Vietnamese English
Cải tạo động Phong Nha: Nhiều phương án phản khoa học!

3/6/2010 5:26:00 AM

Những ngày gần đây, dư luận và báo chí có thông tin về việc di sản thiên nhiên thế giới – VQG Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) sẽ có nhiều phương án cải tạo và nâng cấp một số hạng mục: Làm cầu treo từ hang Tiên đến hang Bi Ký ở cuối động, cải tạo lối đi lại trong hang động, vệ sinh bảo dưỡng đang động (xử lý vi khuẩn gây bệnh, làm sạch thạch nhũ, vách động...).

 
Động Phong Nha (Quảng Bình).
 

Xung quanh mối lo ngại, liệu các hạng mục trên có gây ảnh hưởng đến cảnh quan tự nhiên và địa chất của động hay không, phóng viên Báo Lao Động chiều 4.3 đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đại Trung - Trưởng phòng Kiến tạo địa mạo (Viện Khoa học Địa chất – Khoáng sản).

Quan điểm của ông như thế nào trước thông tin về phương án cải tạo động Phong Nha?

- Theo thông tin mà dư luận và báo chí cung cấp, cũng như với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu địa chất tại vùng Phong Nha, tôi cho rằng đây là phương án chưa nghiên cứu kỹ lưỡng về mặt khoa học, thiếu khả thi. Du lịch hang động quá tải đã làm tổn thương môi trường sống của động - thực vật, phá hủy nhũ đá... làm mất hết toàn bộ cảnh quan tự nhiên của quần thể động.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Di sản địa chất thế giới, không có hang động nào được phép tác động quá nhiều như làm đường bêtông, chiếu đèn và lượng người vào tham quan động quá nhiều. Mật độ người vào động Phong Nha quá lớn, khiến nhũ bị bào mòn đáng kể do lượng khí CO2 của con người thải ra và các tác động khác như hương khói, đèn chiếu, rác thải...

Nếu có những tác động mạnh đến vách hang để làm cầu, lối đi có gây địa chấn gì đến quần thể hang không, thưa ông?

- Về khía cạnh khoa học, gây chấn động trong hang là cách làm phản khoa học. Ximăng sẽ làm môi trường hang nóng lên, khiến điều kiện tái tạo ban đầu của hang sẽ bị phá vỡ và tiến tới gây mất cân bằng sinh thái, chưa kể việc nhiều khả năng làm sập các lớp đá vôi trên trần hang. Khí CO2 vào nhiều quá trong quá trình hóa học sẽ gây bào mòn, làm mất đi sự cân bằng việc bám các lớp đá vôi với nhau.

Những quần thể hang có lớp đá vôi mỏng thì chỉ cần một chấn động ở vách hang sẽ gây bong sập, nguy hiểm tính mạng du khách, hỏng hết hệ thống quần thể hang. Hiện VN chưa có công trình nghiên cứu nào nghiên cứu tính được trọng tải chịu lực của các lớp đá vôi trong hang động là bao nhiêu, nên việc bong sập không thể lường trước được.

Theo ông, việc bảo dưỡng vệ sinh hang động gây ảnh hưởng thế nào đến hệ sinh thái nhũ?

- Chưa có quốc gia nào tiến hành việc tẩy rửa làm sạch nhũ, bởi tất cả tác động hóa học hay sinh học sẽ gây ăn mòn sinh học lên bề mặt nhũ, làm mất sự cân bằng tự nhiên của sinh thái nhũ. Hiện do tác động của CO2, khói, hơi người… khiến nhũ mất đi màu trắng tự nhiên, chuyển màu rêu xanh hoặc nâu xỉn, dễ bào mòn, đổ vỡ.

Những hang kín không liên thông, việc ăn mòn của nhũ càng nhanh do không khí không lưu thông và  nóng dần lên. Động Phong Nha là động liên thông nên vẫn có luồng hơi khí điều hòa trong hang. Tuy nhiên, do mật độ du lịch trong môi trường hang quá lớn nên phần lớn nhũ trong động đều đã bị tác động.

Vậy nếu cải tạo, hang thì cần có phương án nào hợp lý?

Việc cải tạo nâng cấp cần xem xét thật kỹ lưỡng. Thứ nhất, không được đưa ximăng, sắt thép vào để cải tạo hang, nếu làm cầu thì nên làm bằng chất liệu gỗ cây tự nhiên, không có chất hóa học. Chỗ nào xuống cấp nghiêm trọng thì không nên khai thác thêm, cần được bảo vệ che chắn.

Tại Phong Nha, ngoài động chính còn có hơn 300 hang lớn nhỏ khác, vì vậy nên khai thác thêm để san bớt lượng du khách tham quan, tránh tác động thái quá của con người gây mất cân bằng môi trường sinh thái hang. Ngoài ra, cần tính đến giải pháp hạn chế lượng người vào tham quan tại hang để tránh quá tải. Nếu khai thác du lịch quá nhiều mà không bảo vệ hang một cách có hệ thống, hệ thống hang động sẽ ngày càng mất đi vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên và bị phá hủy.

- Xin cảm ơn ông!

 
Dương Hà thực hiện

(Lao Động, 5/3/2010)

Lượt xem : 2095