Sản phẩm được tạo nên với mong muốn xử lý rác thải nhựa và tạo ra sản phẩm gạch không nung đảm bảo chất lượng vật liệu xây dựng, đồng thời góp phần hạn chế việc khai thác tài nguyên thiên nhiên (cát, sạn)...
Nhóm học sinh Nguyễn Trần Tiến, Trần Thị Kiều Trang, Võ Thị Mỹ Trâm, Phan Quốc Huy, Trần Lê Anh Đức, Trần Thái Minh Quang (lớp 11, Trường THPT Cao Thắng, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) vừa chế tạo thành công sản phẩm gạch polymer từ nhựa thải nhưng có chất lượng tương đương với gạch block thông thường.
Các bạn sinh viên vui mừng nhận giải thưởng...
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, mỗi năm lượng rác thải nhựa đủ để bao quanh Trái đất 4 lần. Dự kiến đến năm 2050, khối lượng rác thải nhựa ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng cá. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế. Tại Việt Nam hiện nay, rác thải nhựa đang là một vấn đề lớn, xét riêng về lượng rác thải nhựa xả ra biển, Việt Nam đứng top 5 thế giới.
“Gần đây thị trường cát xây dựng trên địa bàn Thừa Thiên Huế khan hiếm và giá tăng lên cao chưa từng thấy, nhưng cũng không có để cung ứng cho các công trình. Ngoài ra, việc khai thác cát sạn trên sông Hương, sông Bồ đã làm nhiều nơi bị sạt lở nghiêm trọng. Với mong muốn xử lý rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm gạch không nung đảm bảo chất lượng vật liệu xây dựng, đồng thời góp phần hạn chế việc khai thác tài nguyên thiên nhiên (cát, sạn) nên chúng em đã tạo nên sản phẩm gạch polymer này...”, Tiến chia sẻ.
Sản phẩm gạch rất ý nghĩa của nhóm học sinh Huế
Theo đó, gạch polymer của nhóm là loại gạch không nung, được làm ra bởi 4 nguyên liệu là xi măng, cát sạn lộn (hỗn hợp giữa cát và sạn), nhựa xay, nước. Nhóm bạn đã thu gom rác thải nhựa (như vỏ tivi, vỏ máy tính, bàn chải đánh răng, bàn phím, con chuột máy tính...), rửa sạch và cắt nhỏ. Sau đó, phối trộn với xi măng, cát sạn lộn và nước rồi đổ vào khuôn và dùng đầm để tạo ra gạch.
Nhóm có 4 mẫu thực nghiệm với tỉ lệ trộn nhựa khác nhau. Như với mẫu có 0,85kg xi măng, 300gram nhựa và 7,5kg cát, nước, các em đã làm nên sản phẩm “gạch nhựa” block đặc khối lượng 9,8kg, có kích thước 100x185x280mm. Hoặc với lượng xi măng trên, lượng nhựa tăng lên 600gram, cát giảm còn 6kg và nước thì tạo ra sản phẩm gạch block tương tự với trọng lượng 9,4kg…
Nhóm học sinh đang chế tạo sản phẩm gạch polymer từ nhựa thải
Sau thời gian bảo dưỡng 28 ngày, nhóm đã đưa mẫu thực nghiệm đi kiểm tra thông số kĩ thuật ở Xưởng gạch ngói màu terizzo thuộc Công ty Xi măng Long Thọ (Huế). Qua kiểm tra về cường độ chịu nén, lực phá hoại, cường độ trung bình (MPA)… theo tiêu chuẩn phương pháp thí nghiệm TCVN 6477-2016, có hai mẫu là TN3 là phù hợp với tất cả mọi công trình, còn TN4 phù hợp với các công trình chịu lực ít.
“Thông qua sản phẩm, chúng em hướng đến việc bảo vệ môi trường là lớn nhất, tiếp theo là giảm việc khai thác cát sạn, tạo ra gạch polyme đảm bảo chất lượng, giảm chi phí sản xuất. Nếu được áp dụng ở tỉnh Thừa Thiên Huế, trong một năm với 100 cơ sở, chúng ta giảm được 3.260 tấn nhựa và 16.200 tấn cát”, Mỹ Trâm nói.
Nhựa thải đã sàng và cân theo khối lượng
Với tính ứng dụng cao, sản phẩm đã mang về cho nhóm giải Ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh vừa diễn ra đầu năm 2019.
Trao đổi với PV, thầy Huỳnh Nguyễn Xuân Long - Giáo viên hướng dẫn nhóm học sinh cho biết, nhóm học sinh đều học giỏi, có tinh thần nghiên cứu khoa học và yêu môi trường.
“Sản phẩm gạch của nhóm có chất lượng không thua gì gạch block thông thường và còn nhiều tính ưu việt như giảm lượng cát, tận dụng được nguồn rác thải nhựa. Với tính ứng dụng cao trong thực tiễn nên nhà trường luôn mong muốn sản phẩm này sẽ được nghiên cứu, hoàn thiện ở cấp cao hơn để có thể ứng dụng rộng rãi tại địa phương và trên cả nước...”, thầy Long nhận định.
Các bạn bộc bạch thêm sắp tới, nhóm sẽ nghiên cứu thử nghiệm xây dựng công thức phối trộn đưa lượng nhựa thải vào nhiều hơn trong 1 viên gạch, thay thế 1 lượng cát, sạn để tạo vật liệu mới nhẹ hơn, bền hơn...