Vietnamese English
Cần bảo tồn những ngôi vườn Huế

8/26/2009 5:27:00 PM

Huế là thành phố vườn. Theo điều tra gần đây Huế có khoảng 7000 nhà vườn, nhưng những nhà vườn có giá trị cao cần bảo vệ chỉ còn trên 800 và có giá trị nhất chỉ còn 150. Có rất nhiều khu vườn ở Huế không phải là nơi sản xuất cây trái mà là nơi để chủ nhân thể hiện các tư duy về triết học, mỹ học. Vườn Huế là những bài thơ đầy triết lý của người cố đô.

CẦN BẢO TỒN NHỮNG NGÔI VƯỜN HUẾ
Nguyễn Đình Hòe-Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
--------------
Huế là thành phố vườn. Theo điều tra gần đây Huế có khoảng 7000 nhà vườn, nhưng những nhà vườn có giá trị cao cần bảo vệ chỉ còn trên 800 và có giá trị nhất chỉ còn 150. Có rất nhiều khu vườn ở Huế không phải là nơi sản xuất cây trái mà là nơi để chủ nhân thể hiện các tư duy về triết học, mỹ học. Vườn Huế là những bài thơ đầy triết lý của người cố đô.
·        Các kiểu vườn Huế
Phần lớn diện tích Thành phố Huế là vườn, có ít nhất bốn kiểu vườn. Vườn chùa là loại hình xuất hiện sớm nhất. Đây là một không gian tâm linh đặc trưng trong đời sống văn hoá đậm nét Phật giáo ở Huế. Vườn ngự là dạng hoa viên trong hoàng cung và các lăng tẩm, dành cho vua và hậu cung thưởng ngoạn cả khi còn sống lẫn sau khi đã khuất. Kiểu thứ ba là vườn phủ đệ. Được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, đây là hoa viên trong dinh thự của quan lại và quý tộc triều đình Huế, tập trung chủ yếu dọc hai bờ sông Hương, nhất là ở Kim Long và Vĩ Dạ. Đây là những khu vườn có diện tích lớn, có vườn rộng từ 2 đến 3 ngàn mét vuông. Có những khu vườn quy mô và kiến trúc như một tiểu hoàng cung. Vườn phủ đệlà các công trình nghệ thuật được tạo tác nhằm phục vụ thú tao nhã của các mệ , có ảnh hưởng sâu đậm đến phong cách các khu vườn khác cũng như phong cách Huế. Cuối cùng là vườn dân - đây là loại vườn phổ biến ở Huế. Đặc tính của vườn dân khá đa dạng, một số có dáng dấp phảng phất vườn phủ đệ;số khác là vườn tạp phản ánh khát vọng gần gũi với thiên nhiên; số còn lại là những vườn kinh tế, chủ yếu là: cây ăn quả, hoa hoặc rau thực phẩm.
Nói đến “Vườn Huế” chủ yếu là nói đến kiểu vườn phủ đệvà một số lớn  vườn dân mang phong cách Huế đặc trưng, một phong cách được các nhà nghiên cứu gọi là “Phong cách Mệ”
Trong thổ ngữ Huế có nhiều từ bắtnguồn từ tiếng Chămpa cổ xưa, Mệ ( nói tắt từ tiếng Chăm là Melia có nghĩa là Quý tộc) là danh xưng (tự xưng hoặc để người khác gọi mình) của nhà quý tộc Huế. Họ có thể là hoàng thân quốc thích, là quan to, là những nhà trí thức hiển đạt, cũng có thể là dân thường nhưng thích phong cách này. Đặc trưng chung nhất của các mệ là tao nhã, phong lưu, không tỏ ra lo lắng đến cơm áo hằng ngày (vì đã có bổng lộc hoặc lương triều đình), vì thế mặc dù khu vườn rộng hàng ngàn mét vuông, nhưng chức năng của chúng không phải là tạo ra thu nhập cho chủ nhân, mà được xây dựng, chăm sóc, đầu tư để thể hiện sự phong lưu, tao nhã, đáp ứng nhu cầu thư giãn, di dưỡng tinh thần của chủ nhân.
Biểu hiện đầu tiên của phong cách mệ là việc đặt tên cho vườn khá cầu kỳ. Những vườn tiêu biểu của vùng Kim Long có những cái tên rất đẹp “Thường Lạc Viên”, “Xuân Viên Tiểu Cung”, “Tĩnh Dật Cơ”, “Phú Mộng Viên”, “An lạc Viên”, “Nhã viên”… Mỗi vườn có kiến trúc phong cảnh rất riêng. Phải có trình độ Hán học cao mới có thể hiểu rõ nghĩa của những cái tên này.
Đặc trưng thứ hai là cấu trúc vườn theo thuyết phong thuỷ, điểm khởi đầu quan trọng của khu vườn là cổng ngõ có mái che hoặc dùng các loại cây leo nối liền hai trụ cổng tạo thành mái vòm cổng vườn, đồng thời cũng là cổng ra vào nhà. Cánh cổng chỉ được mở ra khi chủ nhân có ý sẵn sàng đón khách. Từ cổng đến nhà phải qua một con ngõ. Chiều dài con ngõ được cố tình làm tăng thêm bằng cách bắt con ngõ phải lượn quanh co bằng những hàng cây trà được cắt xén công phu. Cổng dẫn đến một bình phong bằng cây hoặc bằng gạch. Bình phong của nhà vườn Huế được gán cho rất nhiều chức năng: chắn gió, chắn khí độc, cản tà ma xâm nhập, là bức màn lễ nghi tạo thuận lợi cho chủ và khách gặp nhau trong tư thế dễ chịu …
Đặc trưng thứ ba của vườn là cấu trúc thành 5 tầng và 5 vòng, con số 5 đặc trưng của Nho giáo. Theo độ cao giảm dần, tính từ ranh giới vườn trở vào trung tâm vườn lần lượt có các tầng: tầng cây chắn gió tạo bóng mát - tầng cây ăn quả lâu năm - tầng cây ăn quả hằng năm - cây cảnh - rau và hoa ngắn ngày. Vườn cũng được kết cấu thành 5 vòng đồng tâm từ ngoài vào trong, đó là: - bờ tường xây hoặc rào cây - hệ cây ăn quả dễ chăm sóc, cây làm củi - hệ cây ăn quả có giá trị cao - cây cảnh quý hiếm - cây cảnh nhỏ, rau và hoa. Ngôi nhà là trung tâm của 5 vòng cây kể trên.
Đặc trưng thứ tư là tính đa dạng rất cao về thành phần các loài cây vườn. Các nhà nghiên cứu tính được trong các khu vườn ở Huế có trên 500 loài thực vật, mỗi khu vườn ít nhất cũng có khoảng 50 loài cây. Nhiều loài cây tự nhiên được chủ nhân để chừa lại một cách có tính toán. Các loại cây trồng được chủ nhân tuyển chọn kỹ càng, thường thành bộ, ví dụ bộ tứ “đa, sung, sanh, si”, “mai, lan, trúc, cúc”, bộ tam “cau, trầu, chè”, bộ nhị “trầu, cau”. Trong tập đoàn cây vườn Huế, có các cây lấy gỗ, cây ăn quả, rau, cây thuốc, cây cảnh, hoa… phong phú như một kiểu rừng nhiệt đới, trong đó số loài cây cảnh và hoa thường chiếm trên một nửa (gần 60%).
Thời gian trôi đi đã biến nhiều giá trị thành lịch sử. Tầng lớp mệ không còn, nhưng phong cách mệ vẫn hiện diện sâu đậm trong lối sống của người Huế, trong vườn Huế. Ngay cả khi lâm vào tình cảnh kinh tế eo hẹp, ngay cả khi phải sống dựa vào hoa lợi của khu vườn là chính, đa phần chủ nhân các khu vườn vẫn như không để ý đến giá trị kinh tế vườn. Vườn vẫn phải biểu lộ thú thanh nhàn, vẫn phải mang nét hào quang của vùng đất thần kinh lịch lãm.
Phong cách Huế có nhiều đặc trưng, nhưng có thể tóm gọn trong 8 chữ “đa cảm, kín đáo, trí tuệ và thanh lịch”. Cả bốn tính cách này đều có thể được cảm nhận khi đến thăm vườn Huế. Vườn Huế không chỉ được xây dựng như một hoa viên để nhìn ngắm, hơn thế, mỗi khu vườn phản ánh một triết lý sống của chủ nhân. Đó là lối sống kín đáo, hoà với thiên nhiên, ẩn mình vào thiên nhiên. Nhưng không phải là một thiên nhiên hoang dã mà là một thiên nhiên có quy phạm, có tổ chức. Mỗi loài cây được tuyển lựa, được chọn vị trí, được tạo hình, đều mang ý nghĩa văn hoá và giáo dục sâu sắc. Các triết lý Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo hoà đồng trong mỗi khu vườn. Cái đẹp, cái xanh, cái hoang sơ một cách quy phạm của vườn Huế đầy tính triết lý và cũng đầy chất thơ.
Nhiều vườn Huế bị bỏ hoang khi chủ nhân không có điều kiện chăm nom,  nhưng họ không cho thuê đất để làm vườn kinh tế. Dưới con mắt đa cảm, ngay cả cái vắng vẻ của những mảnh vườn hoang cũng đầy chất thơ. Chiều mưa vườn hoang, con nhện lặng lẽ giăng câu, con chuồn chuồn ớt đậu run rẩy trên cành dền cơm… Chẳng đã có những vần thơ, những câu hát rất hay về những mảnh vườn hoang đó sao!
Ngày nay dưới sức ép của tăng dân số và kinh tế thị trường, không ít ngôi vườn truyền thống Huế đã bị chia nhỏ, biến thành nhà cửa, thành các trang trại nông nghiệp năng suất cao, hoặc hoa viên hiện đại mang đậm phong cách đô thị mới. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều chủ nhân vườn Huế, có thể rất nghèo, vẫn đang cố giữ gìn các khu vườn theo “Phong cách mệ”. Bởi vì vườn Huế đã là một bộ phận máu thịt của di sản Huế, là một trong những cội nguồn của phong cách Huế. Bảo tồn và tu tạo các khu vườn có giá trị văn hóa và sinh thái cao ở Huế chính là bảo vệ di sản của dân tộc và của thế giới./.

Lượt xem : 2071