Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE, cho biết
biến đổi khí hậu đã xảy ra cả ngàn năm trước rồi và con người cũng đã thích ứng với hiện tượng này từ xưa đến nay rồi.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn so với dự báo, tác động tiêu cực ngày càng tăng - TS Lê Minh Nhật, Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên & Môi trường, chia sẻ tại Hội nghị đang diễn ra ở Hà Nội giữa lúc
mưa lũ đã và đang hoành hành ở nhiều nơi gây thiệt hại lớn về người và của trong những ngày qua.
“Các loại hình thiên tai ngày càng gia tăng ở Việt Nam. Mặc dù công tác dự báo
thời tiết của Việt Nam ngày càng có tính chính xác hơn, tuy nhiên số người chết vì thiên tai vẫn gia tăng”, TS Nhật nói.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương (tính đến ngày 12/10), thiệt hại đợt mưa lũ đang diễn ra đã khiến 77 người chết và mất tích; 21 người bị thương. Trong đó số người chết và mất tích nhiều nhất tại Hòa Bình (32 người) Yên Bái 15 người, các trường hợp khác xảy ra ở Sơn La, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ an và Quảng Trị.
Về tài sản, ước tính có 217 nhà bị sập, 1059 nhà bị hư hỏng, gần 17.000 nhà bị ngập. Tính tới thời điểm này, các địa phương nằm trong vùng lũ phải di dời khẩn cấp gần 800 nhà.
Theo GS.TSKH Trương Quang Học, VACNE, trong hơn 30 năm qua, tại Việt Nam, bình quân mỗi năm thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế vào khoảng 1,5% GDP, cao hơn so với khoảng 1% GDP đối với các nước có thu nhập trung bình, và khoảng 0,3% GDP đối với các nước có mức thu nhập thấp.
Những biểu hiện chủ yếu của biến đổi khí hậu trong các mốc thời gian quan trọng của thế kỷ 21 bao gồm sự tăng nồng độ CO2 trong khí quyển, sự tăng nhiệt độ và nước biển dâng trên bề mặt Trái đất.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, đến năm 2030, Việt Nam sẽ cắt giảm 8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, với mục tiêu cắt giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Để thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần khoảng 30 tỷ USD từ nguồn lực nhà nước, hỗ trợ quốc tế và cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước.