Cần đầu tư mô hình “đô thị cảng biển”
6/10/2012 8:25:00 PM
(VACNE)-Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh việc lựa chọn đầu tư cho một số trung tâm hướng biển mới, Việt Nam nên chú trọng tận dụng các đô thị lớn ven biển đã được thời gian thử thách theo mô hình “đô thị-cảng-biển” như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Trung tâm Nghiên cứu Biển&Hải đảo - Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ.
Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam càng phải cân nhắc đến tính bền vững trong các chính sách, chiến lược và kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế biển mà về nguyên tắc chính là phát triển một nền kinh tế xanh lam (blue economy): dựa vào hệ sinh thái, ít chất thải, ít carbon, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghệ sạch hơn, an toàn thực phẩm và sản phẩm biển có sức cạnh tranh cao,...
Ông Hồi cho rằng “cần đầu tư cho các đô thị ven biển cùng với một số trung tâm kinh tế hướng biển được chọn lựa để xây dựng không chỉ thành các cực phát triển mạnh ở dải ven biển mà còn là các cực đối trọng chính của các cực nói trên trong khu vực Biển Đông. Được như vậy thì đến năm 2020, các mảng không gian biển của nước ta sẽ trở thành một trong những khu vực biển phát triển năng động trên thế giới.”
Kinh tế biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế quốc dân, là “trục chính” trong định hướng của Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 và là một trong những giải pháp cốt lõi để đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh giàu từ biển. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên&Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam 2012 - VMEF 2012 “Tổ chức không gian phát triển kinh tế biển: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam” trong hai ngày 7 và 8/6 ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo ông Hồi, để đạt được mục tiêu của Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 và tạo dựng được một nền kinh tế xanh lam trong khi trình độ khai thác biển của nước ta vẫn đang ở tình trạng lạc hậu so với khu vực, Việt Nam phải xây dựng được một nền công nghệ biển hiện đại; phát triển được một nền kinh tế biển hiệu quả, bền vững, có khả năng hội nhập quốc tế; có một phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian và bảo đảm được an ninh chủ quyền vùng biển. Trong khi đó, phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian và công cụ quy hoạch không gian biển đang còn là những vấn đề mới mẻ đối với không chỉ các nhà khoa học và quy hoạch, mà còn đối với nhà quản lý và hoạch định chính sách của Việt Nam.
“Sự thịnh vượng của kinh tế biển không chỉ quyết định đến sự phát triển lâu dài của đất nước mà còn góp phần tăng cường sức mạnh quốc quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước”, ông Hiển chia sẻ, “Bên cạnh đó, phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững phải dựa trên cơ sở duy trì được nền tảng tài nguyên, bảo toàn được chức năng sinh thái của các hệ thống tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển.”
Diễn đàn Kinh tế biển Việt Nam (VMEF) do Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài phối hợp với Tổng cục Biển&Hải đảo Việt Nam dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch&Đầu tư và Bộ Tài nguyên&Môi trường tổ chức lần đầu tiên vào năm 2010 tại thành phố Hải Phòng với mục tiêu chính là đóng góp ý kiến cho việc triển khai Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế biển của Chính phủ; xúc tiến các dự án đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực thuộc kinh tế biển.
Đến nay, cả nước có 15 khu kinh tế (KKT) ven biển được thành lập, gồm 2 KKT ở vùng Đồng bằng sông Hồng; 10 KKT ở vùng Duyên hải miền Trung và 3 KKT ở đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù có quá trình hình thành và phát triển chưa dài nhưng một số các KKT đã thu hút được các dự án công nghiệp nặng, quy mô lớn trong lĩnh vực cơ khí, hoá dầu, nhiệt điện..., góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế hướng biển, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển. Những ví dụ điển hình là công nghiệp cơ khí ô tô tại KKT Chu Lai, công nghiệp luyện kim tại KKT Vũng Áng, lọc-hóa dầu tại KKT Dung Quất, KKT Nghi Sơn,...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chúng tôi ngay trong quá trình xây dựng kế hoạch năm 2012 đã có Tờ trình báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bộ tiêu chí tạm thời để có thể xác định nhóm các KKT trọng điểm và tiến hành phân bổ nguồn lực năm 2012 chủ yếu cho nhóm các KKT này. Việc lựa chọn KKT, phân kỳ phát triển KKT vừa nhằm nâng cao hiệu quả đóng góp của KKT trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và cả nước vừa để thực hiện định hướng chiến lược của Đảng, Chính phủ trong tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
|
Mạnh Cường
Lượt xem : 1587