Bước đầu hợp tác thử nghiệm thành công phương pháp tẩy độc Dioxin trong đất tại A Lưới bằng công nghệ vi sinh
8/4/2017 8:04:00 PM
(VACNE) - Ngày 4/8/2017, tại trụ sở Bộ Tài nguyên - Môi trường diễn ra Hội thảo “Báo cáo kết quả thử nghiệm tẩy độc Dioxin tồn lưu trong đất tại sân bay A Sho, huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) bằng công nghệ vi sinh”, với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học và đại diện các cơ quan chức năng của Việt Nam và Hàn Quốc.
Toàn cảnh Hội thảo
Đây là kết quả của sự hợp tác giữa hai tổ chức phi chính phủ Việt Nam - Hàn Quốc, nhằm phát huy thế mạnh về công nghệ sinh học của đội ngũ khoa học Công ty sinh học của Hàn Quốc (BJC) và Hội BVTN&MT Việt Nam (VACNE), góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh do Mỹ để lại; đồng thời giảm bớt khó khăn cho người dân vùng đất đã bị nhiễm độc Dioxin.
Theo các Báo cáo giám sát, Báo cáo phản biện của các nhà khoa học đại diện VACNE, Báo cáo phân tích kết quả thử nghiệm của BJC, Viện KH&CN Hải dương Hàn Quốc (KIOS), Viện độc học Hàn Quốc (KIT): nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng của Việt Nam, đặc biệt là Bộ TN&MT, Văn phòng Ban chỉ đạo 33 và UBND huyện A Lưới, hoạt động thử nghiệm tẩy độc Dioxin tồn lưu trong đất tại sân bay A Sho, huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) bằng các chủng vi sinh: Novosphingobium pentaromativorans US6-1 và Corynebacterium variabile IC10 của Hàn Quốc đã có kết quả khả quan.
Cụ thể, đất bị ô nhiễm Dioxin của Mỹ để lại tại sân bay A Sho, huyện A Lưới sau chiến tranh đã được các nhà khoa học thử nghiệm xử lý bằng hai chủng vi khuẩn kể trên – những chủng vi sinh đã được TRBA của CHLB Đức xác định là an toàn sinh học cấp 1. Việc thử nghiệm được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, theo hai gian đoạn. Giai đoạn 1: xử lý kỵ khí trong 3 tháng và ngay sau đó chuyển sang giai đoạn 2: xử lý hiếu khí, tại địa điểm được coi là nóng nhất về Dioxin ở A Sho, dưới sự giám sát trực tiếp của cán bộ VACNE, xã Đông Sơn và huyện A Lưới (từ tháng 12/2016 đến tháng 5/2017, trên diện tích 100 m2, độ sâu 1m)
Sau khi trao đổi và nghe những báo cáo phản biện của các nhà khoa học của Việt Nam, các đại biểu dự Hội thảo gồm các vị lãnh đạo và đại diện Tổng cục Môi trường, Văn phòng 33, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, Đại học Quốc gia Hà Nội, các chuyên gia nghiên cứu độc lập nguyên là lãnh đạo Viện Hóa học quân sự, Viên Nhiệt đới Việt-Nga…. đều thống nhất công nhận: Dù có nhiều khó khăn, nhất là những bất lợi về thời tiết, bị khống chế về thời gian và kinh phí, nhưng việc thử nghiệm tẩy độc Dioxin tồn lưu trong đất tại sân bay A Sho, huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) bằng các chủng vi sinh của Hàn Quốc đã có kết quả khả quan. Hiệu suất thử nghiệm sau xử lý tới 35% (từ nồng độ Dioxin trong đất là 161,65 pg-TEQ/g xuống còn 104,93-TEQ/g).
Trên cơ sở kết quả thử nghiệm đã đạt được, các đại biểu tham dự Hội thảo đều đánh giá cao năng lực và những cố gắng của các chuyên gia Hàn Quốc ; kiến nghị các cơ quan chức năng hai nước sơm hoàn thiện các thủ tục cần thiết để công bố những kết quả nghiên cứu chính thức; đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức xã hội mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế -xa hội bền vững./.
Văn phòng VACNE
Lượt xem : 1565