Vietnamese English
Các thành phần kinh tế tham gia cung ứng dịch vụ môi trường (P2)

11/25/2015 7:45:00 AM

Thị trường công nghiệp môi trường nước ta là rất mở rộng, tuy nhiên phần lớn chúng ta đang tập trung vào lĩnh vực rác thải, trong khi thị trường rác thải cũng có rất nhiều tiềm năng, cần có sự đột phát để có sự thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực này.

>> Các thành phần kinh tế tham gia cung ứng dịch vụ môi trường (P1)


Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường xử lý rác thải

 
Khác với thị trường thu gom và xử lý nước thải, thị trường thu gom và xử lý rác thải được hình thành sớm hơn. Năm 2007, tổng số doanh nghiệp trong lĩnh vực thu gom và xử lý rác thải là 270 doanh nghiệp; đến năm 2010 tăng lên 463 doanh nghiệp, tăng trung bình 20%/năm. Trong đó phần lớn là doanh nghiệp ngoài nhà nước, chiếm trung bình khoảng 83,1%, doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng lớn hơn trong lĩnh vực xử lý nước thải, tuy nhiên vẫn chỉ ở 15,7% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 1,2%.

Tổng số lao động làm trong ngành thu gom và xử lý rác thải tăng chậm hơn so với lĩnh vực nước thải, tuy nhiên số lượng lại lớn hơn rất nhiều. Năm 2007, tổng số lao động là 26.242 người và đến năm 2010 là 33.384 người, tăng trung bình 8%/năm.

Cũng giống như lĩnh vực nước thải, số lao động làm trong các doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng rất lớn với 70,2% tổng lao động. Trung bình doanh nghiệp nhà nước có 352 lao động/doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI có 48 lao động/doanh nghiệp và doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ có 28 lao động/doanh nghiệp.

Tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực rác thải biến động nhiều trong các năm, tuy nhiên vẫn có xu hướng tăng trung bình hàng năm là 36%/năm, trong đó vốn của doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm trung bình hàng năm khoảng 58% tổng số vốn trong lĩnh vực này, 28,4% là của doanh nghiệp ngoài nhà nước và 13,5% của doanh nghiệp FDI.

Tổng vốn trung bình hàng năm của doanh nghiệp nhà nước là 49,98 tỷ đồng/doanh nghiệp, doanh nghiệp ngoài nhà nước là 4,63 tỷ đồng/doanh nghiệp và doanh nghiệp FDI là 154,17 tỷ đồng/doanh nghiệp, gấp 3 lần doanh nghiệp nhà nước và 33 lần doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp trong lĩnh vực rác thải cao hơn trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải. Đặc biệt doanh nghiệp FDI có tỷ suất cao nhất, trung bình năm đạt 7,13% trên đồng vốn, doanh nghiệp ngoài nhà nước là  5,68% và thấp nhất là doanh nghiệp nhà nước, chỉ đạt 2,39%, trung bình toàn ngành là 5,06% trong giai đoạn 2007 – 2010, cao hơn trung bình của toàn nền kinh tế (4,06% trong giai đoạn 2007 - 2009).

Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của doanh nghiệp FDI là rất cao, trung bình hàng năm đạt 21,24%, doanh nghiệp ngoài nhà nước là 5,96% và thấp nhất là doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 3,66%, trung bình toàn ngành là 10,29% trong giai đoạn 2007 – 2010, cao hơn trung bình của toàn nền kinh tế (5,47% trong giai đoạn 2007 - 2009).

Theo đánh giá thị trường thu gom xử lý nước, rác thải ở Việt Nam là rất lớn và vẫn đang tăng nhanh trong những thập kỷ tới. Với nhu cầu trên, tổng nhu cầu nguồn vốn giai đoạn 2012 – 2025 là 188.000 tỷ đồng (giá năm 2011, không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng), trong đó giai đoạn 2012 – 2015 là 29.000 tỷ đồng, giai đoạn 2016 – 2020 là 59.000 tỷ đồng và giai đoạn 2021 – 2025 là 100.000 tỷ đồng.

Thực tế trên thế giới cũng cho thấy tính hấp dẫn của thị trường công nghiệp môi trường, đặc biệt đang nổi lên với các dự án về xử lý nước, rác thải thông qua hình thức đối tác công-tư (PPP).

Mặc dù hiện nay nước ta đã có những bước đi ban đầu thu hút sự tham gia của doanh nghiệp ngoài nhà nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng môi trường đô thị theo hình thức PPP, bằng chứng Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về thí điểm triển khai dự án theo hình thức PPP, trong đó có lĩnh vực xử lý chất thải. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên quy định về hình thức PPP ở Việt Nam.

(Nghiên cứu “Bước đầu đánh giá thị trường thu gom và xử lý nước, rác thải ở Việt Nam” trong kỷ yếu “Nâng cao sức chống chịu trước biến đổi khí hậu” của Hồ Công Hòa – Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương)

Theo Minh Phúc
(MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 2005