Vietnamese English
Cái cây mà biết nói năng

6/1/2020 8:37:00 AM

(VACNE) - Xin được mượn câu ngạn ngữ của các cụ để làm tựa đề cho bài viết này: “Hòn đất mà biết nói năng/ Thì thày địa lý hàm răng chẳng còn”.

                                        

TS. Nhà văn Trần Văn Miều

Chùm ảnh: Hiện trường cây phượng bật gốc đè trúng 13 học sinh ...


Đất và Cây đều là hai yếu tố quan trọng của môi trường, không thể thiếu được trong cuộc sống của con người. Song, Đất và Cây là vật vô chi, nhưng lại không hề vô giác – Nó biết, cảm nhận được sự đau đớn khi bị con người đối xử không thân thiện; biết đau sót khi nó gây ra thương tích và những  cái chết cho con người vô tội.

               

Xin được trích lại tin của Báo Tuổi trẻ ngày 26/5/2020: “Lúc 8h40 sáng 26/5/2020,  ông Nguyễn Duy Long - Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, thông tin một học sinh bị thương trong vụ bật gốc cây sáng 26/5 ở Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.Hồ Chí Minh) đã tử vong. Theo ông Long, sau khi xảy ra vụ đổ cây, đơn vị đã chuyển 8 học sinh bị thương qua Bệnh viện Nhi đồng 2 và 1 học sinh qua Bệnh viện An Sinh. Trong số các em được chuyển qua Bệnh viện Nhi đồng 2, có 3 em bị thương nặng, riêng em học sinh được chuyển qua Bệnh viện An Sinh đã tử vong”.

               

Nhiều năm nay, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nghiên cứu về tri thức bản địa với bảo vệ môi trường. Nghiên cứu này cho thấy, ở nông thôn, vào mùa mưa bão, các gia đình đều gồi cây – Chặt cành cây khô, sâu bệnh và tỉa bớt tán lá. Việc làm này là tri thức bản địa của nhiều cộng đồng dân cư người Việt. Đây là một kinh nghiệm tốt được truyền từ đời này sang đời khác của những người sinh sống ở nông thôn. Việc làm đó, một mặt, loại bỏ những cành bị sâu, sén tóc, mối…không lây lan sang những cành cây khác; làm cho tán cây nhẹ bớt, khi gặp mưa bão không làm bật gốc cây; kích thich sinh trưởng và kích thích ra hoa, kết trái của cây ăn quả; Mặt khác, làm giảm bớt mâu thuẫn giữa những gia đình có cây trồng ở sát cõi nhà nhau. Đấy là bốn tác dụng của việc gồi cây trước mùa mưa bão của người nông dân Việt.

               

Trở lại, câu chuyện cây phượng vỹ bật gốc, đổ làm bị thương 9 học sinh, trong đó có 3 em bị thương nặng và 1 em bị tử vong. Hiện tượng cây đổ làm bị thương và chết người đã sảy ra ở nhiều nới. Khi sự việc đáng tiêc sảy ra, các cơ quan quản lý nhà nước lại làm một việc “Mất bò, mới lo làm chuồng”, vội vàng ra công văn, chỉ thị, điện… nhắc nhở cơ sở phải kiểm kê, đánh giá, tỉa cành cây xanh ngoài đường giao thông, trong trường học, nơi công cộng…

               

Thiết nghĩ, nếu những chỉ đạo của cấp trên được làm thường xuyên, được kiểm tra, đôn đốc kịp thời; Cần thiết hơn là lãnh đạo các đơn vị phải lập hồ sơ cây xanh, đánh giá hiện trạng, diệt trừ sâu bệnh và cắt những cành bị sâu hại, tỉa bớt tán lá…thì chắc sẽ không còn hiện tượng cây bật gốc gây thương tích cho con người. Mặt khác, cần chống sự thiếu trách nhiệm và vô cảm của những người có trách nhiệm…

               

Nếu ai, ở đâu, cá nhân, tập thể nào cũng biết lo trước, làm trước, biết vận dụng tri thức bản địa của người nông dân vào chăm sóc cây xanh thì sẽ không còn hiện tượng cây đổ gây trấn thương và cái chết cho con người.

               

Xin được nhắc nhở, mọi cá nhân và tập thể nhớ câu chế từ ngạn ngữ xưa: “Cái cây mà biết nói năng/ Thì người vô cảm hàm răng chẳng còn”./.


Hà Nội, ngày 31/5/2020

Lượt xem : 1713