Các bức họa trăm tuổi tiết lộ manh mối những giống cây đã mất
12/14/2024 9:22:00 AM
Các bức họa thời Phục hưng, các kho lưu trữ Trung cổ, những vườn cây ở tu viện – là nơi một nhà khoa học Ý khám phá bí mật có thể giúp ứng phó với khủng hoảng nông nghiệp đang ngày một gia tăng.
ng.
Khi Isabella Dalla Ragione ngắm một bức họa thời Phục hưng, bà không quan tâm ngay lập tức đến những nét cọ hay sự tráng lệ của hình ảnh như một khách thưởng lãm thông thường. Điều bà tìm là một loại trái cây.
Bảo tàng Tranh Quốc gia Umbria nguyên là một lâu đài đá thế kỷ 14 nằm trên thành phố trên đồi ở Perugia. Umbria, một vùng trung Ý cạnh Tuscany, được biết đến với những không gian xanh trong lành, thành phố trên đỉnh đồi và những tàn tích thời Etruscan, La Mã hơn là về nghệ thuật. Nhưng những họa sĩ Ý thời Phục hưng đã tới các vùng này, một số tác phẩm của họ đã khắc họa Perugia. Trong bảo tàng có một số kiệt tác của Gentile da Fabriano, Benozzo Gozzoli, Piero della Francesca… Bức Madonna (Đức mẹ) của Piero della Francesca, một nghệ sĩ bậc thầy thế kỷ 15, miêu tả Đức mẹ trong chiếc váy màu xanh lam sẫm, bế lấy Chúa hài đồng. Dalla Ragione chú ý đến một khối nhỏ trong bàn tay nhỏ xíu của Chúa hài đồng: những quả anh đào màu đỏ nhạt pha chút trắng – anh đào acquaiola, một giống gần như đã biến mất khỏi Ý. Dịch quả của chúng được ví như máu của Chúa.
Dalla Ragione ở tuổi 67 thúc giục mọi người xem những bức họa khác, “Madonna with Child”, một kiệt tác khác của Bernardino di Betto, hay còn gọi là Pintoricchio, vẽ vào năm 1495 hoặc 1496. Tất cả ánh lên màu xanh lam, đỏ và vàng. “Hãy nhìn đây”, bà nói và chỉ vào bên dưới bức họa. Ngay ở dưới áo choàng màu xanh của Đức mẹ là ba quả táo xương xẩu, hình dạng không giống loại táo nào bán ở ngoài chợ.
Với Dalla Ragione, những quả táo này, trong đó có một giống mà khoa học gọi là api piccola, tái hiện một điểm chính của thứ nông nghiệp hoa trái đang biến mất ở Ý, với những đặc trưng không có ở các loại táo ngày nay: giòn và chua, có thể bảo quản chúng ở nhiệt độ phòng trong vòng bảy tháng, giữ được chất lượng tuyệt hảo không cần tủ lạnh. Những quả táo không hấp dẫn đó là một trong nhiều giống mà Dalla Ragione, một chuyên gia về cây ăn quả tiên phong bậc nhất Ý, đã nhận diện là từng được trồng rộng rãi vào thế kỷ 16 – và gần như biến mất trong thế kỷ 21, khi đa dạng di truyền ở các vùng trồng cây ăn quả của Ý tiếp tục bị mất mát.
Dalla Ragione đã dành hơn một thập kỷ để tìm hiểu các kiệt tác thế kỷ 15 và 16 để trả lời một trong những câu hỏi lớn bậc nhất của nông nghiệp Ý: bất kể điều gì xảy ra với chọn lọc khủng khiếp của cây ăn quả trong nhiều thế kỷ có là một phần quan trọng trong ẩm thực và văn hóa Ý? Bà đã tái khám phá những cây ăn quả trong các kho lưu trữ và hội họa, sau đó trong cả những địa điểm đã bị lãng quên của Ý. Tổ chức của bà, Archeologia Arborea, hỗ trợ nông dân và cơ quan chính phủ trên khắp thế giới bảo tồn và thậm chí mang nhiều giống đã bị lãng quên trồng trọt trở lại. Dalla Ragione đã ghi nhận: các tác phẩm Ý Phục hưng không chỉ như một biệt lệ văn hóa cần được bảo tồn mà còn ẩn giấu những thông điệp về một kỷ nguyên đa dạng di truyền đã qua.
Sáu thế kỷ trước, Ý có hàng trăm giống cây trồng đối với từng loại cây ăn quả, mỗi giống đáp ứng với điều kiện sinh thái cụ thể. Các giống táo, lê và anh đào khắp Umbria đều có nét khác so với giống ở Venetian, Florentine hay Piedmont. Đến thế kỷ 20, Ý là mái nhà của ít nhất 1.000 giống lê, theo Dalla Ragione. Hiện Ý vẫn là một trong những vùng trồng lê hàng đầu của châu Âu. Cả lê và táo đều có bốn giống chiếm hơn 70% vùng trồng so với con số hàng trăm giống trước đó cả thế kỷ. Atlas đa dạng sinh học 2020 của Bộ Nông nghiệp Ý ghi lại diễn biến hàng tá, nếu không nói hàng trăm, giống đào, anh đào và mơ từng được trồng trên nhiều vùng đã bị giảm xuống, nay chỉ còn vài giống.
Sự mất mát này cho thấy những thế kỷ mất mát của tính thích ứng đã mã hóa trong các gene của cây trái theo năm tháng. Mario Marino, một nhà nông nghiệp làm việc với Bộ phận Biến đổi khí hậu của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, cho rằng việc tái khám phá hậu duệ của những cây cổ sẽ là yếu tố chính cho năng lực ứng phó với những hệ quả bất định và cực đoan của biến đổi khí hậu.
Các tác phẩm Ý Phục hưng không chỉ như một biệt lệ văn hóa cần được bảo tồn mà còn ẩn giấu những thông điệp về một kỷ nguyên đa dạng di truyền đã qua.
Một trong vài nơi có thể tìm thấy giống cổ là ở trên các ngọn đồi ven sông Tiber, trong khu vườn quanh ngôi nhà của gia đình Dalla Ragione. Tám thế kỷ trước, đó là một nhà thờ đá La Mã. Vào giữa những năm 1400, nó được chuyển thành tu viện. Khu vườn trải dài xuống ven sông, gồm 600 gốc cây của 150 giống, riêng táo là 43 giống. Bàn làm việc của Dalla Ragione toàn sách và tài liệu nghiên cứu, trong đó có cuốn sách 600 tuổi về nông nghiệp, các báo cáo của các tổ chức về các mùa vụ. “Đây là cuốn sách về Bellini”, bà chỉ một cuốn, trong đó có in bức Madonna col Bambino hay Madonna della Pera (Đức mẹ với Chúa hài đồng, hay Đức mẹ với trái lê). “Đây không phải là lê mà là táo!”, bà nói về sai lầm mà mình phát hiện ra. Đó là một quả táo “mũi bò” từng phổ biến sáu thế kỷ trước nhưng vô cùng hiếm ngày nay.
Sự kết nối sâu sắc của Dalla Ragione với mảnh đất này là thông qua cha mình, Livio Dalla Ragione, lớn lên ở ngôi làng Trung cổ ở Città di Castello. Sau khi tham gia phong trào nghệ thuật Arte Materica, ông trở lại Umbria, dạy nghệ thuật ở trường đại học địa phương, tìm hiểu đời sống thôn dã, nơi bắt đầu chứng kiến sự thay thế các trang trại truyền thống bằng các trang trại công nghiệp, nông dân bỏ trang trại vào thành phố kiếm sống. Livio lên kế hoạch cho trang trại của gia đình với các giống địa phương và lập bảo tàng nghệ thuật dân gian mà giờ vẫn còn mở cửa ở Città di Castello.
Dalla Ragione tốt nghiệp ngành nông nghiệp ở ĐH Perugia song song với nghiên cứu về sân khấu. Mọi việc đổi chiều vào những năm 1980, khi sự phát triển của các trang trại quy mô công nghiệp ở Ý đã làm suy giảm sự đa dạng mùa vụ, vì các hạt giống chọn lọc di truyền đã thay thế giống của vùng. Các cây trái địa phương biến mất khỏi trang trại và chợ; hàng trăm người làm giống địa phương không thể cạnh tranh nổi. Ngay từ đó, Dalla Ragione đã từ giã nhà hát và tập trung vào các giống cây.
Bà theo chân cha mình đi phỏng vấn các nông dân của vùng về sự mất mát và biến mất của các giống “Không ai ở những ngày ấy có thể nói về sự đa dạng sinh học hoặc xói mòn giống”. Năm 1989, bà và cha mình lập Archeologia Arborea, nơi tài trợ cho nghiên cứu về các giống mất mát.
Livio đã kết hợp nghệ thuật và trồng trọt thành một dạng dân tộc học ứng tác (improvised anthropology), còn Dalla Ragione cho rằng ông đã khơi gợi cách tiếp cận liên ngành mà bà theo đuổi hiện nay, kết hợp khoa học cây trồng với lịch sử nghệ thuật, công việc tìm kiếm trong các kho lưu trữ và ngay cả chuyện kể trong nhà hát để giúp bà truyền đạt lại cho sinh viên, các nhà nghiên cứu và công chúng. Sau khi cha qua đời vào năm 2007, bà nói “Tôi tiếp tục nghiên cứu nhưng bổ sung khoa học nhiều hơn”.
Bà làm việc như một nhà nông học trong các chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học của quốc gia, trong đó có tìm kiếm hậu duệ của các giống cổ của vùng. Năm 2006, nghiên cứu đã đưa bà tới palazzo, tòa nhà từng thuộc về gia tộc lãnh chúa Bufalini vào thế kỷ 16. Dalla Ragione đã phát hiện ra những kiểm kê mùa vụ của nông dân thuộc gia tộc này, các báo cáo của người làm vườn, hồ sơ buôn bán hàng thế kỷ trước… Một bản ghi 65 giống cây mà Bufalinis trồng 600 năm trước, bao gồm hai tá giống lê và táo như pera del Duca di Cortona, mele incarnate di Sestino. Một mỏ vàng về tên và miêu tả các giống cây ăn quả.
Thậm chí, Dalla Ragione còn nhìn thấy điểm xuyết bên các biểu tượng tôn giáo và thần thoại trang trí trong căn phòng là các cây lê, táo và mơ. “Khoảnh khắc đó khiến tôi hiểu vòng tròn kết nối giữa tài liệu, tranh tường và hoa trái thực”, bà nói
Hoa trái hóa ra có ở khắp mọi nơi. Bà nhận ra là hội họa không chỉ là nghệ thuật, nó là bằng chứng về cây trái hơn hàng thế kỷ trước. Chúng cũng là bằng chứng của cây trái đang được trồng trong vườn có thể là hậu duệ của những giống được vẽ trên tranh tường mà bà tình cờ bắt gặp.
Bà hiểu mình may mắn thế nào khi làm việc ở Ý, nơi là trung tâm của hội họa Phục hưng. Trước thế kỷ 15, hầu hết các tác phẩm nghệ thuật châu Âu đều tập trung vào hình ảnh thần thoại hoặc tôn giáo nhưng đã chuyển hướng trong thời kỳ Trung cổ. Nhiều nghệ sĩ sống trong các xã hội nông thôn bắt đầu vẽ phong cảnh tự nhiên và miêu tả nó chính xác. Và cây trái thường mang nghĩa biểu tượng – anh đào là máu của Chúa, lê là biểu tượng của thiên đường… Các họa sĩ cần mô tả chính xác, vì vậy thông điệp từ các bức họa phải đến với mọi người, giàu cũng như nghèo”. Chính xác như thật có nghĩa là sắp đặt thân cây, hình dạng của nó hoặc màu sắc của vỏ quả không chỉ những loài mà còn là giống – đó là sự khác biệt giữa lê và táo cũng như sự khác biệt giữa giống táo này với giống táo khác. Những trào lưu nghệ thuật sau này rút cục đã ưu tiên trí tưởng tượng hơn độ chính xác hình dạng thực nên đã loại bỏ độ chính xác trong miêu tả đi.
Vào năm 2017, Dalla Ragione trở thành tiến sĩ đa dạng sinh học ở trường Perugia với luận văn tập trung vào phân tích các hệ gene của hàng trăm giống táo và dẫn đến một phát hiện đáng chú ý: các giống lê cổ hơn, trước thế kỷ 15, có nhiều allele hơn – nghĩa là đa dạng di truyền hơn – các giống thế kỷ 21. “Đó là sự đa dạng”, theo Lorenzo Raggi, nhà di truyền nông nghiệp và công nghệ sinh học ở ĐH Perugia, “có thể chuyển thành một năng lực thích ứng lớn hơn với những điều kiện khác nhau”. Sự đa dạng di truyền này cũng có nghĩa những sự khác biệt lớn giữa chính các loại quả, ngay cả khi cùng trên một cây. Nó đem đến cho nhiều giống năng lực thích ứng với những điều kiện môi trường thay đổi, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chúng giúp các cây sống sót trước những loại sâu hại mới và các điều kiện thời tiết thay đổi.
Dalla Ragione thích coi đa dạng sinh học trong một trang trại như một cuốn từ điển. Nông nghiệp hiện tại, với phạm vi di truyền giới hạn, phụ thuộc vào cuốn từ điển này: “Nông nghiệp theo xu hướng công nghiệp hóa tạo ra một vài giống có năng suất cao trong những điều kiện chính xác, với nhiều loại phân bón hóa học và nhiều nước. Các giống có thể cho trái lớn hơn và màu sắc sống động hơn nhưng lại ít gene hơn – chỉ vài chữ. Tài sản di truyền của chúng quá đơn giản. Nếu bạn nêu một câu hỏi đúng thì chúng có thể trả lời ngay bởi vì chúng chỉ có bốn, năm hoặc có thể mười chữ là cùng. Nhưng nếu bạn đặt câu hỏi khác – như hạn hán hoặc khí hậu thay đổi hay các tình trạng khác thì chúng không thể trả lời được vì chúng không đủ sự phong phú di truyền để trả lời. Các giống cũ là một cuốn từ điển lớn, có nhiều chữ để trả lời những câu hỏi mới”.
Dalla Ragione nhận ra là hội họa không chỉ là nghệ thuật, nó là bằng chứng về cây trái hơn hàng thế kỷ trước. Chúng cũng là bằng chứng của cây trái đang được trồng trong vườn có thể là hậu duệ của những giống được vẽ trên tranh tường mà bà tình cờ bắt gặp.
Để tận dụng những ‘câu trả lời” di truyền đó, cần tái khám phá chúng không chỉ trong những bức họa hay các bản kiểm kê cổ mà còn cả trong đất. “Đa dạng sinh học là động lực, nó không thể bảo vệ như một vật thể, như một bức họa”, Dalla Ragione nói. “Bạn không thể phục hồi một hệ sinh thái bằng việc đặt vào đó những giống lấy từ tủ lạnh!”
Thật may mắn là miền Trung Ý là một trong những vùng màu mỡ nhất đất nước và tập trung nhiều ngôi nhà thờ cổ. Kết quả là vùng này đặc biệt nhiều các tu viện có những khu vườn cổ, thoát khỏi lưỡi hái nông nghiệp công nghiệp hóa. Ở đó, bà đã tìm thấy những cây mình tìm kiếm bấy lâu, từng được trồng nhiều thế kỷ trước. Qua nhiều năm, cây cối đã già cỗi và sản sinh nhiều thế hệ con cháu. Nhiều giống là hậu duệ trực hệ của những cây trong các bức họa Dalla Ragione yêu quý. Trên các nhánh cành của chúng lúc lỉu những quả – không đáp ứng tiêu chuẩn thị trường nhưng là giống gốc và thi thoảng cũng rất ngon.
Tại một số tu viện, Dalla Ragione tìm thấy hồ sơ và ghi chép về những cây trồng trong vườn. “Các thầy tu và sơ có thời gian ghi chép. Họ ghi lại cách họ trồng trọt, những gì họ mang về và loại hoa quả nào họ thường đãi khách”.
Dalla Ragione hy vọng từ những giống cổ với sự bền bỉ qua năm tháng sẽ chỉ ra một tương lai bền vững cho cây ăn trái Ý trong một khí hậu biến đổi. Hiện tại, nhiệt độ trung bình của Ý đã phá vỡ các kỷ lục trong quá khứ, được dự báo sẽ tăng lên 2oC vào năm 2050, theo Atlas Rủi ro khí hậu. Sóng nhiệt sẽ càng nóng hơn, kéo dài hơn trong khi tần suất hạn hán có thể tăng lên 50%. Mùa hè vừa rồi báo hiệu cho những điều kiện đó. Nhiệt độ và hạn hán làm nhiều nông dân ở quanh nơi làm việc của Dalla Ragione tuyệt vọng. Trong khi đó, nấm, sâu hại bám sau nhiệt. Và mặt bên kia của hạn hán – sóng nhiệt làm gia tăng sự bốc hơi – có thể dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan khác, ví dụ mùa xuân vừa rồi, mưa lớn và lũ lụt đã xuất hiện ở Tuscany.
Chúng ta cần những giống cổ đó để trả lời những vấn đề của tương lai. Không có chúng, không có gốc rễ, chúng ta chỉ tồn tại vô định và chảy trôi theo bất cứ hướng gió nào.
—–
Hy vọng từ những giống cổ với sự bền bỉ qua năm tháng sẽ chỉ ra một tương lai bền vững cho cây ăn trái Ý trong một khí hậu biến đổi.
Những cực đoan khí hậu đó gia tốc trong cái mà các nhà khoa học cảnh báo là kết hợp khủng hoảng khí hậu và khủng hoảng đa dạng sinh học. Cả hai đều có liên kết: các hệ thống đa dạng sinh học làm gia tăng độ màu mỡ cho đất đai, làm tăng sức bền chống lại các hiện tượng cực đoan. Nhưng đa dạng sinh học ở ý cũng như nhiều nơi khác đang mất dần. Khoảng 42% cây ăn trái Ý đối mặt với rủi ro tuyệt chủng.
Dalla Ragione làm việc với các cơ quan vùng của Ý để thúc đẩy đa dạng nông nghiệp để phản hồi với những rủi ro đó, ví dụ bà làm việc với các agricoltori custodi, những nông dân nhận được hỗ trợ để tiếp tục trồng các giống cổ, giúp chọn lọc các giống khỏe và giúp họ canh tác trong các trang trại truyền thống.
Trong khu vườn của Dalla Ragione, một cây mơ giống như cây xuất hiện trên bức tranh tường The Seven Ages of Man (Bảy giai đoạn của con người) do Gentile da Fabriano và học trò vẽ vào năm 1412 ở palazzo Trinci, Umbrian. Trong tác phẩm nghệ thuật, mỗi giai đoạn cuộc đời được tái hiện bằng một loại quả khác nhau. Có một cây lê với những cành mảnh mai và quả nhỏ xíu xuất hiện từ chồi, minh họa cho giai đoạn thơ ấu. Và bên cạnh đó, một cây đào trĩu nặng với những trái tròn căng trên bức tranh tường là biểu tượng của giai đoạn già lão.
Trên rìa của một ngọn đồi nhỏ, có một cây lê khác, quả của nó thuôn dài, giống như quả trong bức tranh tường của Bufalini. Xa về sườn dốc, trong một góc vườn cổ của cha Dalla Ragione là những cây táo – những chồi non hình thành từ những quả táo mũi hếch giống như những quả lê được gọi một cách sai lầm trong tranh của Bellini, và những quả táo thuôn dài giống quả táo trong bức Madonna của Pintoricchio, giờ đang bắt đầu chín hườm hườm trên nhiều cây. Và tại đây, trên phần vườn gần nhà bà, hầu hết là cây phỉ đều đã đạt đến độ trưởng thành như cây phỉ trong tranh tường của Fabriano. Gần đó là những cây anh đào, những chùm đỏ trắng như những quả trong bàn tay của Chúa hài đồng, đang lớn lên như những khối rung rinh trên cành.
“Tôi tự hào với gốc rễ của mình ở vùng quê này”, Dalla Ragione nói khi đi dạo quanh vườn. “Những cái cây này là lịch sử của chúng tôi. Những cái cây này cũng là tương lai của chúng tôi. Hai thập niên qua, không ai nghĩ về đa dạng sinh học. Họ cười vào mũi tôi, họ nói ‘cô thật lãng mạn khi nghiên cứu các giống cổ’. Giờ thì họ đã hiểu ra là chúng ta cần những giống cổ đó để trả lời những vấn đề của tương lai. Không có chúng, không có gốc rễ, chúng ta chỉ tồn tại vô định và chảy trôi như lá theo bất cứ hướng gió nào”.□
Tô Vân lược dịch
(tiasang.com.vn)
Lượt xem : 230