|
Ảnh Ngọc Lân |
|
Đẩy lùi sa mạc hóa, giúp nhân dân trong vùng canh tác tốt hơn là mục tiêu của nhiều dự án từ trước đến nay, nhưng chưa có dự án nào thành công mỹ mãn. Tuy nhiên, dự án trữ nước mưa trên đồi cát ở xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình (Bình thuận), do Hội Làm vườn tỉnh Bình Thuận chủ trì đã được nhân dân trong vùng đánh giá cao. Dự án được Bộ Khoa học và Công nghệ; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao tặng Bằng khen và Cúp vàng cho tính sáng tạo, hiệu quả của nó.
|
Nhờ những cố gắng không ngừng của những người làm dự án, đến nay xã Hồng Phong đã có một hệ thống thu trữ nước mưa trên cát và hệ thống tưới bổ sung vào mùa khô gồm 29 hồ xi măng chứa nước, mỗi hồ từ 7 m3 đến 17 m3; trồng được hơn 2.000 cây xoan chịu hạn và 4.500 cây dầu lai. Thành công bước đầu của mô hình là căn cứ khoa học đáng tin cậy cho việc cải tạo, phát triển sinh thái bền vững và cần được nhân rộng cho hơn 52.000 ha đất sa mạc hoang hóa ven biển Bình Thuận. Những vùng đất cằn cỗi đã dần biến mất và thay vào đó là màu xanh bạt ngàn của một sức sống mới.
Theo ông Trần Hữu Thái, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh, đây là loại công nghệ được sử dụng đầu tiên ở nước ta nhằm thu trữ nước mưa để tưới cho cây trồng và phục vụ sinh hoạt của người dân vào thời điểm mùa khô, khan hiếm nước. Các loại bể trữ nước đã giúp người nông dân vùng đất có nguy cơ sa mạc hóa Bắc Bình có điều kiện thực hiện mô hình nông - lâm kết hợp, phát triển chăn nuôi, đồng thời từng bước cải thiện môi trường và phục hồi hệ sinh thái vùng đất quanh năm khô hạn.
Sau khi thử nghiệm thành công, hiện nay mô hình đang được nhân rộng ra 24 hộ gia đình (trên diện tích 80 ha) ở xã Hồng Phong. Họ không chỉ trồng trọt mà còn thả cá, trồng được rau xanh tự túc cho gia đình, điều mà trước đây chưa bao giờ làm được ở vùng gió cát này