Bước đột phá trong xử lý chất thải rắn
12/9/2017 6:24:00 AM
Mới đây, một dây chuyền có công suất nghiền tối đa 250 tấn/giờ đã được vận hành trơn chu tại khu xử lý chất thải rắn thuộc địa bàn quận Hoàng Mai. Rõ ràng, trong bối cảnh xử lý chất thải rắn bằng biện pháp chôn lấp đang lộ rõ những bất cập thì việc lựa chọn các giải pháp công nghệ mới được coi như phương án tối ưu.
Áp lực 2.000 tấn phế thải xây dựng
Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày Hà Nội có khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt; trong đó, riêng lượng chất thải rắn xây dựng chiếm khoảng 25%. Một phần trong số đó được chuyển tới 4 bãi tập kết do các đơn vị vệ sinh môi trường xã hội hóa phối hợp với các chủ sở hữu đất lập ra để chôn lấp là Vân Nội, Nguyên Khê (Đông Anh), Vĩnh Quỳnh (Thường Tín) và bãi tại huyện Đan Phượng...
Tuy nhiên, hiện các bãi này đã quá tải và có thể đóng cửa vào năm 2017 và 2019. Năm 2011, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chủ trương lập 14 điểm tập kết, xử lý phế thải xây dựng, vậy nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có quỹ đất để bố trí thực hiện.
Dây chuyền nghiền phế thải vật liệu xây dựng RM. ảnh: Vũ Cúc
Ngoài số lượng được các đơn vị vệ sinh môi trường chở đi chôn lấp, thì hàng ngày, hàng giờ, còn một lượng lớn chất thải xây dựng do các đơn vị hoặc cá nhân không chuyên, tự phát, vận chuyển đi đổ “trộm” xuống các ao hồ hoặc bãi đất trống, thậm chí cả ở lòng lề đường, phổ biến tại các quận, huyện như Đông Anh, Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông, Thanh Trì, Gia Lâm... Nạn đổ trộm phế thải này đang làm đau đầu chính quyền các địa phương trong việc xử lý và gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.
Đáng nói, việc thu gom, vận chuyển, xử lý lượng chất thải rắn xây dựng chưa hiệu quả, thiếu những quy định cụ thể với các chế tài đủ mạnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực do chất thải này gây ra đối với môi trường. Đây cũng là nguyên nhân khiến phố phường nhếch nhác mất mỹ quan, gây ô nhiễm khói bụi. Thực tế này đòi hỏi phải có giải pháp kịp thời đối với vấn đề xử lý chất thải xây dựng. Một trong những giải pháp được UBND TP Hà Nội quan tâm hiện nay là sử dụng máy móc nghiền chất thải xây dựng nhằm 2 mục đích: tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển, xử lý và tái chế tại chỗ thành vật liệu phục vụ làm đường, nhà thấp tầng...
Công nghệ nghiền phế thải
Mới đây, một thiết bị máy nghiền chất thải rắn đã được vận hành trơn chu tại khu xử lý chất thải rắn thuộc địa bàn quận Hoàng Mai có diện tích 3 ha. Công nghệ được áp dụng là máy RM 100GO có công suất nghiền tối đa 250 tấn/giờ có khả năng xử lý đa dạng các nguyên vật liệu và phế thải xây dựng cùng hệ thống khử bụi và máng tiếp liệu dẫn tuyến tích hợp hệ thống sàng khô giúp vật liệu được đưa máy nghiền 1 cách tối ưu. Sắp tới, trong tháng 12 này công ty sẽ tiếp tục bổ sung máy tách rác, ni lông, gỗ để đảm bảo chất lượng vật liệu sau nghiền được đảm bảo trong thi công và san lấp
Theo Lãnh đạo Công ty CP Xử lý chất thải xây dựng & đầu tư phát triển môi trường Hà Nội – đơn vị vận hành máy nghiền RM 100GO cho biết, đây là một công nghệ mang tính đột phá và quan trọng hơn là nó rất phù hợp với điều kiện hiện có của Hà Nội. Máy nghiền RM có chức năng chính là nghiền nhỏ phế thải xây dựng như: gạch, đá, bê tông, nhựa đường... thành nguyên liệu dạng hạt có đường kính từ 2 - 7cm. Thành phẩm sau khi nghiền chất thải xây dựng có thể sử dụng thay cho cát đen hoặc đá dăm cấp phối dùng trong khâu trải nền đường.
Trước đó, công ty cũng đã vận hành thử nghiệm máy nghiền RM 70GO tại công trình thi công đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long. Tại đây, máy đã thể hiện rõ ưu thế nhỏ gọn, có thể di chuyển đến tận công trình; xử lý phế thải tại chỗ với công suất lên đến 120 tấn/giờ (tùy thuộc) vào loại nguyên liệu; máy chỉ cần tối thiểu một người điều khiển để vận hành tốt.
Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, việc áp dụng công nghệ nghiền chất thải xây dựng hiện vẫn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định đó là các quy định quản lý về lĩnh vực chất thải xây dựng chưa đủ hành lang pháp lý để cho các tổ chức, cá nhân thực hiện việc xử lý và tái sử dụng chất thải xây dựng này. Đặc biệt, trong dự toán thi công của các công trình xây dựng, mục chi phí xử lý chất thải xây dựng cũng chưa được đưa vào mà mới chỉ có chi phí vận chuyển chất thải.
HS ( Theo LĐTĐ )
Lượt xem : 1998