Điều đó thật hiển nhiên bởi con người đã sáng tạo ra tất cả để phục vụ cho cuộc sống của chính con người. Nhưng nếu muốn sống để tiếp tục sáng tạo, con người không thể tồn tại trong một môi trường sinh thái bị ô nhiễm nặng, môi trường văn hóa bị lai tạp, biến chất. Những năm gần đây, nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới đã có những biện pháp rất cụ thể để bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường văn hóa.
Ngày 21.9 hằng năm được chọn là ngày Hòa bình thế giới. Ngày này được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ấn định từ năm 1981, là ngày toàn thế giới ngừng bắn và không bạo lực. Đây cũng là ngày toàn thế giới tôn vinh giá trị của hòa bình cũng như bày tỏ khát vọng hòa bình của tất cả các dân tộc trên Trái đất... Ngày 21.9.2007, kỷ niệm ngày Hòa bình thế giới, tại trụ sở LHQ ở New York, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon đã rung 3 hồi chuông kỷ niệm, đồng thời kêu gọi thực hiện cuộc ngừng bắn toàn cầu trong ngày này. Các đại biểu dự buổi lễ và các nhân viên LHQ đã dành một phút mặc niệm nhân danh hòa bình và hát một ca khúc về hòa bình.
Để giảm thiểu nạn tắc đường, tai nạn giao thông, con người gần gũi nhau hơn..., người đứng đầu thành phố Bogota, Thủ đô của Colombia (Nam Mỹ) đã quyết định một tuần có 3 lần cấm xe ô tô riêng đi ra đường; hằng năm lấy ngày 1.2 là ngày không cho phép xe ô tô riêng đi ra đường. Thay vì làm đường cao tốc ở ngoại ô thành phố để tránh tắc đường, Thị trưởng đã quyết định làm thêm đường đi xe đạp, xe buýt công cộng, đường đi bộ ngay trong thành phố.
Ở Anh, Chính phủ khuyến khích mọi người đi xe đạp; cơ quan chức năng hướng dẫn kỹ năng sử dụng xe đạp cho mọi lứa tuổi.
Trong thời gian chuẩn bị gia nhập WTO và nhằm tăng cường tính liêm chính, năm 1998 lãnh đạo Trung Quốc ra lệnh cấm quân đội và lực lượng cảnh sát tham gia các hoạt động kinh doanh. Trước đó, doanh thu từ các hoạt động kinh tế của quân đội và cảnh sát được ước tính vượt qua ngân sách quân sự gần 10 tỷ USD phần lớn từ các hoạt động vận tải, hầm mỏ, địa ốc, điểm vui chơi về đêm...
Đây là một động thái nhằm ngăn chặn tình trạng lực lượng vũ trang Trung Quốc xao nhãng nhiệm vụ chính trị và quá tập trung vào công việc kinh doanh. Ngày 17.8.2006 Trung Quốc cấm chiếu phim hoạt hình của ngoại quốc vào những giờ quan trọng. Khuyến khích kỹ nghệ làm phim hoạt họa trong nước.
Theo đó, từ 17 giờ đến 20 giờ hằng ngày cấm các loại phim của Mickey Mouse xuất hiện trên truyền hình Trung Quốc. Cảnh báo truyền hình chiếu phim kinh dị; người giới thiệu chương trình phải ăn mặc đứng đắn, hạn chế dùng tiếng Anh. Tháng 5.2007, lãnh đạo thành phố Bắc Kinh quyết định lấy ngày 11 mỗi tháng là “Ngày xếp hàng”.
Về cuộc vận động này, hệ thống báo chí, truyền thông được tăng cường đưa tin những gương tốt, cả những hành vi xấu, vi phạm; kết hợp xử phạt 50 tệ (6,5 USD, tương đương 100.000 đồng VN) với ai bị bắt quả tang khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; có các đội tình nguyện ở các vị trí đông người để phát khăn, túi...
Tháng 4.2007, trước áp lực của quốc tế về ngành công nghiệp điện ảnh, âm nhạc, Tòa án tối cao Trung Quốc đã quyết định tăng mức án phạt lên gấp nhiều lần đối với các hành vi sao chép đĩa DVD, CD bất hợp pháp. Theo đó chỉ cần bắt giữ với 500 đĩa lậu, cá nhân sẽ bị truy tố, trước đó nếu bắt với 1.000 đĩa lậu, cá nhân đó chỉ bị phạt tiền. Nay mức án sẽ lên tới 7 năm tù giam, với những người có 2.500 đĩa lậu, tiền phạt cũng tăng lên 15 lần.
Để giảm thiểu phần nào sự ồn ào, ô nhiễm âm thanh, ô nhiễm không khí, ngày 1.6.2007 giới hữu trách thành phố Thượng Hải ban hành luật cấm các tài xế không được bóp còi xe, ai vi phạm sẽ bị phạt tương đương 10 euro. Ngay cả các xe tuần tiễu của cảnh sát cũng không được quyền ré còi hụ, trừ trường hợp khẩn cấp.
Hướng tới Olympic Bắc Kinh 2008, Chính phủ Trung Quốc chủ trương xây dựng một Bắc Kinh đổi mới, cư dân thân thiện, ứng xử lịch sự, văn minh. Theo đó, nhiều cuộc vận động được tổ chức ở các thành phố ngoại ô nhằm loại bỏ thói xấu như khạc nhổ bừa bãi, xả rác tự do, chen lấn giành chỗ, giành đường, sử dụng tiếng Anh cẩu thả (sai chính tả, sai văn phạm...).
Vì môi trường xanh, bảo vệ, giữ gìn môi trường xanh đã trở thành mệnh lệnh từ trái tim, khối óc mỗi người dân Nhật Bản. Nhà nước thiết lập những chuẩn mực toàn cầu về bảo tồn năng lượng. Tăng cường sử dụng điện hạt nhân, cả nước hiện nay dùng 1/3 năng lượng hạt nhân, khuyến khích dùng năng lượng mặt trời.
Brazil cấm quảng cáo ngoài trời từ ngày 1.1.2007. Tất cả các đường phố của San Paolô sẽ không còn những tấm biển quảng cáo ngoài trời, trên bảng điện tử. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tối đa tương đương 4.500 USD. Lãnh đạo thành phố cho rằng sự quảng cáo lộn xộn đã làm “ô nhiễm tầm nhìn”, là vật cản đối với người tham gia giao thông, 11 triệu cư dân thành phố đã ủng hộ chủ trương này và tự nguyện tham gia chiến dịch “thành phố sạch” do lãnh đạo thành phố phát động.
Chính phủ Nga đóng cửa các nhà hàng vi phạm những quyết định của Chính phủ.
Ngày 1.1.2006, Đức tuyên bố cấm hút thuốc lá tại các nơi công cộng. Lệnh cấm sẽ áp dụng tại các nhà hàng, sàn nhảy, trường học và những nơi công cộng khác (miễn trừ đối với quầy bar, quán rượu, bia). Đi đầu phong trào này là Thủ tướng Angela Merkel. Bà ngừng hút thuốc đã được vài năm. Kết quả điều tra cho thấy đa số người dân Đức ủng hộ quyết định này.
Gần đây, Tổng thống Đức Hort Koehler đã ký ban hành Luật hạn chế truy cập các trang web truyền thông nhằm đối phó với tình trạng khiêu dâm trẻ em trong hệ thống truyền thông. Luật này có hiệu lực từ ngày 23.2.2010, theo đó cơ quan cảnh sát Liên bang Đức (BKA) có nhiệm vụ lập danh sách các tên miền, địa chỉ IP, địa chỉ đích của các gói truyền thông có nội dung khiêu dâm hoặc có mục đích hướng đến các trang có nội dung tương tự. Tại các nước Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Hà Lan, Italia, Anh, Thụy Sỹ, New Zealand, Hàn Quốc, Canada, Đài Loan (TQ) việc ngăn chặn các trang web khiêu dâm trẻ em trên Internet đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Ở Italia, Phần Lan cũng đã ban hành thành luật.
Nhằm bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, Chính phủ Iran đã cấm những nhà cung cấp dịch vụ Internet tại nước này cung cấp các đường truyền Internet tốc độ cao, chỉ được phép cung cấp đường truyền tốc độ từ 128 Kbps trở lại, trong khi thế giới hiện đang phổ biến các tốc độ 256, 512 Kbps hoặc cao hơn.
Chính phủ Mỹ mạnh tay trong việc “làm sạch” làn sóng phát thanh và truyền hình bằng việc cấm các cảnh hở hang trên truyền hình cũng như những phát ngôn thiếu chuẩn mực. Những biện pháp trên được Tổng thống George Bush ký ban hành từ trung tuần tháng 6.2006. Theo đó, mức phạt tăng lên 10 lần so với quy định trước đây đối với hành vi vi phạm chuẩn mực cho phép. Với quy định này, nhà đài phải dẹp đi những lời nói thô tục, những câu chửi thề trong phim nếu không muốn bị phạt 325.000 USD cho 1 lần vi phạm.
Singapore phát động “Tuần tử tế” từ 19 đến 26.5.2007 nhằm nhắc nhở sự vị tha ở mỗi người. Đây là năm thứ 10 Chính phủ phát động, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng “tử tế” là một trong những hình ảnh mà nước này muốn xây dựng. Ông còn nói “Vì chúng ta tăng trưởng và hội nhập toàn cầu hóa, các giá trị về sự quan tâm, lòng trắc ẩn, tình láng giềng trở nên quan trọng còn hơn trước. Không xã hội nào có thể tồn tại và thịnh vượng nếu người dân chỉ biết theo đuổi sự giàu có về vật chất. Lòng tử tế là sợi chỉ chạy xuyên qua các chất liệu tạo nên xã hội của chúng ta, giúp nó trở nên mạnh hơn và dính kết.
Singapore đã cho trưng cầu ý kiến 1.000 người dân đang sống trong và ngoài nước để đưa ra định nghĩa: Thế nào là sự tử tế? Riêng cá nhân Thủ tướng Lý Hiển Long tổng kết: Một là phải chào hỏi nhau, không quên nói “làm ơn” và “cảm ơn”. Hai là phải quan tâm, ân cần với nhau, chẳng hạn như nhường ghế cho người cần đến nó hơn, hay lau bàn, dọn mâm sau khi dùng bữa. Mỗi lần phát động “Tuần tử tế”, nước này diễn ra hàng trăm hoạt động và các chương trình liên quan đến lòng tử tế nhằm khuyến khích mọi người dân tập tử tế thành thói quen cũng như tập tươi cười với nhau. Bản thân Thủ tướng cũng rất tích cực tham gia các hoạt động này.
Tháng 9.2008, Thủ tướng Hunsen vừa quyết định khôi phục lại lệnh cấm tổ chức các cuộc thi sắc đẹp ở Campuchia. Ông gọi cuộc thi sắc đẹp năm 1993 là “điềm xấu” khi địa điểm diễn ra cuộc thi là nhà hát lịch sử Tonle Bassac đã bị cháy một năm sau đó. Ông cũng khuyên dân chúng hãy hướng sự chú ý tới môn đua thuyền thay cho các cuộc thi sắc đẹp tốn kém.
Úc cấm ca nhạc “tươi mát” trên truyền hình. Theo đó những chương trình ca nhạc có hình ảnh gợi dục sẽ không được đưa lên truyền hình. Luật này cũng yêu cầu các tạp chí dành cho thanh thiếu niên phải dán những nhãn khuyến cáo nếu có đăng hình hoặc nội dung gợi dục. Luật được ban hành sau khi có quá nhiều lời than phiền của các bậc phụ huynh về tình trạng trẻ em Úc bị tấn công bởi các ấn phẩm văn hóa, các chương trình truyền hình, các mẫu quảng cáo đầy tính gợi dục. Chính phủ Úc đã bị chỉ trích vì không có các kênh truyền hình thích hợp cho trẻ em.
Suy ngẫm để áp dụng, việc không thừa đối với bất kỳ quốc gia nào.
( Báo Văn Hoá, 29/3/2010)
|