Vietnamese English
Cách Hàn Quốc quản lý rác thải để trở thành một trong những nước sạch nhất thế giới

6/27/2020 6:26:00 AM

Sự đầu tư của chính phủ vào hệ thống phân loại và xử lý rác thải cùng với việc coi trọng giáo dục người dân về ý thức bảo vệ môi trường là hai yếu tố quan trọng nhất giúp Hàn Quốc trở thành một trong những đất nước “xanh-sạch-đẹp” nhất thế giới.

Hàn Quốc là một nước đông dân, với dân số bằng hơn một nửa dân số Việt Nam sinh sống trên một diện tích lãnh thổ chỉ bằng 1/3 Việt Nam. Mật độ dân số của thủ đô Seoul cao gấp 4 lần Tp. Hồ Chí Minh và gấp 8 lần thủ đô Hà Nội.

Với một nền công nghiệp phát triển và một mật độ dân cư cao như vậy, làm cách nào Hàn Quốc có thể quản lý rác thải một cách hiệu quả?

Sau đây là một số quy định được áp dụng trong quản lý rác thải sinh hoạt ở Hàn Quốc.
 


Hàn Quốc nổi tiếng với những đường phố sạch đẹp, không rác thải. (hình ảnh từ Intermet)

Rác thải bắt buộc phải được phân loại

Nói đến việc đổ rác ở Hàn Quốc không đơn giản chỉ là gom rác vào túi và bỏ vào thùng rác mà là “phân loại và đổ rác”. Nó là cả quá trình phức tạp đòi hỏi người dân phải nắm rõ cách phân loại các loại rác cho đúng.

Nhìn chung rác được phân thành 4 loại chính:

- Rác thông thường: bao gồm những loại rác trong gia đình như giấy vệ sinh, xương động vật, vỏ sò,…

- Rác thực phẩm: thức ăn thừa, rau quả,…

- Rác tái chế: giấy, bìa carton, chai nhựa, lon kim loại,…

- Rác khác: rác điện tử, vật dụng lớn,…

Phải mua túi đựng rác riêng biệt cho mỗi loại rác

Mỗi loại rác sau khi phân loại phải được đựng trong mỗi loại túi riêng biệt với màu sắc khác nhau. Nếu không sử dụng đúng loại túi, rác sẽ không được thu nhận và bạn sẽ phải phân loại lại và nộp phạt.

Túi đựng rác được bán ở siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi với giá khá cao (ví dụ bạn phải trả khoảng 50.000 vnd cho 10 túi rác cỡ vừa). Điều này không những giúp làm giảm lượng rác thải ra mà còn cung cấp ngân sách cho các chi phí trong xử lý rác thải. Nói cách khác, người xả rác phải trả tiền cho nhà nước để xử lý rác của mình.

Thời gian đổ rác được quy định

Thời gian đổ rác được quy định từ 20h tối đến 24h tối, rác sẽ được thu gom vào sáng hôm sau. Chỉ được đổ rác vào các ngày trong tuần và chủ nhật. Không được đổ rác vào thứ 7 (chủ nhật không thu gom rác).

Việc quy định thời gian cụ thể của việc đổ rác và nhận rác giúp đường phố và các khu dân cư ở Hàn Quốc luôn sạch sẽ, không có tình trạng rác chất thành đống bóc mùi gây mất cảnh quan đô thị. Bằng cách này Hàn Quốc đã rất thành công trong việc xây dựng một hình ảnh sạch đẹp trong mắt của khách du lịch.

Không phân loại rác sẽ bị phạt

Không phân biệt là người Hàn hay người nước ngoài sinh sống tại Hàn Quốc, mọi người đều phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về phân loại rác nếu không muốn bị phạt.

Hình phạt về rác thải ở Hàn Quốc rất cao. Đổ rác không sử dụng túi đổ rác theo quy định bị phạt khoảng 4 triệu đồng, đổ rác trước nhà người khác bị phạt 1 triệu đồng, đổ rác ở nơi không đúng quy định bị phạt 2 triệu đồng,... Nhiều người nước ngoài do không quen với những quy định xử lý rác thải này đã phải đóng tiền phạt.

Việc phát hiện đổ rác sai phạm cũng không khó bởi vì mọi tuyến đường, góc phố, khu dân cư đều có camera theo dõi. Chỉ cần bạn vi phạm thì ngay hôm sau sẽ có giấy báo nộp phạt gửi về tận nhà yêu cầu nộp phạt tại các khu dân sự.
 

Rác phải được phân loại và bỏ vào đúng thùng rác quy định. (hình ảnh từ Internet)

Không có thùng rác trên đường phố Hàn Quốc

Ngoài những khu đổ rác quy định, thì rất khó để kiếm ra những thùng rác trên đường phố Hàn Quốc. Lý do cho việc này là ngăn chặn việc xả rác bừa bãi, không phân loại vào thùng rác. Thay vào đó, người đi đường thường phải mang theo rác về nhà hoặc đến công ty để bỏ vào thùng rác quy định.

Giáo dục trẻ em ngay từ nhỏ về phân loại và đổ rác

Có thể nói thành công trong việc xây dựng một hệ thống xử lý rác thải chuyên nghiệp và khoa học như hiện nay của Hàn Quốc đến từ việc chú trọng yếu tố con người. Người dân Hàn Quốc ngay từ nhỏ đã được giáo dục rất kỹ về nhận biết các chất liệu, thu gom và phân loại để đổ rác đúng quy định.

Trên tất cả, mấu chốt cho sự phát triển kinh tế cũng như thành công trong công tác bảo vệ môi trường đều đến từ yếu tố con người. Cách mà hệ thống giáo dục xây dựng ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sẽ quyết định đến những tiến bộ trong việc bảo vệ môi trường sống.

Việt Nam hiện đang còn thiếu thốn về nhiều mặt như cơ sở vật chất và chính sách quản lý để thu gom, phân loại và xử lý rác hiệu quả. Tuy nhiên, xu hướng sống xanh đang ngày càng phổ biến hơn trong cộng đồng, khi mà ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc bảo vệ môi trường.

Đây rõ ràng là xu thế tất yếu của toàn thế giới và sẽ rất nhanh thôi chúng ta cũng phải học hỏi những tiến bộ của nước khác để áp dụng vào đất nước mình.

Thảo Nguyên (moitruong.com.vn/TH)

Lượt xem : 2812