Vietnamese English
Biến đổi khí hậu nới rộng khoảng cách giàu nghèo

10/9/2021 7:20:00 AM

Gần đây, Viện Policy Integrity của Đại học New York (Mỹ) công bố một nghiên cứu cho thấy biến đổi khí hậu (BĐKH) sẽ dẫn đến khoảng cách giàu nghèo thêm lớn.


Theo nghiên cứu trên, nhiệt độ toàn cầu gia tăng có thể gây ra những khó khăn rất lớn đối với các quốc gia vốn đã phải gánh chịu những thách thức về kinh tế và tỉ lệ đói nghèo cao. Cũng theo nghiên cứu đó, 70% số người được hỏi dự báo, biến đổi khí hậu sẽ khiến sự bất bình đẳng gia tăng ngay bên trong các quốc gia và khoảng cách giàu nghèo cũng tăng lên.


Biến đổi khí hậu khiến nhiều vùng tại Kenya thiếu nước trầm trọng. (Ảnh minh họa)

Các thảm họa thiên nhiên do BĐKH gây ra cũng tác động trực tiếp đến những ngành sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện đất đai, nguồn nước, khí hậu,
nhiệt độ, độ ẩm, như: Nông nghiệp, ngư nghiệp... Trong khi đó, đây lại là những lĩnh vực mà người nghèo chiếm số đông. Do đó, người nghèo có nguy cơ nghèo hơn vì họ là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến BĐKH.

Các nước châu Phi hiện đang bị tổn thương do tình trạng BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan như
hạn hán, lũ lụt kéo dài, gây tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân.

Trong chuyến thăm đến các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tận mắt chứng kiến những tác động của BĐKH ở các quốc đảo này. BĐKH khiến nguồn sinh sống của người dân nơi đây bị phá hủy và bệnh dịch bùng phát. Theo ông Antonio Guterres, các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương gây tác động rất ít vào tình trạng BĐKH toàn cầu, nhưng lại bị ảnh hưởng nặng nề. Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh, các quốc đảo nhỏ không thể ngăn chặn BĐKH mà cần phải có sự góp sức của tất cả các nước trên thế giới.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, mỗi năm, các nước nghèo gánh chịu khoản tổn thất hàng trăm tỉ USD do hệ thống cơ sở hạ tầng bị hủy hoại trong những thảm họa thiên tai phát sinh do BĐKH. WB đã cam kết khoản đầu tư 200 tỉ USD vào kế hoạch hành động chống BĐKH giai đoạn từ 2021 - 2025. Theo đó, phần lớn hỗ trợ tài chính chống BĐKH được dành cho việc giảm bớt khí thải cũng như các chiến lược phát triển năng lượng tái tạo.


Trong khi đó, nhiều nước, nhiều doanh nghiệp cũng cam kết triển khai kế hoạch chuyển đổi phương thức sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, gây ảnh hưởng đến môi trường, sang các nguồn năng lượng tái tạo thân thiện môi trường.

Theo các nhà kinh tế, các quốc gia có thể đang đánh giá thấp những tác động tiềm ẩn của biến đổi khí hậu, trong đó có ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt và gián đoạn kinh tế. “Mối quan ngại rất lớn về rủi ro của biến đổi khí hậu đang hiện hữu”, ông Derek Sylvan, Giám đốc phụ trách chiến lược của Viện Policy Integrity, đồng tác giả của cuộc khảo sát khẳng định.

Ông Sylvan cho rằng, các quốc gia đang phát triển sẽ hứng chịu những tác động nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu, bởi những yếu tố như sự phụ thuộc nhiều hơn vào nông nghiệp và tính dễ bị tổn thương trước nhiệt độ khắc nghiệt. Đồng thời, toàn thế giới sẽ trải qua những tổn thất do các tác động lan tỏa, như sự gián đoạn của các tuyến đường thương mại và các chuỗi cung ứng, cũng như các cuộc khủng hoảng tị nạn do tác động của biến đổi khí hậu gây ra.

Nếu xu hướng ấm lên hiện nay vẫn tiếp diễn, ước tính thiệt hại kinh tế ​​do tình trạng biến đổi khí hậu sẽ lên đến 1,7 nghìn tỉ USD mỗi năm đến năm 2025 và khoảng 30 nghìn tỉ USD hàng năm đến năm 2075.

Kể từ khi Cách mạng Công nghiệp diễn ra đến nay, Trái Đất đã ấm lên khoảng 1ºC. Và, nếu các quốc gia thực thi đúng những cam kết đã đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu - điều đến nay vẫn chưa thực sự đi đúng theo lộ trình cần thiết - lượng nhiệt tăng thêm trên toàn cầu có thể được duy trì ở mức 2ºC.

Hầu hết các nhà kinh tế học khí hậu quốc tế được hỏi trong cuộc khảo sát cho hay, họ ngày càng lo ngại nhiều hơn về tình trạng biến đổi khí hậu trong 5 năm qua. Đa số đều đưa ra lý do là sự xuất hiện thường xuyên của các hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây, trong đó có cháy rừng liên quan đến khí hậu và các đợt sóng nhiệt.


Dẫu vậy, với kịch bản 2ºC, nền kinh tế vẫn sẽ chịu thiệt hại. “Nhiệt độ Trái Đất nóng lên gấp đôi sẽ kéo theo nhiều tác động hơn là chuyện hết sức hiển nhiên”, ông Diffenbaugh nói. Ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy, nhiệt độ Trái Đất sẽ không chỉ dừng ở mức tăng 2ºC.

Cho dù tất cả các quốc gia đã ký kết Hiệp định Paris đồng lòng hành động vì biến đổi khí hậu, Trái Đất vẫn sẽ nóng thêm 3ºC, Tổ chức Khí tượng Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc dự báo. Thậm chí, một số quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất đã có chính sách ứng phó với viễn cảnh nóng lên tới 5ºC.

Trong bối cảnh những nước đang phát triển mở rộng quy mô sử dụng năng lượng, vốn là điều kiện thiết yếu đối với tăng trưởng kinh tế, điểm mấu chốt là làm sao tập trung vào khai thác năng lượng tái tạo để tránh làm vấn đề thêm trầm trọng cũng như đánh mất lợi ích mang lại từ tăng trưởng.

“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, việc tăng cường khai thác và sử dụng năng lượng thông qua các nền tảng công nghệ không làm tình trạng nóng lên toàn cầu trầm trọng hơn sẽ mang đến lợi ích phát triển thứ cấp đáng kể”, ông Diffenbaugh nói.

(Theo Kinhtemoitruong)

Lượt xem : 1340