Cần bảo vệ Địa di sản và Đa dạng Địa chất
8/27/2009 8:19:00 PM
Các di tích lịch sử và khảo cổ liên quan đến loài người chủ yếu có niên đại khoảng 10 ngàn năm trở lại. Những quần hệ sinh vật đang sống-đối tượng của bảo vệ đa dạng sinh học- cũng chỉ có niên đại chừng ngàn năm, mà thông thường là vài trăm năm trở lại.Trong khi đó với lịch sử Trái Đất 4,5 tỷ năm, hàng loạt di tích địa chất có tầm quan trọng đặc biệt phục vụ cho việc tìm hiểu Trái Đất của chúng ta thì rất nhiều, và không ít trong số đó có những vẻ đẹp vô giá có giá trị du lịch cao.Tuy nhiên không ít điểm địa di sản đã bị phá hủy vì chúng ta còn chưa rõ giá trị của chúng
Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam-VACNE
Ghềnh Đá Đĩa ở Tuy An, Phú Yên, gồm nhiều khối đá basalt hình đĩa
Khái niệm về Địa Di sản (Geoheritages) được nêu lên lần đầu trên thế giới tại Công ước Digne năm 1991 như là một công cụ nhằm bảo vệ và cải thiện các Di sản Địa chất và phát triển bền vững các địa phương có di sản đó thông qua một Mạng lưới Toàn cầu liên kết các Quốc gia có Di sản. Năm 1997 , UNESCO công bố “ Tuyên bố về Quyền Tưởng nhớ Trái Đất” - ‘Declarationof the Rights of the Memory of the Earth', thuộc trách nhiệm của Bộ phận Khoa học Trái Đất thuộc UNESCO, nhằm hỗ trợ cho các Quốc gia thành viên bảo vệ các Di sản Trái Đất của mình. Theo sự giảm dần về quy mô, nhóm Địa di sản gồm Công viên Địa chất (geopark) có thể lớn tương đương với một Vườn Quốc gia, nhỏ hơn là Điểm Địa di sản (Geosite), nhỏ nhất là Geomark (chưa có từ Việt tương đương, tạm dịch là thực thể địa chất, ví dụ một thác nước, một miệng núi lửa, một vách đá,...). Một geopark có thể gồm nhiều geosites, một geosite có thể gồm nhiều geomarks.
Bầu Trắng trên Cồn cát Đỏ Bình Thuận phát triển theo một Đứt gãy địa chất hiện đại
Công viên địa chất là một vùng có giới hạn rõ ràng, có diện tích đủ rộng để đáp ứng du lịch. Nó bao gồm một số điểm di sản địa chất (geosites) nào đó ở mọi quy mô hay một nhóm thực thể địa chất (geomarks) có tầm quan trọng khoa học đặc biệt, hiếm có và đẹp, tiêu biểu cho một khu vực và lịch sử địa chất của khu vực đó. Kèm theo ý nghĩa địa chất , vùng Địa di sản còn có thể có các giá trị sinh thái, khảo cổ, lịch sử hay văn hoá. Một công viên địa chất hay một điểm Địa di sản đáp ứng cho việc phát triển du lịch bền vững từ đó mang lại lợi ích cho địa phương và quốc gia về kinh tế, mặt văn hóa và môi trường. Điều này giúp cải thiện điều kiện sống của con người và môi trường đặc biệt là nông thôn- nơi có khả năng phát hiện nhiều vùng địa di sản. Năm 2004, 17 geoparks Châu Âu và 8 geoparks của Trung Quốc liên kết tạo ra Mạng lưới Toàn cầu về Geoparks dưới sự bảo trợ của UNESCO. Năm 2007, Geoparks Châu Âu có sự tham gia của 15 nước Châu Âu với 31 geoparks, nâng tổng số geoparks trên thế giới lúc đó lên 52.
Các chuyên gia nước ta đang nghiên cứu chi tiết tại 6 khu vực để xây dựng công viên địa chất. Trong đó, điển hình là cao nguyên đá vôi Đồng Văn - Mèo Vạc, Vườn Quốc gia Ba Bể, di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà - quần đảo Long Châu - bán đảo Đồ Sơn... Tuy nhiên nhiều địa phương khác cũng có nhiều khả năng phát hiện thêm nhiều địa di sản mới vì vấn đề này đối với Việt Nam còn khá mới mẻ.
Cần bảo vệ Đa dạng địa chất như bảo vệ Đa dạng sinh học.
Lượt xem : 2589