Vietnamese English
Bình Thuận: Phát triển “xanh”, phải bảo vệ tốt môi trường

9/22/2022 7:24:00 AM

Để phát triển “xanh”, chắc chắn công tác bảo vệ môi trường phải là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách và lâu dài, vì thực tế Bình Thuận vẫn còn đối mặt với quá nhiều khó khăn, thách thức đối với vấn đề về môi trường.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm NovaWorld Phan Thiet.

Thực tế cho thấy, Bình Thuận luôn phải đối mặt với rất nhiều thách thức đối với vấn đề về môi trường nói chung và trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường nói riêng. Đó là sự suy thoái môi trường gay gắt. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã gây ra triều cường, lũ, lụt, mưa, bão với cường độ ngày càng lớn, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Tình trạng ô nhiễm môi trường đang lan rộng, việc quản lý khai thác tài nguyên thiên nhiên có nơi còn thiếu kiểm soát. Hằng năm, Bình Thuận phải hứng chịu hàng chục cơn bão, mưa lũ gây thiệt hại rất lớn, thành quả xây dựng và phát triển của địa phương trong nhiều năm chỉ sau một đợt thiên tai có thể mất tất cả nếu không dự báo đúng và có biện pháp ứng phó kịp thời. Những vấn đề nêu trên nếu không có giải pháp cấp thiết, thỏa đáng sẽ là lực cản lớn đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, là rào cản lớn để tỉnh tiến tới phát triển nhanh, xanh, bền vững…

Điểm lại kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường của Bình Thuận trong những năm qua, cùng với cả nước, Bình Thuận cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đó là hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được hoàn thiện, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường được tăng cường. Các điều kiện cơ bản, thiết yếu làm tiền đề, tạo thế và lực cho công tác bảo vệ môi trường thời gian tới đã được đáp ứng. Ý thức, trách nhiệm của xã hội trong công tác bảo vệ môi trường được nâng cao. Nhiều vấn đề môi trường bức xúc, kéo dài được giải quyết. Các giải pháp bảo vệ môi trường trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội đã được quan tâm đầu tư thực hiện. Tỉnh cũng đã huy động được nhiều nguồn lực để từng bước chủ động bảo vệ, cải thiện môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Vẻ đẹp hoang sơ của Cù Lao Câu gợi mở cho địa phương xây dựng phát triển sản phẩm "Du lịch xanh" đặc sắc và hút khách. Ảnh: Q.Tín

Song để tỉnh nhà phát triển nhanh, xanh, bền vững theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đặc biệt là phát triển “xanh” thì tỉnh nhà cần phải thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới. Theo đó, nhiệm vụ hàng đầu của các cấp, các ngành, các địa phương phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường. Tập trung triển khai kịp thời, đầy đủ và chặt chẽ Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, trong đó chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Khẩn trương tổ chức thực hiện Dự án “Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bình Thuận”. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết. Chủ động triển khai các phương án, biện pháp phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Quan tâm chống xâm thực bờ biển tại các khu du lịch, khu dân cư ven biển; tiếp tục thực hiện tốt công tác nạo vét cửa sông, cửa biển, khơi thông luồng lạch cho tàu thuyền; thực hiện kịp thời các giải pháp chống hạn cho sản xuất và sinh hoạt. Tổ chức đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường, công khai kết quả đánh giá để tiếp tục có giải pháp phù hợp cho từng khu vực. Cùng với đó, các ngành chức năng phải nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án cải tạo phục hồi môi trường, cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải để phòng ngừa, giảm thiểu tác động đến môi trường ngay từ khâu xem xét, phê duyệt dự án đầu tư. Kiên quyết không cho phép các dự án triển khai xây dựng và đi vào hoạt động khi chưa được xem xét thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Kiểm soát chặt chẽ cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và các nguồn xả thải; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả biện pháp đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động hoặc buộc di dời theo quy định pháp luật. Thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, cơ sở dịch vụ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các khu dân cư tập trung. Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng tiết kiệm năng lượng. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa việc thu gom, xử lý rác thải, chất thải. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường. Phát hiện, cảnh báo và xử lý các trường hợp gây ô nhiễm môi trường tại các địa phương. Khuyến khích, động viên nhân dân nâng cao ý thức và tự giác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh môi trường, chuồng trại chăn nuôi, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh.

Bảo Tín

Nguồn: Báo Bình Thuận - baobinhthuan.com.vn

Lượt xem : 1590