Vietnamese English
Buồn bã với những cây xanh

11/8/2014 9:13:00 AM

Ở Hà Nội, ta chạm đến, ta được chạm trở lại, ngọn nguồn đầu tiên của dấu ấn HN là cây xanh, khi nó còn hoàn toàn vô tư ở mỗi con phố, chưa bị bất cứ mục đích "thực dụng” nào tha hóa, chiếm đoạt. Hà Nội vô tận trong cây cối bốn mùa.

 
1. Cuối thu đầu đông trời trở gió. Không bão lốc giông tố mà la liệt những hàng xà cừ hàng chục năm tuổi che bóng mát trên đường Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến bị đốn gục ngổn ngang, gây bão trong lòng người Hà Nội. Hàng trăm cây cổ thụ của nhiều tuyến đường bị "bức tử” là để phục vụ xây dựng tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) dự kiến năm 2015 sẽ đi vào khai thác. Một cái giá quá đắt khó đong đếm nổi, càng khó tính được ra tiền, khi những hàng cây xanh ấy gắn bó da diết với thăng trầm lịch sử Thủ đô, kỷ niệm của cư dân Hà Nội.

 

 

 
Cây Hà Nội 
 

 
Ở Hà Nội, ta chạm đến, ta được chạm trở lại, ngọn nguồn đầu tiên của dấu ấn HN là cây xanh, khi nó còn hoàn toàn vô tư ở mỗi con phố, chưa bị bất cứ mục đích "thực dụng” nào tha hóa, chiếm đoạt. Hà Nội vô tận trong cây cối bốn mùa. Hà Nội kỳ lạ mỗi ngày, "thay lá, thay hoa, thay mãi đời ta…”. Điều giản dị ấy nhiều người sống giữa Hà Nội mà không hiểu được. Mang danh làm đẹp TP mà phá cây bằng được. 

 
2. Rừng của những người dân vùng cao bị tàn phá cho phát triển thủy điện đã nhiều. Nay đến lượt người HN hy sinh cổ thụ cho đường sắt trên cao, trước đó đã rất nhiều hồ ao kênh mương bị san phẳng cho đường xá. 

 
Vấn đề đặt ra là thế nào và đâu là giới hạn của phát triển? Chúng ta đã có một định nghĩa rất rõ ràng về những đặc tính của phát triển bền vững, tức là phải có hiệu quả kinh tế, nhưng vẫn phải đảm bảo quy tắc xã hội công bằng, bảo vệ và gìn giữ môi trường. Chẳng lẽ số phận của hàng trăm hàng ngàn hàng triệu cây xanh khắp đất nước đem lại nguồn năng lượng sống khổng lồ cho con người và cho quốc gia lại tùy thuộc vào một số dự án nào đó, để rồi bị hạ gục đồng loạt. Quy trình lựa chọn  việc giết cây cho các đại dự án lẽ nào lại đơn giản như thế. 

 
Nếu vậy thì mọi lý thuyết về phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai, thường được nói tại nhiều diễn đàn trong nước, quốc tế, khó mà tồn tại được trong thực tế, bởi nhiều con người thực hiện hoàn toàn khác.

 
3. Trong khuôn viên một một tòa soạn báo ở đường Bà Triệu Hà Nội trước những năm 90 thế kỷ trước có một cây hoa sữa đại thụ cao vút, mỗi độ vào thu ngào ngạt hương hoa thấm đẫm cả ba bốn con phố. Nhưng rồi cây sữa tuyệt đẹp ấy bị cưa bỏ vì lý do lãng xẹt, bị cho là "vướng, chật”, khi tầng một mặt tiền tòa soạn này cho một tư nhân thuê, mở siêu thị, cần phải để thoáng thêm vài mét vuông đất…. 

 
Chuyện qua đã lâu nhưng cư dân quanh phố đó vẫn giữ trong tâm tưởng cái cây hoa sữa tuyệt vời Hà Nội ấy, vẫn kinh cái người quyết định thuê Công ty Cây xanh tới cưa trong nửa giờ cái cây khỏe mạnh sum suê ấy. Ông chủ siêu thị đã hết hợp đồng thuê vài năm nay, đã qua đời… Nơi của cây hoa sữa xưa, giờ để mấy chậu cây đào ra lá vu vơ sau những mùa khoe hoa tết, thấp lùn và vô hương. Đây có thể xem là điển hình của phát triển thiếu bền vững.

 
4. Sáng qua (6-1), toàn bộ dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông phải tạm dừng thi công toàn bộ, sau khi Nhà thầu tại khu vực thi công xây dựng Nhà ga Thanh Xuân III đường Nguyễn Trãi đã để tuột rơi thanh thép gây tai nạn. Một người là học viên Học viện An ninh tử nạn, một đôi vợ chồng bị thương. 

 
Cũng sáng qua Sở Xây dựng Hà Nội họp báo cho biết 275 cây xanh trên tuyến đường Nguyễn Trãi sẽ bị chặt hạ và thay thế bằng loài cây khác. Lý do chặt hạ là gần 200 cây không đúng chủng loại cây đô thị, 58 cây cong nghiêng, sâu mục… gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị cần thay thế để đảm bảo cảnh quan… 

 
Hai sự kiện tưởng không liên quan, lại cùng gây ra một cảm giác quá bất ngờ! Ai đời trước khi cẩu thép cây lại chẳng cấm đường, cứ để thế muốn ai đi thì đi. Phải lúc xe cộ qua lại đông sẽ không biết bao mạng người oan trái. Còn cách lý giải việc chặt hạ hàng trăm cây xanh trên tuyến đường Nguyễn Trãi rất khó thuyết phục. Lẽ nào từng ấy ngày tháng không thể họp báo sự kiện thay cây, để rồi khi hàng chục vạn người dân sống và lưu thông qua tuyến đường Nguyễn Trãi "quằn mình” xót xa chứng kiến tơi tả ngổn ngang xà cừ tươi nguyên bị đốn ngã nhựa ứa bầm tím…, mới tuyên bố đốn cây là việc nâng cao chất lượng hệ thống cây bóng mát! 

 
Người yêu cây, những chuyên gia đô thị, nhà kiến trúc… chỉ còn biết than trời. 

 
5. Vẫn biết đường đô thị sẽ không chỉ hai làn phân cách, rồi sẽ có bốn năm làn xe, đường chui xuống đất, đường vượt lên cao. 

 
Nhưng ở nhiều TP của các quốc gia tiên tiến,  lại đầy ắp di sản văn hóa đô thị như ở châu Âu, người ta bắt đầu sợ sự lặng lẽ, sang trọng và tiện nghi của giao thông "lạnh”. Người ta trân trọng không gian đi bộ tấp nập qua lại, gần gũi, thân thiện, không dáo dác vùn vụt… Trên vỉa hè có ghế ngồi, đèn trang trí, hoa và mướt xanh cây cối. Quán cà phê tràn ra cả vỉa hè nắng ấm, tươi rói sinh hoạt giao tiếp cộng đồng. Đám quái vật giao thông ồn ào cần phải được nhốt lại dưới tầng hầm, những con đường dưới đất… Vậy mới là phát triển bền vững. 

 
Nếu hiểu cây xanh như những người bạn có hồn có vía, lớn lên thay đổi cùng với bước trưởng thành của Hà Nội, mọi chuyện sẽ có vẻ bớt tàn nhẫn, bớt trí trá hơn chăng trong ứng xử, trong trả giá? Tất cả bầu trời và mặt đất đô thị chỉ dành cho con người chủ nhân, cùng với cây xanh. Bày biện sao cho những vỉa hè, những con đường tươi vui, đông đúc và nhân bản hơn.

 
 
Thanh Như

Lượt xem : 2068