Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen đầu tiên cho mục đích thương mại, phát triển sản phẩm
5/11/2020 2:50:00 PM
(VACNE)- Công ước Đa dạng sinh học (CBD) được ký ngày 5 tháng 6 năm 1992 và có hiệu lực từ 29 tháng 12 năm 1993, ngày mới đầu được chọn làm Ngày Đa dạng sinh học Quốc tế, sau đổi lại là Ngày 22 tháng 5.
Tương tự như các trường hợp khác, việc thực thi các nội dung của CBD vấp phải vô vàn khó khăn, trong đó vấn đề “Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích thu được từ nguồn gen (ABS)” thuộc loại khó nhất. Chẳng thế mà, sau hàng chục năm thảo luận, phải đến năm 2010, Nghị định thư về Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen” (gọi tắt là Nghị định thư Nagoya) mới được thông qua. Nhưng Nghị định thư Nagoya này cũng chỉ chính thức có hiệu lực vào 12 tháng 10 năm 2014, tức là 4 năm sau.
Cách đây hơn chục năm, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam được tham gia xây dựng dự thảo Luật Đa dạng sinh học, và được phân công chuyên trách vấn đề ABS. Các hội viên VACNE soạn thảo một chương riêng cho ABS, sau được lược đi một số nội dung và ghép vào chương V của Luật Đa dạng sinh học năm 2008, gọi là chương “Bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền”. Mục 1 của chương này có tên gọi “Quản lý, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen” gồm 7 điều (từ 55 đến 61), trong đó điều 59 “Giấy phép tiếp cận nguồn gen” đã được tiên liệu là sẽ rất phực tạp khi thực hiện.
Như đã biết, vào thời gian xây dựng dự thảo Luật Đa dạng sinh học, các ấn phẩm liên quan còn thiếu nhiều, đặc biệt là về ABS. Được IUCN hỗ trợ, các hội viên VACNE (GS Trần Công Khánh và TS Nguyễn Ngọc Sinh) đã viết cuốn “Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích – những bài học từ thực tiễn Việt Nam”, xuất bản năm 2005. Nhận thấy đây là vấn đề khó, các tác giả trên lại cho ra cuốn “Đường dài tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích” vào năm sau, năm 2006. Các hội viên VACNE còn xây dựng đề án muốn làm thử nghiệm việc cấp phép theo các quy định của Luật, nhưng không được chấp nhận. Đến năm 2017, VACNE rất phấn khởi khi Nghị định 59/2017/NĐ-CP “Về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen” của Chính phủ được ban hành.
Và, trong những ngày khó khăn chống dịch COVID – 19 vừa qua, một tin vui đã đến: ngày 20 tháng 4 năm 2020, lần đầu tiên,việc tiếp cận nguồn gen vì mục đích thương mại đã được cấp giấy phép, đánh dấu một bước tiến dài, khó khăn, nhưng rất quan trọng trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Dưới đây, VACNE xin trích đăng tin quan trọng này.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen đầu tiên cho mục đích thương mại, phát triển sản phẩm”
Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích nhằm đảm bảo lợi ích tối đa cho Bên cung cấp, Bên sử dụng, hệ sinh thái và cộng đồng nơi nguồn gen được tìm thấy. Nghị định số 59/2017/NĐ-CP về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen ban hành ngày 12 tháng 5 năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2017 nhằm cụ thể hóa các nội dung nói trên.
Thực hiện các nội dung của Nghị định, tính đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 03 hồ sơ đăng ký tiếp cận nguồn gen vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại. Qua quá trình thẩm định, đánh giá hồ sơ của cơ quan thường trực thẩm định, tham vấn ý kiến của chuyên gia và các phiên họp của Hội đồng thẩm định hồ sơ, ngày 20 tháng 4 năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 963/QĐ-BTNMT về việc cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại. Đây là Giấy phép tiếp cận nguồn gen đầu tiên tại Việt Nam được cấp cho mục đích thương mại, phát triển sản phẩm. Bên sử dụng là một Công ty mỹ phẩm tại châu Âu xin tiếp cận nguồn gen Đan sâm (Salvia miltiorrhiza) để nghiên cứu đặc tính sinh học sử dụng trong mỹ phẩm. Bên cung cấp là công ty tư nhân tại địa phương chuyên canh tác các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu.
Bên tiếp cận đã tuân thủ các quy định tại Nghị định số 59/2017/NĐ-CP trong việc tiếp cận nguồn gen và cam kết chia sẻ lợi ích bằng tiền là 1% (một phần trăm) tổng doanh thu hàng năm của các sản phẩm mỹ phẩm được phát triển từ nguồn gen đã tiếp cận…
Ngoài ra, Bên tiếp cận trong quá trình sử dụng nguồn gen sẽ phải tuân thủ các quy định về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích của Việt Nam, trong đó phải thực hiện việc báo cáo về việc sử dụng nguồn gen theo quy định tại Điều 25 của Nghị định số 59/2017/NĐ-CP.
…Với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Nghị định thư Nagoya, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải một số nội dung cơ bản của Giấy phép tiếp cận nguồn gen trên Cổng trao đổi thông tin điện tử về ABS do Ban thư ký Công ước Đa dạng sinh học vận hành để công bố Giấy chứng nhận tuân thủ quốc tế về ABS theo quy định tại Nghị định thư Nagoya. Chứng nhận tuân thủ quốc tế tại đường link: https://absch.cbd.int/pdf/ircc-certificate/absPermit/ABSCH-IRCC-VN-249800/1”
Nguồn: Dự án ABS của Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ TN&MT
Lượt xem : 1413