Các chuyên gia sinh học của VACNE nhanh chóng về Hoài Đức (Hà Nội) tìm nguyên nhân gây khô héo Cây Di sản Việt Nam
10/2/2014 9:44:00 PM
(VACNE) – Ngay sau khi nhận được thông tin cây Gạo cổ thụ ở thôn Lũng Kênh, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức (Hà Nội) bị khô héo, Hội BVTN&MT Việt Nam (VACNE) đã cử đoàn chuyên gia Sinh học, do GSTSKH Đặng Huy Huỳnh dẫn đầu về tìm hiểu nguyên nhân và kịp thời tư vấn cách chăm sóc cho địa phương.
Đây là cây Gạo hơn 350 năm tuổi đã được Hội công nhận là Cây di sản Việt Nam từ cuối năm 2012, được bà con trong vùng rất quan tâm và coi đây là niềm tự hào của địa phương.
Ông Lê Thiên Cải, Bí thư Chi bộ Đảng và ông Hoàng Tiến Thìn, trưởng thôn Lũng Kênh, cùng đông đảo các cụ cao tuổi địa phương đã tiếp Đoàn và báo cáo tình trạng nguy kịch của cây; đồng thời bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng, các nhà khoa học tư vấn, hỗ trợ cứu cây.
Bà Lê Thị Lãng, thủ nhang đền Lũng Kinh cho biết thêm: Cách đây hơn một năm, cây đã có hiện tượng rụng lá, một số cành bị khô, mọi người đều rất lo lắng. Nhưng nhờ có người mách bảo kinh nghiệm, nhân dân đã dỡ bỏ gạch đá, bệ xi măng đè sát gốc cây. Các bà, các chị còn dùng nước vo gạo, pha với nước tinh khiết thường xuyên tưới cho cây; đồng thời ngay sau đó chính quyền thôn đã mời chuyên gia nông nghiệp về phun thuốc kích thích, nên cây đã đâm chồi này lộc trở lại. Song những tháng gần đây, cây bắt đầu khô cành và héo lộc, làm cho cả cộng đồng lo lắng. Mọi người đều cho rằng: nguyên nhân là do sự chèn ép và bị ngộ độc những chất thải sinh hoạt, chất thải kinh doanh xung quanh gốc cây.
Sau khi khảo sát trực tiếp, các chuyên gia của Hội BVTN&MT Việt Nam cũng đồng quan điểm và thừa nhận sự tinh tường của người dân, song muốn xác định nguyên nhân chính xác, cần phải có sự xem xét kỹ lưỡng, có phân tích khoa học. Vì thế, các nhà khoa học đã tư vấn cho bà con: trước mắt, phải ngăn chặn ngay những tác nhân gây hại; đồng thời cũng cảnh báo về sự chăm sóc quá mức, không khoa học cũng sẽ gây tổn hại cây. Đặc biệt, lúc này tất cả các cành của cây Gạo này đều xơ xác, trong đó có nhiều cành đã khô. Trên thân, gốc và một số cành to đã có nhiều chỗ bị ấu trùng của xén tóc tấn công, đục khoét. Cho nên việc cứu cây lúc này hết sức khẩn cấp và VACNE sẽ mời chuyên gia về bệnh cây Lâm nghiệp tới hỗ trợ bà con./.
Văn phòng VACNE.
Lượt xem : 1564