Vietnamese English
Các dòng sông trên thế giới đang bị hủy hoại vì khai thác cát

8/7/2020 7:59:00 AM

Rất khó tìm được cát tốt, nhất là với một số loại cát tốt nhất được sử dụng để sản xuất kính, bê tông và thậm chí cả iPhone vốn thường chỉ được tìm thấy ở lòng sông và bờ biển.


 

Giới nghiên cứu cảnh báo tình trạng bùng nổ khai thác cát toàn cầu đang gây hại cho một số dòng sông lớn trên thế giới khiến hàng triệu người có nguy cơ bị lũ lụt và sạt lở bờ sông.

 

Một nghiên cứu gần đây về sông Mê Kông công bố trên tạp chí Nature Sustainability minh họa rõ nét cho vấn đề này: Khai thác cát đang hạ thấp lòng sông Mê Kông, gây bất ổn bờ sông và làm thay đổi dòng chảy, đe dọa các cộng đồng và động vật hoang dã dọc theo chiề dài hơn 4.000 km của con sông.

 

Chris Hackney – nhà nghiên cứu trầm tích thuộc Đại học Hull ở Anh kiêm tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Những gì chúng tôi nhận thấy là tình trạng hạ thấp đang diễn ra khiến các bờ sông trở nên bất ổn hơn”. Điều này có nghĩa là “nhiều khả năng bờ sông sẽ sạt xuống, kéo theo cơ sở hạ tầng, nhà cửa hoặc làng mạc, đất nông nghiệp, sinh kế của người dân trôi xuống sông”.


 

 

Trầm tích bị lấy khỏi các dòng sông như sông Mê Kông nhanh hơn mức bù đắp tự nhiên,
khiến các bờ sông bị sạt lở.
(Ảnh: Corryn Wetzel)

 

Ngoài nước, các dòng sông mang theo cát, đất sét và thậm chí cả đá tảng trong dòng chảy. Khi trầm tích xuôi dòng được bổ sung trầm tích mới từ thượng nguồn sẽ tạo ra sự cân bằng xói mòn – dấu hiệu của một dòng sông khỏe mạnh. Nhưng khi cát và trầm tích sông bị nạo vét với số lượng lớn, trầm tích mới không thể bù kịp. Lấy đi quá nhiều cát có thể gây mất ổn định bờ sông và khiến dòng sông bị thay đổi, có khả năng gây ra lũ lụt.

 

“Chúng tôi thấy rằng hàng năm thâm hụt khoảng 44 triệu tấn cát giữa lượng bị lấy khỏi sông và những gì dòng sông cấp bù một cách tự nhiên”, theo Hackney.

 

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng lòng sông Mê Kông đang giảm trung bình 10 cm mỗi năm nhưng hình ảnh định vị thủy âm cho thấy sự xuất hiện của những hố khổng lồ mà Hackney cho rằng “có thể thay đổi hoàn toàn hình dạng dòng sông”. Một số hố này thậm chí rộng hơn sải cánh của một chiếc máy bay Boeing 747. Nhóm cũng phát hiện ra các rãnh dưới lòng sông sâu tới 2 mét có thể gây mất ổn định bờ sông trong mùa mưa nhưng hầu hết các hố họ tìm thấy đều sâu hơn mức này.

 

Trong trường hợp sông Mê Kông, 60 triệu người sống dựa vào lưu vực hạ nguồn ở Myanmar, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Bởi vì các nước chung dòng sông Mê Kông, một hành động của một quốc gia – như khai thác cát – sẽ tác động trực tiếp đến các quốc gia khác ở hạ nguồn. Và vấn đề không phải là duy nhất đối với sông Mê Kông bởi cát đang được khai thác từ các hệ sinh thái trên toàn cầu.

 

Một phân tích về sông Kangsabati ở Ấn Độ phát hiện ra rằng hoạt động khai thác đang thay đổi cách dòng sông chảy. Khai thác các bãi biển ở vùng Suriname đã thu hẹp bãi biển Braamspunt – sinh cảnh quan trọng cho rùa biển làm tổ. Và việc lấy cát ở bờ biển Mozambique dẫn đến lũ quét chưa từng thấy. Không lục địa nào, trừ Nam Cực có thể thoát khỏi hậu quả của cơn điên cuồng khai thác cát.

 

Việc khai thác cát sông chủ yếu đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đang bùng nổ. Cát sỏi là những thành phần cơ bản tạo thành bê tông khối và thường được sử dụng để san nền hoặc mở rộng các thành phố cảng. Hàng tỷ tấn cát được khai thác từ các hệ sinh thái nhạy cảm mỗi năm khiến cát trở thành nguồn tài nguyên được tiêu thụ nhiều thứ hai trên trái đất, chỉ sau nước.

 

“Mọi thứ không hiện rõ trước mắt bạn”, Hackney phân tích. “Ai cũng biết cát trông như thế nào nhưng khi bạn nhìn quanh thành phố, bạn không nhìn thấy các đống cát mà thấy bê tông, kính, đường sá, cơ sở hạ tầng. Cát có ở đó nhưng không hiển hiện”.

 

Chuyên gia Pascal Peduzzi thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho biết toàn cầu sử dụng khoảng 50 tỷ tấn cát sỏi mỗi năm, đủ để xây dựng một bức tường cao và rộng đều 2,7 mét vòng quanh đường xích đạo. Nhu cầu về cát là rất lớn, với khoảng 18 kg/người/ngày. Cát được sử dụng trong môi trường đô thị phổ biến đến nỗi Peduzzi gọi là “anh hùng phát triển không được công nhận”.

 

“Tốc độ mà chúng ta đang sử dụng vượt xa khả năng tái tạo của cát và bạn không thể khai thác 50 tỷ tấn bất kỳ vật liệu nào mà không ảnh hưởng lớn đến môi trường”.

 

Ai cũng nghĩ rằng cát gần như có ở khắp nơi, chỉ một số loại cát có thể sử dụng trong xây dựng. Thật không may, cát tốt nhất nhất nằm ở lòng sông, bờ biển và đáy biển – những nơi cát đều đóng vai trò sinh thái quan trọng. Loại cát này bị nước chứ không phải gió bào mòn nên hình dạng bất quy tắc lại phù hợp với bê tông trong khi cát sa mạc bị coi là quá mịn.

 

Nhà sinh thái học Aurora Torres thuộc Đại học Catholique de Louvain ở Bỉ và không tham gia vào nghiên cứu cho rằng thiếu chế tài và giám sát là nguyên nhân khiến nạn khai thác cát tràn lan. Thị trường ngầm về cát phát triển mạnh một phần bởi vì bất kỳ ai cũng có thể khai thác và tương đối dễ vận chuyển. Ngay cả khi có các chế tài thì để thực thi cũng là thách thức không nhỏ.

 

Hai cách để giảm rủi ro là giảm nhu cầu cát bằng cách tái chế bê tông và khai thác ở chính giữa các con sông, cách xa các bờ sông, theo Torres và Hackney.

 

Nhóm của Hackney hy vọng sẽ sử dụng hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao để phát hiện các tàu khai thác và theo dõi những nơi khai thác (hợp pháp hoặc phi pháp) trên sông Mê Kông.

 

“Thật không may, cát là một trong những tài nguyên mà chúng ta luôn cần. Tôi nghĩ điều quan trọng cần nhận ra là mặc dù chúng ta cần cát nhưng phải khai thác theo cách không gây hại cho môi trường”, Hackney chia sẻ.

Thế Anh (Theo Scienceline)

Lượt xem : 1965