Vietnamese English
Các chuyên gia Hội BVTN&MT Việt Nam phối hợp với cộng đồng chăm sóc, chữa bệnh kịp thời cho nhiều Cây Di sản

5/27/2016 7:35:00 AM

(VACNE) - Mới đây, các chuyên gia Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Việt Nam, Hội BVTN&MT tỉnh Phú Thọ, tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với bà con địa phương, lên phương án chăm sóc và chữa bệnh kịp thời cho nhiều cây Di sản bị suy kiệt.


Sáng nay (26/5/2016) các chuyên gia sinh học, lâm học và bảo vệ thực vật đã về trường THCS Nguyệt Đức (Thuận Thành – Bắc Ninh) khảo sát, tư vấn trực tiếp cho địa phương khẩn cấp cứu cây Trôi nghìn tuổi đang bị mối xâm hại, sâu đục thân và nhiều cành bị khô héo, rụng lá. GS.TS Phạm Văn Lầm và chuyên gia lâm học Vũ Văn Dũng đều cho rằng: sự suy kiệt của cây do tuổi tác quá cao là điều khó tránh khỏi. Nhưng nguyên nhân chăm sóc chưa tốt và tác động của con người trong thời gian gần đây, khi xây dựng trường mới là rất đáng quan tâm. Các chuyên gia yêu cầu: song hành với việc xây dựng phương án tổng thể về chăm sóc, bảo vệ cây, đề nghị địa phương phải nhanh chóng dọn dẹp phần thực bì ký sinh, cây Đa phụ sinh trên cành ngọn và những cây bụi rậm rạp xung quanh gốc, tạo sự thông thoáng cho cây. Trong khi chờ đợi các đơn vị kỹ thuật tới hợp đồng diệt mối, diệt ấu trùng xén tóc đục thân; đưa một số loài nấm đối kháng để diệt nấm gây thối, rỗng ruột cây…địa phương có thể bón phân gà hoai mục để bổ sung dinh dưỡng cho cây và cũng là tác nhân ức chế nấm gây bệnh thối rễ cây.


 


Trước đó 1 ngày, các vị lãnh đạo và chuyên gia của Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Việt Nam và tỉnh Phú Thọ đã về xã Trưng Vương thành phố Việt Trì, cùng phối hơp với lãnh đạo địa phương, Ban quản lý khu di tích đền Thiên Cổ, cùng đúc rút kinh nghiệm và lên phương án cứu cây Táu hơn 2.100 tuổi được vinh danh Cây Di sản Việt Nam cách đây 5 năm đang có nguy cơ bị chết.


Sau khi nghe báo cáo thực tế về quá trình chăm sóc cây của đại diện Ban quản lý di tích, của chính quyền địa phương và những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE đánh giá rất cao những cố gắng của chính quyền địa phương và Ban quản lý Đền trong việc triển khai 5 khuyến nghị tại Hội nghị Chăm sóc Cây Di sản Việt Nam diễn ra tại đây 3 năm, đã góp phần kéo dài tuổi thọ của cây, để tới nay cây Táu hoa vàng không còn bị tơ xanh ký sinh, đang phát triển rất tốt, ra hoa rực rỡ. Đặc biệt là sự đồng lòng của người dân trong việc dỡ bỏ phần bê tông, những khối đất thừa chèn ép gốc và đẩy đường ra xa để hạn chế tác động đến rễ cây. Đây là biểu hiện rất mới về nhận thức của cán bộ, nhân dân trong việc bảo vệ cây cổ thụ. Nó không chỉ có ở xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) mà đã lan tỏa rộng khắp trong cả nước. Mọi người đã nhận thức đúng đắn hơn về vai trò của cây cổ thụ, cây Di sản.


Trước thực trạng, gần đây một số cành non đã nảy lộc, nhưng có nhiều cành lá của cây Táu hoa bạc hơn 2100 năm tuổi ở miếu Thiên Cổ bị héo dần, Ban quản lý Di tích và Hội BVTN&MT tỉnh Phú Thọ đã kiến nghị với Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam tiếp tục mời các chuyên gia khảo sát và  bàn phương án trị bệnh cho cây. Tại đây, các nhà khoa học cho rằng phải khẩn trương cứu cây Táu này, trước khi quá muộn.


Các chuyên gia cho rằng: phải lập tức ngăn chặn những xe tải trọng lớn chạy qua đường dân sinh trước cửa Đền – nơi có rễ cây xuyên qua. Nhanh chóng loại bỏ những cây thực bì ký sinh và phụ sinh trên cành ngọn; cắt bớt cành khô, đồng thời trám những lỗ mục trên thân ngăn nước đọng và dọn bớt phần thực bì đang lấp phần cổ rễ sát thân cây. Cùng với việc hạn chế sử dụng phân hóa học, bổ sung phân bón hữu cơ, Ban quản lý Di tích Đền cần phối hợp với các đơn vị dịch vụ bảo vệ thực vật sử dụng các chế phẩm như Agri-foss 400 để hạn chế nấm gây thối rễ, rỗng thân cây.


Trong tháng 4/2016, ngay sau khi nhận được thông tin: một trong 2 cây long não tại Biệt điện Bảo Đại, thành phố Buôn Ma Thuột được công nhận là Cây Di sản Việt Nam đã bị chết cành, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã xin ý kiến giới chuyên môn và sau đó gửi công văn chỉ đạo Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Tỉnh Đắk Lắk cùng phối hợp với Viện nghiên cứu lâm nghiệp Eakmát triển khai ngay các giải pháp cần thiết để cứu cây.


Không chỉ  huy động lực lượng chuyên gia của mình, cách đây hơn một tháng (ngày 19/4/2016) PGS.TS. Phạm Quang Thu, ủy viên Hội đồng Cây Di sản và Phó Văn phòng Hội còn vận động chuyên gia n
ước ngoài (GS.TS Paul Barber của Ôx-trây-li-a) đến khảo sát, tư vấn miễn phí  cho người dân phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) về cách chăm sóc và trị  bệnh cho 3 cây muỗm ở đền Sóc đang bị sâu hại và có biểu hiện khô héo lá.


Có thể nói: khi có cây cổ thụ -Cây Di sản Việt Nam bị bệnh là cả cộng đồng khoa học và người dân, đều cùng vào cuộc./.

 

Văn phòng VACNE

Lượt xem : 2976