có: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và chính quyền nhân dân các cấp); (iii) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị, là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện; và (iv) Các đoàn thể chính tri – xã hội gồm có: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Các bộ phận trong hệ thống chính trị của nước ta có mối quan hệ hữu cơ với nhau, thống nhất với nhau trong phạm trù giữa cái chung với cái riêng, giữa cái bộ phận với cái toàn thể: “là hai phạm trù triết học thể hiện mối quan hệ trong các sự vật, hiện tượng hoặc quá trình giữa các đối tượng (bộ phận) cấu thành hệ thống và mối quan hệ giữa hệ thống (toàn thể) với các đối tượng cấu thành của nó”…
Tôi đề nghị bổ sung cụm từ “Nhà nước” vào trước cụm từ: “chính quyền” để hoàn chỉnh là: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của Nhà nước và chính quyền nhân dân”…
Bởi vì, theo tinh thần mới thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội…là bộ phận của hệ thống chính trị của Việt Nam và phải là cơ sở chính trị của Nhà nước và chính quyền nhân dân hai cấp.
2. Cần định danh rõ về các tổ chức xã hội
Điều 9, Chương 1, Hiến pháp năm 2013 quy định về các đoàn thể nhân dân ở Việt Nam, bao gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội.
Khoản 1, Điều 9 trong Dự thảo Nghị quyết ghi: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.”
Nội dung trên đã định danh, làm rõ tính chất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Còn các tổ chức xã hội chưa được định danh, làm rõ, tổ chức này bao gồm những tổ chức nào? Việc không quy định rõ trong Hiến pháp đã dẫn đến việc hiểu không đầy đủ và khi tham chiếu Hiến pháp vào các văn bản pháp luật, các văn bản pháp quy dưới luật không thống nhất.
Thí dụ: Điều 158, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: “Trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp”.
Quy định trên về tổ chức chính trị - xã hội đã căn cứ vào Hiến pháp. Còn các tổ chức chính tri xã hội – nghề nghiệp và tổ chức xã hội – nghề nghiệp vừa thừa, vừa thiếu, vừa không hiến định. Vì Hiến pháp không có quy định về tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp. Còn chỉ quy định về tổ chức xã hội – nghề nghiệp thì chỉ có các hội như: Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Hội Kinh tế môi trường, Hội nước sạch, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam…
Còn các hội như: Hội Cựu Thanh niên xung phong, Hội Cựu giáo chức Việt Nam…không phải là tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Cũng như vậy, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam không phải là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, mà là hội theo giới lứa tuổi.
Quy định tổ chức xã hội – nghề nghiệp sẽ thiếu các tổ chức làm công tác từ thiện, nhân đạo như: Hội nạn nhân chất độc da cam, Hội người mù, Hội người khuyết tật, Hội chăm sóc trẻ em khuyết tật và mồ côi…
Phân tích trên cho thấy, nếu Hiến pháp không quy định rõ về tổ chức xã hội sẽ dẫn đến các văn bản pháp luật cũng như các văn bản pháp quy dưới luật sẽ có sự vận dụng khác nhau.
Tôi đề nghị Khoản 1, Điều 9 ghi rõ: “… các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội – từ thiện”.
3. Đề nghị bổ sung thêm chức năng và nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Khổ 2, Mục 1, Điều 9 trong Dự thảo Nghị quyết ghi: “…tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước”,…
Đề nghị bổ sung cụm từ “vận động” trước cụm từ “tập hợp” để có câu: “vận động, tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”…Bởi vì chức năng cơ bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là làm công tác dân vận, giúp Đảng vận động, tập hợp và đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đề nghị bổ sung cụm từ: “chăm lo” trước cụm từ: “bảo vệ” để có câu hoàn chính là: “đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân”. Bởi vì nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là phải chăm lo thường xuyên, liên tục quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nhân dân. Mặt khác, khoản 2, Điều 9 trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Công đoàn Việt Nam có cụm tư: “chăm lo” trước cụm từ: “bảo vệ”.
Đề nghị bổ sung cụm từ: “cơ quan đảng” trước cụm từ “nhà nước” và sau là cụm từ “chính quyền” để có câu hoàn chính là: “phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan đảng, nhà nước và chính quyền; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và chính quyền”. Bởi vì, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội không chỉ phản ảnh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến cơ quan nhà nước, mà phản ảnh đến các cơ quan đảng và chính quyền hai cấp. Mặt khác, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội không chỉ tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, mà còn phải tham gia xây dựng chính quyền nhân dân hai cấp.
4. Đề nghị bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ tham gia xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật
Tôi đề nghị bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia xây dựng chính sách và pháp luật. Bởi vì, trong thực tế, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã tham gia vận động chính sách cho người dân như: đề xuất chính sách, phản biện, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung.
5. Đề nghị viết lại Điều 10
Hiện nay, Việt Nam có hai giai cấp là Công nhân và Nông dân, còn lại là các tầng lớp xã hội. Điều 10, trong Dự thảo chỉ quy định về Công đoàn là chưa đầy đủ. Tôi đề nghị Điều 10, quy định về hai tổ chức đại diện cho hai giai cấp là Công đoàn Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam.
Như vậy, Điều 10 quy định về Công đoàn Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam nên viết gọn lại. Trên tinh thần những nội hàm nào đã có chung với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội khác thì không ghi vào nữa.
6. Đề nghị cần ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Khoản 2, Điều 9 trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ghi: “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
Như vậy, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Hội Nông dân Việt Nam chịu sự lãnh đạo, quản lý, điều hành trực tiếp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mối quan hệ trực thuộc của các tổ chức chính trị - xã hội với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nằm trong phạm trù cái riêng và cái chung, cái bộ phận và cái toàn thể. Làm thế nào để đảm bảo sự lãnh đạo, quản lý, điều hành trực tiếp của Mặt trận Tổ quốc với tính độc lập của các tổ chức chính trị - xã hội? Thí dụ: Công tác tổ chức cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội phải thực hiện hai nhiệm vụ là: xây dựng hệ thống tổ chức từ trung ương đến cấp tỉnh và cấp xã; xây dựng bộ máy, cán bộ của tổ chức mình. Hoặc tổ chức chính trị - xã hội nào trong Đại hội cũng phải bầu ra Ủy ban kiểm tra của mình. Vậy, công tác xây dựng hệ thống tổ chức cấp xã của Hội Nông dân sẽ thực hiện như thế nào? Và Ủy ban kiểm tra của Hội Nông dân do Đại hội bầu ra sẽ hoạt động như thế nào?
Dẫu rằng, bất kể cuộc cách mạng nào cũng là thay cái cũ lạc hậu để kiến tạo nên cái mới tiên tiến. Nhưng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (bảo gồm Ủy ban Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội) hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả cần nghiên cứu làm rõ công tác điều hành và cần ban hành Quy chế làm việc thống nhất từ trung ương đến cấp tỉnh và cấp xã.
7. Các tổ chức của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cộng đồng dân cư
Hiện nay, chúng ta có Ban Mặt trận Tổ quốc, chi hội nông dân, chi đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ, chi hội cựu chiến binh… được thành lập tại cộng đồng dân cư ở thôn, xóm, ấp, phun, sóc, cụm dân cư (gọi chung là thôn) ở nông thôn và đô thị.
Theo tinh thần mới sẽ không còn đơn vị thôn, các thôn sẽ được sáp nhập lại thành cụm dân cư gồm nhiều thôn gộp lại. Vậy tổ chức của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cụm dân cư như thế nào? Có nên giữ nguyên ban mặt trận, các chi đoàn và chi hội ở thôn – Nơi gần dân nhất, trực tiếp nhất với dân không? Hay sẽ thành lập mô hình: Liên ban mặt trận, liên chi đoàn và liên chi hội?
Vì thôn không phải là đơn vị hành chính nên không thể ghi vào Hiến pháp sửa đổi. Nhưng đây là vấn đề quan trọng, nên khi sáp nhập, đề nghị giữ lại cộng đồng dân cư ở thôn với Ban Mặt trận, các chi đoàn và chi hội./.
Hà Nội, ngày 20/5/2025
Lượt xem : 98