Vietnamese English
Các tôn giáo chung tay bảo vệ môi trường

4/15/2016 4:13:00 PM

Sáng 15/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã họp triển khai chương trình hoạt động giai đoạn 2016 - 2020. Phát biểu tại Hội nghị sáng nay, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, chức sắc của 40 tổ chức tôn giáo trên cả nước tiếp tục phát huy tối đa vai trò định hướng hành vi bảo vệ môi trường cho người dân tại cộng đồng dân cư.

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, phần lớn trong số 1.600 thành phố thuộc 91 quốc gia trên thế giới đang trong tình trạng vượt quá mức độ cho phép về độ ô nhiễm. Theo nghiên cứu của các chuyên gia môi trường quốc tế, Việt Nam là một trong 5 nước đang và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trung bình mỗi năm có 457 người bị thương vong, thiệt hại 1,9 tỷ USD, tương đương 1,3% GDP.


Với mục đích nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp tích cực của chức sắc các tôn giáo đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tháng 12/2015, Hội nghị toàn quốc “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” với sự tham gia của 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo trong cả nước được tổ chức tại thành phố Huế thành công tốt đẹp về nhiều mặt.  Trong tháng 6 và 7/2016 khảo sát mô hình điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và khảo sát, đánh giá nhu cầu để xây dựng mô hình điểm trong đồng bào Phật giáo, Hồi giáo, Bàlamôn, tập huấn cho các chức sắc, nhà tu hành một số tôn giáo về ứng phó với biển đổi khí hậu, giảm rủi ro thiên tai và bảo vệ môi trường - theo Đại Đoàn Kết.

Hỗ trợ gần 485 tỷ đồng khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn

VietnamPlus cho biết cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định hỗ trợ 484,7 tỷ đồng cho 21 địa phương và 2 Công ty thủy nông trực thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân năm 2015- 2016.

135 người tử vong do nắng nóng kéo dài tại miền Đông Ấn Độ

Giới chức Ấn Độ ngày 13/4 cho biết nắng nóng kéo dài tại bang Odisha, miền Đông nước này, đã cướp đi sinh mạng của 24 người, nâng tổng số người tử vong do nắng nóng lên 135 người trên khắp cả nước. Nhiệt độ trong ngày 12/4 ở bang này lên tới hơn 40 độ C tại 19 nơi, trong đó thị trấn Titilagarh ghi nhận mức nhiệt cao nhất với 44,5 độ C – theo VietnamPlus.

Hồi tuần trước, giới chức Ấn Độ thông báo ít nhất 111 người đã tử vong do nắng nóng tại hai bang miền Nam Telangana và Andhra Pradesh. Trong tuần đầu tiên của tháng 4, nền nhiệt tăng bất thường tại nhiều nơi của Ấn Độ, một số khu vực ghi nhận nhiệt độ chênh lệch hơn 5 độ C. Cùng ngày 12/4, Cục Khí tượng học Ấn Độ (IMD) dự kiến hiện tượng El Nino có khả năng suy yếu vào cuối tháng này, tạo điều kiện tốt cho hoạt động của gió mùa. Dự báo, năm nay nước này sẽ đón lượng mưa dồi dào hơn bình thường trong đợt gió mùa Tây Nam.

Trung Quốc đứng đầu thế giới về năng lượng sạch

Theo báo cáo của Grantham, cuối năm 2014, năng lượng tái tạo chiếm 11% tổng tiêu thụ năng lượng ở Trung Quốc. Mức sử dụng than đá không tăng trong năm 2014 và giảm vào năm 2015. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sự gia tăng trong sản xuất năng lượng tái tạo ở Trung Quốc dự kiến cao hơn cả Liên minh châu Âu, Mỹ và Nhật cộng lại. Không chỉ riêng Trung Quốc, tại Mỹ, Cơ quan Thông tin Năng lượng Quốc gia cho biết, trong năm tới, công suất điện Mặt Trời ở nước này sẽ lớn hơn tổng công suất điện từ khí tự nhiên, gió và dầu mỏ - theo VnExpress.

Trung Quốc và Mỹ đang là hai nước xả nhiều khí thải nhất. Thoả thuận giữa hai nước năm 2014 về việc giảm phát thải khí nhà kính đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu. Hai nước này cam kết sẽ giảm thiểu khí thải trong vòng 10-15 năm, và sẽ tiếp tục nỗ lực cắt giảm trong tương lai. Đây là cơ sở để các nước khác tham gia vào Thoả thuận chung Paris sắp được ký kết tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York trong tháng này. Nếu trên 55 nước tham gia ký kết, tương ứng với tối thiểu 55% tổng lượng phát thải khí nhà kính, thoả thuận sẽ có hiệu lực.

Việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo gây hại môi trường

Theo báo cáo hôm qua được trình lên một ủy ban của Quốc hội Mỹ, việc Trung Quốc cải tạo bãi ngầm, xây dựng đảo nhân tạo ở khu vực tranh chấp trên biển Đông đã phá hủy các rạn san hô, làm tổn hại các ngư trường và vi phạm luật pháp quốc tế về bảo vệ môi trường. Theo báo cáo, từ tháng 12/2013 tới tháng 10/2015, tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã cải tạo khoảng 3.000 mẫu (0,4 hécta) đất trên 7 bãi đá mà nước này chiếm đóng, trong khi Malaysia cải tạo 70 mẫu, Philippines cải tạo 14 mẫu – theo Tiền Phong.

Các máy nạo vét của Trung Quốc đã chất đống cát sỏi trên diện tích 13 km2 của các bãi đá ngầm, phá hủy các rạn san hô bên dưới, theo báo cáo trình Ủy ban Xem xét An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung. Các máy nạo vét cũng xới tung bùn cát, hủy hoại các mô của san hô và ngăn cản ánh sáng mặt trời rọi tới san hô khiến chúng không thể sống nổi. Đống cát sỏi trải dài cũng giết chết tôm cá hoặc đuổi chúng khỏi các bãi đá ngầm, báo cáo dẫn lời John McManus, giáo sư sinh thái và sinh vật học biển Trường Đại học Miami (Mỹ). Việc hủy hoại môi trường này cũng ảnh hưởng tiêu cực tới các ngư trường, ngành ngư nghiệp nhiều nước, báo cáo viết.

Apple tìm thấy vàng trị giá 40 triệu USD từ smartphone, máy tính cũ

Apple vừa công bố báo cáo môi trường thường niên của công ty này hôm 14/4 và cho biết một số thông tin thú vị về việc công ty này có thể tái chế bao nhiêu từ các máy tính, điện thoại cũ. Đó là, Apple đã thu về hơn 61 triệu pound thép, nhôm, kính và các vật liệu khác. Đặc biệt Apple đã thu được hơn 2.2014 pound, khoảng hơn 1 tấn vàng. Với giá vàng tại thời điểm hiện tại là 1.229 USD/ounce vàng, Apple đã gom được khoảng gần 40 triệu USD từ nguyên liệu vàng từ các máy điện thoại và máy tính cũ.

Nhưng số tiền từ vàng này đến từ đầu? Theo Fairphone, một nhóm hoạt động chuyên về chuỗi cung ứng điện tử cho biết, một smartphone trung bình sử dụng 30 milligram vàng, phần lớn từ các bảng mạng và các cấu kiện bên trong khác. Và Apple sẽ tái chế hàng triệu chiếc iPhone và các máy tính khác có rất nhiều mẩu vàng nhỏ bên trong các thiết bị này. Cũng có khả năng Apple có thể tái chế một vài phiên bản Apple Watch, được dự báo là có 50 gram vàng 18 kara trong thiết bị này. Nhưng khó có thể hinh dung ai đó đã chí hơn 10.000 USD cho Apple Watch có thể trả lại Apple để tái chế trong vòng chưa tới 1 năm. Các vật liệu khác được sử dụng trong các thiết bị cũ của Apple đã được gom lại trong năm 2015, gồm: thép, nhựa, nhôm, kẽm, bạc, đồng, cobalt, chì, nickel – theo ICTPress.…

Theo Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2086