Biến rác thành sản phẩm hữu ích
4/4/2021 6:47:00 AM
Với mong muốn thay đổi thói quen xử lý rác thải tại nhà, đồng thời tận dụng chúng vào cuộc sống, một mô hình tái chế rác thành các sản phẩm sinh hoạt đã được tổ chức tại TP Hội An. Chỉ với các phế phẩm như vỏ dừa khô, rau, củ những tưởng đã bỏ đi, nhưng sau khi được tái chế lại trở thành các sản phẩm hữu ích cho nhiều gia đình.
Các kỹ thuật viên hướng dẫn người dân tái chế rác sinh hoạt thành sản phẩm có ích.
Tận dụng lợi ích từ rác thải
Mỗi ngày, trong các hộ gia đình đều thải bỏ một số lượng rác nhất định. Trong đó có những loại như rau, củ bị hư hỏng, vỏ trái cây hay các phần thức ăn thừa tại nhiều nhà hàng, quán ăn. Nhận thấy số lượng chất thải lớn sẽ gây ảnh hưởng môi trường nếu thải trực tiếp ra đất, một nhóm tình nguyện cộng đồng tại TP Hội An đã nghiên cứu, hướng dẫn bà con cách tái sử dụng rác thải hữu cơ.
Bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu cách tái chế rác hữu cơ từ năm 2015 đến nay, qua nhiều lần thử nghiệm bằng những phương pháp khác nhau, chị Vũ Mỹ Hạnh (33 tuổi), thành viên của nhóm tái chế cho biết: “Với tâm lý chung của bà con là thường đổ bỏ hết chất thải hằng ngày, song từ những vật liệu đơn giản đó chúng ta có thể tạo ra những chất tẩy rửa, dung dịch làm vệ sinh trong nhà, vừa tiết kiệm, vừa thân thiện môi trường và an toàn, bởi ai cũng biết rõ nguồn gốc các sản phẩm này đều do chính tay mình làm”.
Hiện đã có một số sản phẩm được các kỹ thuật viên trong nhóm nghiên cứu, tái tạo thành công từ rác sinh hoạt như nước rửa đa dụng (dùng trong việc lau sàn, xịt côn trùng, xịt khử mùi, rửa chén...) làm từ các loại rau, củ bỏ đi; xà-phòng được tạo ra từ dầu ăn đã qua sử dụng hay như công thức lên men mọi loại rác hữu cơ (còn gọi là phương pháp tạo phân bón hữu cơ sinh học compost - bokashi)...
Các buổi hướng dẫn cách tái chế rác hữu cơ được tổ chức vào các ngày chủ nhật hằng tuần tại sân vườn Trạm Phục hồi Tài nguyên - Dana Connect ở địa chỉ số 26 Tống Văn Sương, xã Cẩm Thanh, TP Hội An. Tại đây, các thao tác thực hiện tái chế rác được các kỹ thuật viên hướng dẫn cụ thể và để bà con tham gia thực hành ngay tại chỗ. Hiện nay, nhóm của chị Hạnh có 10 thành viên, phần lớn là người dân địa phương tại Hội An, đồng thời có thêm một số cá nhân đang công tác ở những doanh nghiệp xã hội cùng đồng hành.
Lan tỏa thói quen bảo vệ môi trường
Chị Phạm Minh Điệp, một giáo viên từ TP Đà Nẵng, đã cùng gia đình đến tham gia buổi hướng dẫn từ sớm cho biết: “Tôi rất thích những mô hình mang tính cộng đồng này bởi nó sẽ mang tính lâu dài, dần thay đổi thói quen bảo vệ môi trường của nhiều người hơn. Tôi làm trong ngành giáo dục nên đến với mô hình hướng dẫn tái chế rác hữu cơ cho bà con như thế này, cảm thấy rất hiệu quả, đặc biệt là khi các bạn trẻ, cháu nhỏ được thực hành, vừa có thêm kiến thức về tái chế rác vừa tăng thêm ý thức bảo vệ, gìn giữ môi trường xanh, sạch hơn”.
Việc ứng dụng các chất thải tạo ra phân bón hữu cơ phục vụ trồng trọt được nhiều bà con quan tâm nhất. Trực tiếp cầm trên tay những bó cải xanh tươi mọc trong những chậu nhỏ, bên dưới là lớp phân bón ủ theo phương pháp bokashi, anh Nguyễn Trung Hiếu (40 tuổi) tại TP Đà Nẵng chia sẻ: “Sản phẩm rau cải mọc lên từ chính rác hữu cơ này rất độc đáo. Tôi thấy phương pháp này rất dễ thực hiện, đặc biệt là những ai ở nhà chung cư, có thể tận dụng hành lang, các giá treo để tự trồng rau sạch, đồng thời tận dụng phế phẩm hằng ngày. Quan trọng nhất là việc này tác động đến nhận thức của mọi người, đặc biệt là các em nhỏ. Tôi hy vọng nhiều người sẽ cùng biết đến những phương pháp sinh học an toàn, lành mạnh như vậy”.
Hiện nay, tại Trạm Phục hồi Tài nguyên - Dana Connect đang có các sản phẩm nước rửa đa tác dụng phục vụ bà con miễn phí. Đây là cách lan tỏa chất lượng thiết thực, khi người dân trực tiếp mang sản phẩm về sử dụng và cảm nhận sự hiệu quả của những sản phẩm tái chế đem lại. Trong thời gian tới, nhóm của chị Hạnh cùng các tình nguyện viên sẽ hướng đến việc sẽ kết nối với các trường học trên địa bàn. Mục tiêu để các em học sinh được tiếp cận với những phương pháp tái chế rác thải sinh hoạt, đồng thời tác động tích cực đến lối sống trong cộng đồng.
PV/THoinay
Lượt xem : 1061