Các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học của Việt Nam
1/5/2016 2:48:00 PM
Đáng tiếc là khi chúng ta bắt đầu hiểu rõ hơn về đa dạng sinh học của Việt Nam, nhiều loài cũng như toàn bộ hệ sinh thái đang phải đối mặt với các sức ép khủng khiếp đe dọa sự tồn tại của chúng.
Một tỷ lệ lớn các loài động thực vật của Việt Nam đang bị đe dọa tuyệt chủng. Vào năm 2004, các nhà sinh học của IUCN đã xếp xấp xỉ 16% các loài thú, 9% các loài bò sát (trong đó có tất cả các loài rùa trừ 4 loài) và 5% các loài chim vào loại bị đe dọa toàn cầu.
Các vùng ngập nước do thủy triều có thể bị biến đổi rất lớn và các hệ sinh thái như rừng ngập mặn có thể biến mất cùng với tất cả các sinh vật sống trong hoặc phụ thuộc vào các hệ sinh thái này nếu chúng không thích nghi nhanh chóng với những thay đổi này.
Nhiều loài cây cũng cũng đã được xếp loại, trong đó có 63% trong số 24 loài tuế của đất nước. Các con số này chắc chắn còn thấp hơn thực tế vì còn có ít thông tin về mật độ và phân bố của phần lớn các loài thực vật và động vật và còn ít thông tin hơn nữa về tình trạng của các quần thể của chúng.
Bên cạnh những mối đe dọa gián tiếp này đối với đa dạng sinh học của Việt Nam, một số mối đe dọa trực tiếp có tác động rõ ràng hơn. Hai mối đe dọa trực tiếp và quan trọng nhất đối với đa dạng sinh học của Việt Nam là khai thác quá mức các tài nguyên thiên nhiên và sự suy giảm và mất môi trường sống.
Mức độ ảnh hưởng tương đối của chúng phụ thuộc vào từng loài hoặc môi trường sống được quan tâm. Mối đe dọa ít được biết đến hơn là từ các loài xâm nhập (loài bản xứ hoặc loài ngoại nhập, được giải phóng một cách vô tình hay hữu ý) và nhanh chóng mở rộng các quần thể và chiếm ưu thế so với các loài khác và có tiềm năng gây ảnh hưởng xấu đến toàn bộ hệ sinh thái. Ô nhiễm có tiềm năng quan trọng, nhưng hiện có ít thông tin về những tác động trực tiếp của nó lên đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Tương tự, những tác động của khí hậu thay đổi trên toàn cầu còn ít được biết tới nhưng nó có lẽ sẽ có những tác động lâu dài và nặng nề do đất nước có đường bờ biển dài và các châu thổ có độ cao thấp. Mặc dù một mối đe dọa không đủ để gây ra tuyệt chủng của một quần thể hoặc một loài động vật hoang dã hoặc phá hủy một hệ sinh thái, nhiều mối đe dọa kết hợp với nhau lại là một vấn đề hoàn toàn khác.
Việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam liên quan đến nhiều hoạt động trong đó có săn bắt, đánh cá, khái thác gỗ và thu thập động vật và thực vật không bền vững. Khai thác quá mức đã trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học của Việt Nam và ngày càng mở rộng ra nhiều loài động thực vật khác trong khi đã có hàng trăm loài bị ảnh hưởng.
Việc khai thác trực tiếp động vật hoang dã ở Việt Nam, bất kể vì lý do gì và bất kể được chuyển đi đâu, là mối đe dọa chính đối với nhiều loài động vật có xương sống ở Việt Nam, đặc biệt là các loài thú, một số loài chim và rùa. Mối đe dọa chủ yếu đối với các loài vượn đen của Việt Nam (giống Hylobates [Nomascus]) và voọc (giống Trachypithecus và Pygathrix) là săn bắt phục vụ các hoạt động buôn bán thương mại.
Các nhà nghiên cứu đã định lượng được những mất mát tối thiểu trong cả nước giữa năm 1990 và 2000 do săn bắt gây ra cho 2 loài đặc hữu ở Việt Nam, voọc đầu trắng (T. poliocephalus poliocephalus) và voọc mông trắng (T. delacouri). Số lượng cá thể của cả hai loài bị giảm xuống một nửa trong vòng một thập kỷ, với số lượng tương ứng tối thiểu là 100 và 316 cá thể, bị mất đi vì săn bắt. Săn bắt đã làm mất đi thêm 30 cá thể voọc đầu trắng giữa năm 2000 và 2002 và quần thể của loài này vào năm 2004 nằm trong khoảng 50 đến 60 cá thể. Ước tính có khoảng 270-302 cá thể voọc đầu trắng vẫn còn tồn tại.
Đa dạng sinh học của Việt Nam đang phải hứng chịu những rủi ro đặc biệt. Mặc dù Việt Nam có một phần đáng kể mức độ đa dạng sinh học của trái đất, đất nước cũng có khả năng hạn chế về kỹ thuật và tài chính để giải quyết những thách thức mà thay đổi thời tiết gây ra. Diện tích rừng và đất ngập nước đang bị thu hẹp nhanh chóng và nhiều loài thực vật và động vật đang bị đe dọa. Các hệ sinh thái của Việt Nam trong một số trường hợp dễ bị phá hủy và có thể dễ bị ảnh hưởng xấu do sự dao động bất thường của thời tiết.
(Nguyễn Hữu Ninh, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Giáo dục & Phát Triển, Hà Nội)
Tải về tài liệu TẠI ĐÂY:
Lượt xem : 3176