Cần hơn 700 tỷ USD để giải quyết khủng hoảng đa dạng sinh học
3/3/2022 8:44:00 AM
Các nhóm bảo tồn cho biết, cần hơn 700 tỷ USD mỗi năm để giải quyết cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học toàn cầu, trong đó, 500 tỷ USD có thể được giải quyết bằng cách hủy bỏ các khoản trợ cấp có hại. Trong số 200 tỷ USD còn lại, các quốc gia phát triển nên cung cấp 30%, tương đương khoảng 60 tỷ USD.
Gỗ được khai thác hợp pháp trong Công viên rừng quốc gia Jamari ở rừng nhiệt đới Amazon của Brazil. Ảnh: Reuters
Ngày 1/3, các tổ chức bao gồm Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, Chiến dịch vì Thiên nhiên và Viện Tài nguyên Thế giới đã công bố mục tiêu huy động 60 tỷ USD mỗi năm cho đa dạng sinh học quốc tế. Các tổ chức môi trường đã công bố mục tiêu trước một vòng đàm phán lớn về đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc sẽ diễn ra tại Geneva (Thụy Sỹ) vào cuối tháng này, nhằm đảm bảo cam kết của các nước giàu có trước cuộc họp vào tháng tới về Công ước Đa dạng sinh học ở Côn Minh, Trung Quốc.
Ông Bruno Oberle, Tổng Giám đốc của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế cho biết, Liên minh có trách nhiệm cung cấp cho các nước đang phát triển các giải pháp để bảo tồn thiên nhiên.
Một triệu loài động thực vật hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng - con số kỷ lục trong lịch sử. Chỉ riêng ở rừng nhiệt đới Amazon, hơn 10.000 loài có nguy cơ biến mất do rừng bị chặt phá để chăn thả gia súc, trồng đậu nành và các mục đích sử dụng khác.
Các nhóm bảo tồn cho biết, cần hơn 700 tỷ USD mỗi năm để giải quyết cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học toàn cầu, trong đó, 500 tỷ USD có thể được giải quyết bằng cách hủy bỏ các khoản trợ cấp có hại. Trong số 200 tỷ USD còn lại, các quốc gia phát triển nên cung cấp 30%, tương đương khoảng 60 tỷ USD.
Manfred Lenzen, một nhà nghiên cứu về tính bền vững tại Đại học Sydney (Australia) cho biết: “Thương mại quốc tế đang dẫn đến khoảng 30% mối đe dọa của các loài trên toàn cầu. Điều này có nghĩa là phần lớn các nước giàu có thể bảo vệ môi trường và hệ sinh thái của họ trong khi họ chuyển toàn bộ hoạt động gây ra vấn đề về đa dạng sinh học này sang nơi khác và nhập khẩu hàng hóa được sản xuất ở các nước thu nhập thấp”.
Quay trở lại thời điểm năm 2009, các quốc gia giàu có trên thế giới đã cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2020 để giúp các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu. Tuy vậy, họ đã không đạt được mục tiêu đó và ước tính mới nhất cho thấy, họ sẽ không đạt được mục tiêu cho đến năm 2023.
Mặc dù, khoản tài trợ cho môi trường không đạt được như mục tiêu, nhưng các nhà lãnh đạo bảo tồn hy vọng, các quốc gia giàu có quan tâm hơn nữa đến mục tiêu để hành động.
Ông Marco Lambertini, Tổng Giám đốc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên cho biết: “Đây không phải là thuế đánh vào đa dạng sinh học. Đây là một khoản đầu tư vào các dịch vụ mà đa dạng sinh học đang tạo ra cho xã hội, cho nền kinh tế, cho phúc lợi và sức khỏe của chúng ta”.
(Theo Baotainguyenmoitruong)
Lượt xem : 1336